Đời sống

Ngọc Hồi (Kon Tum): Điểm sáng tín dụng chính sách giúp dân thoát nghèo

Văn Hà 07/05/2025 17:49

Thời qua qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) đã giúp nhiều hộ dân vùng biên tiếp cận hiệu quả vốn tín dụng chính sách, đầu tư vay vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Huyện Ngọc Hồi, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum, có vị trí chiến lược quan trọng khi tiếp giáp cả hai nước Lào và Campuchia. Đây không chỉ là địa bàn trọng yếu về quốc phòng – an ninh, mà còn là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan.

Với tổng diện tích tự nhiên 84.454ha và dân số hơn 60.000 người, trong đó gần 57,1% là đồng bào dân tộc thiểu số, Ngọc Hồi đang từng bước chuyển mình trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn lớn khi nhiều hộ dân mới thoát nghèo vẫn đối mặt với nguy cơ tái nghèo, thiếu việc làm và thu nhập chưa ổn định.

Trong bối cảnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã trở thành điểm tựa quan trọng, góp phần ổn định đời sống, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

1.jpg
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) đã giúp nhiều hộ dân vùng biên tiếp cận hiệu quả vốn tín dụng chính sách, đầu tư vay vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Theo thống kê của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi thì tính đến ngày 06/5/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 553.534 triệu đồng, tăng 14.690 triệu đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn từ Trung ương đạt 500.348 triệu đồng; vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 22.750 triệu đồng, chiếm 4,11% tổng nguồn vốn, tăng 3.847 triệu đồng.

Dù vốn huy động có giảm nhẹ so với cuối năm 20, nhưng dòng tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) vẫn tăng, thể hiện niềm tin của người dân vào hệ thống tín dụng chính sách.

Ngoài việc giúp những hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách thì thực hiện theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi đã giúp 06 hộ, người chấp hành xong án phạt tù vay tổng số tiền 550 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn.

Là một trong những người sau khi chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập với cộng đồng, anh A Vang Su (trú tại thôn Chiên Chiết, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) vui mừng vì đã được nhân viên Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tư vấn, hỗ trợ, tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng cây cao su, phát triển kinh tế.

2.jpg
Snh A Vang Su (giữa) vui mừng vì đã được hỗ trợ, tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng cây cao su.

Theo thống kê từ NHCSXH tỉnh Kon Tum, kết quả thực hiện cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cho vay được 13 hộ, số tiền 1.200 triệu đồng (Ngọc Hồi 06 hộ/550 triệu đồng, Đăk Tô 4 hộ/400 triệu đồng, Sa Thầy 02 hộ/200 triệu đồng, Kon Rẫy 01 hộ/100 triệu đồng, Đăk Hà 01 hộ/50 triệu đồng). Việc làm này thể hiện được tính nhân văn sâu sắc giúp người chấp hành xong án phạt tù có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, đầu tư, phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời sau lần lầm lỡ.

Trao đổi với PV, ông Nông Văn Hùng – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi đã cho vay 66.944 triệu đồng cho 965 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần tạo việc làm cho 143 lao động. Song song đó, đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn địa phương đã cho vay 27 hộ, dư nợ đạt 705 triệu đồng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn.

Tổng dư nợ toàn huyện đạt 552.688 triệu đồng, với hơn 8.200 khách hàng còn dư nợ, trong đó 99,93% là cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội. Dư nợ bình quân đạt 65,2 triệu đồng/khách hàng, phản ánh hiệu quả phân bổ vốn phù hợp nhu cầu người dân.

Công tác giao dịch tại xã tiếp tục được chú trọng. Tất cả 8/8 xã, thị trấn đều duy trì đầy đủ điểm giao dịch xã theo quy định. Trong quý I/2025, tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 100%, thu nợ và thu lãi đều vượt kế hoạch.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức Hội được thực hiện chặt chẽ, từ tuyên truyền chính sách, kiểm tra giám sát đến hướng dẫn người dân lập hồ sơ xử lý rủi ro. Công tác tập huấn, lưu trữ hồ sơ, triển khai dịch vụ mới đều đạt yêu cầu, tạo nền tảng vận hành hiệu quả hệ thống tín dụng chính sách tại cơ sở.

Có thể nói, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại huyện Ngọc Hồi không chỉ góp phần thiết thực vào công cuộc giảm nghèo, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống người dân, mà còn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên. Những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua là minh chứng cho sự nỗ lực, đồng hành sát sao giữa NHCSXH và chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọc Hồi (Kon Tum): Điểm sáng tín dụng chính sách giúp dân thoát nghèo