Thời gian qua, tập thể cán bộ công chức, lãnh đạo TAND tỉnh Kon Tum không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử mà còn thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Đơn vị đã hỗ trợ buôn làng xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, hỗ trợ giúp đỡ người dân đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Ngày /3/20, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ký Kế hoạch số 133-KH/TU phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo" gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" tại các thôn, làng trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch này nhằm huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, giúp đỡ 57 thôn (làng) của 08 xã thuộc các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Thực hiện theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tập thể cán bộ công chức, lãnh đạo TAND tỉnh Kon Tum đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch, đi khảo sát thực tế tại thôn làng Kon Plinh, xã Hiếu, huyện Kon Plông để cùng chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả.
Theo xe đoàn cán bộ công chức, lãnh đạo TAND tỉnh Kon Tum, 6 giờ men theo QL khoảng chừng 90km, chúng tôi tìm về làng Kon Plinh. Đường vào thôn rất khó khăn, phải đi trên tuyến đường thôn đang tu sửa nên có những điểm trơn trượt, sạt lở và lội qua suối mới đến được làng.
Sau 2 giờ di chuyển, chúng tôi đã có mặt tại nhà văn hóa thôn Kon Plinh. Bao mệt mỏi tan biến khi hôm nay, dân làng đã đến từ sớm dọn dẹp sạch nhà rông. Bà con trong thôn đứng xếp hàng hai bên đường, tiếp đón đoàn với những nụ cười nồng hậu và cái những cái bắt tay tình cảm. Nhìn khuôn mặt của các cán bộ Tòa án, ai cũng hồ hởi theo.
Đến với thôn làng hôm nay, TAND tỉnh đã mang theo nhiều món quà ý nghĩa để ra mắt thôn. Trong đó có hơn hơn 73 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Các đoàn viên TAND tỉnh đã lắp đặt 3 đèn năng lượng mặt trời tại nhà văn hóa, trồng cây xanh, nhằm tạo cảnh quan, khu vui chơi cho người dân trong thôn làng.
Đặc biệt, khi hay tin gia đình chị Y Dân (thôn Kon Plinh) bị hỏa hoạn thiêu rụi căn nhà, ông Nguyễn Tiến Tăng - Phó Chánh án TAND tỉnh đã hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình. Ông Hà Viết Toàn - Chánh án TAND tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng cho các hộ trong thôn.
Anh A Hý (SN 1985) - Trưởng thôn Kon Plinh, xã Hiếu, huyện Kon Plông chia sẻ, bản thân anh và dân làng rất vui khi có một cơ quan đỡ đầu, giúp đỡ thôn làng về cây giống, hỗ trợ quà cho các hộ nghèo và cùng chính quyền địa phương giúp dân làng xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng thôn làng ấm no, hạnh phúc.
“Khi biết TAND tỉnh là đơn vị đỡ đầu và xuống thôn nắm bắt tình hình an ninh trật tự, kinh tế, phong tục tại địa phương thì bà con trong thôn ai cũng vui mừng và phấn khởi. Tôi cùng các cán bộ địa phương, cán bộ Tòa án và người dân đã họp và thống nhất nhiều nội dung để triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo" đạt hiệu quả cao nhất. Hy vọng với sự đỡ đầu, giúp đỡ của Tòa án, trong thời gian tới cuộc sống dân làng ngày càng phát triển, an ninh trật tự được giữ vững, giảm thiểu hộ nghèo, kinh tế ngày càng đi lên”, anh A Hý nói.
Tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Kỷ - Chủ tịch UBND xã Hiếu, huyện Kon Plông cho biết, thôn Kon Plinh có gần 160 hộ, trong đó có tới 70 hộ là hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Người dân nơi đây có trình độ học vấn còn thấp, đời sống chủ yếu dựa vào trồng cây mì, lúa nước…
“Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Kế hoạch số 133-KH/TU phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ các thôn, làng là việc làm hết sức ý nghĩa. Qua đó, đơn vị TAND tỉnh sẽ đỡ đầu thôn Kon Plinh và cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế xã hội, xóa bỏ hủ tục, từng bước vươn lên thoát nghèo, giữ vững an ninh chính trị tại địa phương”, ông Kỷ nói.
Ông Hà Viết Toàn - Chánh án TAND tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tòa án tỉnh đã cử cán bộ khảo sát tình hình thôn làng Kon Plinh để kịp thời nắm bắt tình hình kinh tế xã hội, an ninh chính trị tại địa phương. Từ đó, xây dựng chương trình giúp dân xóa đói giảm nghèo, lên phương án, kêu gọi kinh phí hỗ trợ cây giống, vật chăn nuôi phù hợp cho bà con.
“Hôm nay, cán bộ TAND tỉnh đến với thôn làng Kon Plinh rất vui khi được dân làng tiếp đón nhiệt tình, nồng ấm. TAND tỉnh đã tặng 73 suất quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ lắp đặt điện chiếu sáng tại nhà rông nhằm tạo không gian vui chơi, sinh hoạt cho dân làng.
Trong thời gian tới, tập thể cán bộ công chức, lãnh đạo Tòa án sẽ cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ giúp dân làng Kon Plinh về mọi mặt, từng bước đưa dân làng phát triển, đi lên theo đúng với kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra”, ông Toàn chia sẻ.
Ông A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, ngay từ khi Kế hoạch 133-KH/TU được đề ra, Ban Thường vụ đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đối với công tác vận động, tuyên truyền và tham gia xây dựng mô hình “Dân vận khéo" tại các thôn (làng) được phân công phụ trách.
Phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc... để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn, thực hiện nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn…
Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum xây dựng Kế hoạch số 133-KH/TU đã từng bước giúp người dân thôn làng giảm bớt một phần gánh nặng kinh tế, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời từng bước nâng cao nhận thức của dân làng, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, giúp từng nhân dân bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, nâng cao đời sống tinh thần và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.