Theo dự kiến, sáng mai (27/11), kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV tiếp tục với nội dung quan trọng, khi các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trước phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Về biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô (Điều 34), một số ý kiến tán thành với quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm để ngăn chặn hành vi vi phạm về xây dựng, môi trường và một số lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn đối với quy định này bởi đây là biện pháp không chỉ tác động đến tổ chức, cá nhân có công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có hành vi sai phạm mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của các công dân đang sinh sống, lao động tại các công trình, cơ sở đó một cách ngay tình.
Có ý kiến đề nghị bổ sung lĩnh vực được tăng mức tiền phạt (gây ô nhiễm môi trường, tệ nạn đua xe trái phép, tụ tập đông người, lạng lách, đánh võng); biện pháp để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua tài khoản ngân hàng được đăng ký bằng số định danh của mình.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn không quá 2 lần và mở rộng phạm vi áp dụng trên địa bàn toàn thành phố đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực như quảng cáo, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đủ mạnh (cắt điện, cắt nước) sẽ kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm hành chính. Nhờ đó, các vi phạm hành chính sẽ giảm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý; bảo đảm tốt hơn an ninh trật tự, an toàn xã hội và tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường và thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Bộ trưởng dẫn số liệu báo cáo đánh giá tác động cho thấy: Từ 2016 đến hết 2020, số vụ cháy, nổ tăng 2.526 vụ, tăng 29 người chết, tăng người bị thương, thiệt hại về tài sản 576 tỷ đồng. Tính đến ngày 19/4/2023, trên địa bàn thành phố còn 2.601 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động.
Bộ trưởng khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm quy định trình tự, thủ tục áp dụng chặt chẽ "để bảo đảm thực sự thích đáng và có tính khả thi, phát huy được hiệu quả khi thực hiện, tránh tùy tiện và lạm dụng trong áp dụng pháp luật".
Cải tạo, xây dựng lại chung cư không bảo đảm an toàn
Về phát triển nhà ở, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thời hạn để chủ sở hữu nhà chung cư xây dựng lại hoặc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng lại nhà chung cư cũng như việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cho chủ sử hữu nhà chung cư khi UBND thành phố thực hiện việc giải phóng mặt bằng để bảo đảm quyền lợi cho người dân; quy định trong các quận lõi của nội thành Hà Nội không được phép xây thêm chung cư cao tầng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có các biện pháp mạnh mẽ hơn để thành phố có thể thực hiện được các dự án cải tạo, xây dựng lại cả khu chung cư hoặc các khu nhà ở riêng lẻ khác không bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, về môi trường sống hay phục vụ mục tiêu, phân bố lại dân cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục bám sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật Nhà ở để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô đã được xử lý thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô; Nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô.
“Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định như các biện pháp để Thành phố có thể thực hiện được các dự án cải tạo, xây dựng lại cả khu chung cư hoặc các khu nhà ở riêng lẻ không bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, về môi trường sống hay phục vụ mục tiêu, phân bố lại dân cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị”, Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất.
Giao Hà Nội được thu hồi đất vùng phụ cận, khu vực giao thông công cộng
Về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, có ý kiến đề nghị UBND thành phố Hà Nội được quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời đối với tất cả các đối tượng... Đề nghị giao UBND thành phố Hà Nội chủ động quyết định điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trong khu vực giao thông công cộng (TOD).
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, về thẩm quyền quyết định di dời, dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương không phù hợp với quy hoạch; UBND thành phố Hà Nội quyết định đối với những cơ sở còn lại.
Việc này nhằm bảo đảm tính khả thi vì trên địa bàn Thủ đô có rất nhiều cơ sở giáo dục, y tế, trụ sở của cơ quan trung ương. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định về thu hồi đất trong vùng phụ cận, việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch trong khu vực TOD tại dự thảo Luật để quy định chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thành phố.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài
Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện thực hiện và giao cho chính quyền thành phố quy định cụ thể mức độ đãi ngộ phù hợp với từng đối tượng được thu hút; bổ sung đối tượng được thu hút, trọng dụng nhân tài là người có khả năng tham mưu, đề xuất, thực hiện những vấn đề lớn đang đặt ra đối với Thủ đô (như vấn đề về bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm dòng sông, ùn tắc giao thông,…) mà không phụ thuộc vào bằng cấp chuyên môn; thủ khoa xuất sắc.
Theo Bộ trưởng, Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát về tiêu chí, điều kiện thực hiện cũng như đối tượng thuộc diện thu hút, trọng dụng nhân tài để quy định phù hợp, đáp ứng được mục tiêu xây dựng và phát triển của Thủ đô. Việc quy định đối tượng thu hút theo nguyên tắc không trùng lặp với các chính sách chung đã được quy định.
“Đồng thời để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật giao HĐND thành phố quy định chi tiết để có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, từ đó quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Tương tự như vậy, về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 18), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong dự thảo Luật để phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương; rà soát quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tại điều này để phù hợp với lộ trình cải cách tiền lương; cân nhắc đối tượng được chi thu nhập tăng thêm là cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, trong bối cảnh đang chuẩn bị thực hiện chế độ cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện quy định này.
Trước khi thảo luận Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), vào sáng mai (27/11), các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).