Tin địa phương

Ngày hội gắn kết tình làng, nghĩa xóm

Nguyễn Liên 18/11/20 - 08:31

Những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, Ngày hội Đại đoàn kết được tổ chức trong niềm vui hân hoan, chia sẻ yêu thương của các tầng lớp Nhân dân. Hàng năm, vào dịp này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận cùng chung vui với người dân tại các địa phương trong ngày hội lớn của Nhân dân.

Tình làng nghĩa xóm

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến từng chia sẻ: “Trong tất cả các thiết chế (tỉnh, huyện, xã, thôn) thì khu dân cư (có nơi gọi là thôn, làng, bản, phum, sóc...) là quan trọng nhất. Khu dân cư là nơi gần nhất có thể sẻ chia, “tối lửa tắt đèn có nhau”... Cho đến ngày nay, làng quê Việt Nam có nhiều biến đổi, nhưng “tình làng nghĩa xóm” vẫn được gìn giữ như nét văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.

z60428480996_ce97978778bb46b6bd5f45cae861385b.jpg
Ngày hội Đại đoàn kết là nơi nhân dân thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Trải qua nhiều thế hệ, câu tục ngữ “Bà con xa không qua láng giềng gần” vẫn giữ nguyên giá trị. Cái tình, cái nghĩa đậm đà nơi làng quê được ông cha ta xây đắp bao đời đã soi rọi cho con cháu hôm nay tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Sống trong thành phố, đô thị ngày nay có lẽ ít ai hiểu được đúng nghĩa về cụm từ “tình làng nghĩa xóm” mà người Việt trước đây vẫn hay nhắc đến. Làng xóm đối với người Việt Nam trước đây là nơi sinh ra, lớn lên, có quan hệ đến việc hình thành tính cách của mỗi con người. Nói đến làng xóm là nói đến tình nghĩa, là để chỉ sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, mà cao hơn, là sự gắn kết cộng đồng.

4.jpg
Xóm làng khang trang, sạch sẽ, ngập sắc cờ hoa kỷ niệm ngày lễ. (Ảnh: Gia Hân)

Tình làng nghĩa xóm - đơn giản chỉ là những lời chào hỏi cởi mở hằng ngày, là chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, là thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, là giúp đỡ tận tình lúc nhà có công có việc.

Vì thế mà, ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTƯ về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Mỗi năm, vào dịp này các khu dân cư lại tưng bừng không khí đoàn kết.

Phát huy sức mạnh đoàn kết từ cơ sở

Sau hơn 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết mang nhiều ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ở khu dân cư. Đây là dịp để nhân dân tìm hiểu, chia sẻ yêu thương, khám phá phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các hoạt động thăm, tặng quà, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hay các chương trình chúng tay xóa nhà tạm dột nát cũng được con em khắp nơi trở về chia sẻ.

a3.jpg
Đồng chí Thào Hồng Sơn dự ngày hội đại đoàn kết nhân dân tại thôn Suối Đồng, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên).

Trong những năm qua, tại các địa phương địa bàn các tỉnh phía Bắc, Ngày hội Đại đoàn kết được xem như ngày hội lớn, là cơ hội để lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố, thị xã, xã phường thăm hỏi, động viên, giao lưu nhân dân. Vốn là khu vực có địa hình khó khăn, ngày hội lớn là cơ hội để lãnh đạo có thể đến tận nơi nhân dân hỏi thăm, chia sẻ một năm qua với biết bao câu chuyện.

Đây cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; dịp để nhân dân tôn vinh và biểu dương các hộ gia đình, các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp tại khu dân cư, đồng thời đánh giá tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư.

Ở mỗi địa phương, ngày hội có những điểm nhấn, sắc thái riêng đa dạng và phong phú, đảm bảo giá trị cốt lõi gắn kết cộng đồng, xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết.

ct1-c4387cef4ed2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình, mong muốn người dân tiếp tục thực hiện tốt các nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong giai đoạn mới".

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, mỗi người dân, mỗi thôn bản cần tiếp tục xây dựng cộng đồng dân cư thật sự đoàn kết, vững mạnh, vươn lên phát triển, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá và vươn lên làm giàu.

128802_ntv031_13123309.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, dự ngày hội đoàn kết tại Hạ Lang

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh khẳng định: Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân.

67345235a8beff5b04faf963.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với Nhân dân, cán bộ thôn Nà Làng, xã Thanh Tương, huyện Na Hang. (Ảnh: ND)

Tỉnh Lạng Sơn, từ đầu tháng 11, các khu dân cư trong tỉnh đã sôi nổi tổ chức ngày hội đại đoàn kết với nhiều hoạt động phong phú, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân. Điển hình như tại huyện Chi Lăng, từ ngày 2/11 đến ngày 8/11/20, có 16 khu dân cư ở 16 xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức điểm ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mỗi đảng viên là hạt nhân, trung tâm của đoàn kết toàn dân

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết yêu nước là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng nước ta.

Tại TP. Thái Nguyên, nhân ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tới dự ngày hội cùng nhân dân xóm Phúc Tiến, xã Phúc Trìu. Đồng chí đánh giá cao những đột phá mà Chi bộ và nhân dân xóm Phúc Tiến đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là nỗ lực giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

z6042848099739_3efc35d51fcef8b07ac7947db374cc.jpg
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng chia sẻ "Mỗi đảng viên là hạt nhân, trung tâm của đoàn kết toàn dân"

Nhấn mạnh tinh thần “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp cần quan tâm hơn nữa đến nội dung, hình thức và đối tượng trong đoàn kết, tập hợp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhấn mạnh vào vai trò hạt nhân, trung tâm trong đoàn kết toàn dân của mỗi đảng viên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn mỗi đảng viên trong Chi bộ xóm Phúc Tiến cũng như Đảng bộ xã Phúc Trìu phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu để lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn dắt nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

bt-5-(1).jpg
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân là dịp lãnh đạo tỉnh dành thời gian thăm, tặng quà, chia sẻ với người dân.

Có thể thấy, trải qua 20 năm tổ chức, ngày hội đã trở thành nề nếp, là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở, là nền tảng quan trọng trong phát huy toàn diện sức mạnh trí tuệ, sự sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, là động lực lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cùng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đang lan tỏa trong từng thôn xóm, khu dân cư. Sự hòa quyện giữa tinh thần đại đoàn kết với các giá trị văn hóa đã tạo nên những sắc màu riêng của mỗi địa phương. Và sau mỗi ngày hội, tinh thần đại đoàn kết dân tộc một lần nữa được củng cố, trở thành sức mạnh trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngy hội gắn kết tình lng, nghĩa xm