Chăm lo sức khỏe cho người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu vùng xa được ngành Y tế Đắk Nông đặc biệt chú trọng, chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng cao.
Phát triển mạng lưới y tế, chú trọng nguồn lực
Những năm qua, các chương trình, chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS luôn được của Đảng, Nhà nước chú trọng, quan tâm ngày càng hoàn thiện, đầy đủ, thực chất và hiệu quả, đi vào cuộc sống trên các lĩnh vực trong đó có Y tế.
Theo đó, mạng lưới Y tế ngày càng phát triển, hệ thống bệnh viện của tỉnh, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư, các trạm y tế được trang bị y tế cơ bản đáp ứng công tác khám, chữa bệnh; đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; 71/71 xã đều có trạm y tế và bác sĩ; chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm dịch bệnh không để lây lan trên địa bàn; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển, nhất là mạng lưới y tế buôn, bon, bản trong vùng đồng bào DTTS.
Ngành Y tế đã tích cực phổ biến, triển khai các chính sách về DTTS của tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời chủ động, tổ chức lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đối với đồng bào DTTS trong các hoạt động chuyên môn về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ, hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh quân dân y kết hợp,…
Trong thời gian qua Đảng ủy, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông đã chỉ đạo các chính sách ưu tiên, chủ trương để bác sĩ về công tác tại các Trạm Y tế vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn như: Bố trí, điều chuyển các bác sĩ ở trung tâm y tế huyện và các bác sĩ cử tuyển về tuyến y tế xã phường, đạt 8,5 bác/vạn dân, theo chỉ tiêu đến năm 2025 là 8,9 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 100%, các bác sĩ về công tác tại các vùng sâu, vùng xa vùng DTTS, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách thu hút và chính sách ưu đãi ngành 140%.
Việc tăng cường bác sĩ về công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã đã đảm bảo số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân cho đồng bào DTTS. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng toàn tỉnh nói chung và các vùng DTTS trên 90%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 87% trong đó ưu tiên cấp thẻ miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, người DTTS khó khăn thuộc hộ nghèo, các đối tượng chính sách.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Cùng với việc hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế, ngành Y tế Đắk Nông đặc biệt chú trọng nguồn lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.
Các cơ sở khám, chữa bệnh đã bảo đảm cơ bản nhiệm vụ khám chữa bệnh theo phân tuyến và từng bước phát triển dịch vụ kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng, giúp đồng bào rút ngắn khoảng cách tiếp cận với y tế hiện đại. Cùng với đó, Trạm y tế tuyến xã cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ khám, phân loại và điều trị các loại bệnh thông thường, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của người dân, nhất là đồng bào DTTS.
Từ năm 2021 đến nay, ngành Y tế đã tích cực, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, y tế, luôn chú trọng trong công tác dự phòng nâng cao sức khỏe cộng đồng. Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, giảm thiểu việc lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm.
Công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Thực hiện tốt công tác tổ chức khám chữa bệnh, phân tuyến kỹ thuật tại các tuyến, chế độ chính sách cho người bệnh và đảm bảo công tác cung ứng, quản lý thuốc phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn. Các chỉ tiêu tổng hợp như số lượt khám bệnh, số lượt điều trị nội trú, công suất sử dụng giường bệnh, số ngày điều trị nội trú, số phẫu thuật, thủ thuật,…năm sau tăng hơn so với năm trước.
Tổng số lượt khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, huyện qua các năm thể hiện: Năm 2021, là 600.753 lượt, giảm 213.040 lượt so với cùng kỳ năm 2020 (814.7 lượt); tổng lượt khám BHYT là: 456.956; tổng số lượt điều trị nội trú là: 56.492 lượt, giảm 14.087 lượt so với cùng kỳ năm 2020 (70.579 lượt); Công suất sử dụng gường bệnh đạt 64,18%; tổng số giường kế hoạch năm 2021 là 1.275; tổng số lượt chuyển tuyến 21.278 lượt, giảm 9.717 lượt so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2022, là 569.061 lượt, tăng 33.583 lượt so với cùng kỳ năm 2021 (535.478), tổng số bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tuyến xã: 148.679 lượt; tổng lượt khám BHYT là: 503.218; tổng số lượt điều trị nội trú là: 61.611 lượt, tăng 7.645 lượt so với cùng kỳ năm 2021 (53.966 lượt); Công suất sử dụng gường bệnh đạt 64,9%.
Năm 2023 (đến ngày 20/9/2023): là 490.695 lượt, tăng 84.425 lượt so với cùng kỳ năm 2022 (406.270 lượt); tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến xã: 0.931 lượt; Tổng số khám BHYT là 441.907 lượt, tăng 86.988 lượt so với cùng kỳ năm 2022 (354.919 lượt); Tổng số lượt điều trị nội trú là 42.662 lượt, giảm 39 lượt so với cùng kỳ năm 2022 (42.701 lượt); Công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 53.35%, giảm khoảng 9.59% so với cùng kỳ báo cáo năm 2022 (năm 2022 là 62,94%); tổng số giường kế hoạch năm 2023 là 1.370 giường.
Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin năm luôn duy trì từ 90% đến 95%; duy trì thành quả thanh toán loại trừ bệnh Uốn ván sơ sinh, bệnh Bại liệt. Ngoài ra, phối hợp và chủ động tổ chức khám, chữa bệnh nhân đạo hơn 111 đợt cho đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào DTTS. Tỷ lệ phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ là 51.7%; sinh con ở cơ sở y tế là 91%; đẻ được cán bộ y tế chăm sóc là 96.3%.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã và đang tích cực, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, y tế, luôn chú trọng trong công tác dự phòng nâng cao sức khỏe cộng đồng. Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, giảm thiểu việc lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm.
Cùng với duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bon, bản, ngành cũng định kỳ bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông để tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện truyền thông, tư vấn có hiệu quả tại hộ gia đình. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh tại các cơ sở y tế có giường bệnh trực thuộc Sở Y tế.
Để công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao, ngành Y tế Đắk Nông tiếp tục chú trọng thu hút các nguồn lực, y, bác sĩ giỏi để phát triển, mở rộng mạng lưới y tế cơ sở. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động y tế, giúp người dân vùng DTTS có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, kỹ thuật cao, nâng cao sức khỏe…