Đời sống

Người cựu chiến binh “vào sinh ra tử” trong 4 cuộc chiến lịch sử

Gia Ân-Thanh Thủy 25/04/20 - 06:38

Cựu chiến binh (CCB) Vũ Đức Chất, sinh năm 1943 là một trong những người hiếm hoi đã từng tham gia cả 4 cuộc chiến lịch sử quan trọng của Việt Nam: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào và Campuchia; cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức của những ngày tháng chiến đấu gian khổ, hào hùng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người CCB già.

Trong không khí cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đến xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An để tìm gặp và trò chuyện với CCB Vũ Đức Chất - người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa.

2-4-.jpg
Cựu chiến binh Vũ Đức Chất và tấm ảnh chụp ông cùng đồng đội tiến đánh Cao điểm 494 phía Nam thành phố Huế ngày 21/3/1975.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ treo đầy huân, huy chương và các kỉ vật kháng chiến, người CCB già không nén nổi sự bồi hồi, xúc động khi nhớ về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc.

Tháng 9/1965, khi vừa tròn 22 tuổi, mặc dù là con trai duy nhất trong một gia đình nông dân miền biển, nhưng chàng thanh niên Vũ Đức Chất đã nghe theo tiếng gọi thiêng thiêng của Tổ quốc, hăng hái tình nguyện đăng kí lên đường nhập ngũ, đem tất cả sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng.

Ông Chất được huấn luyện tại đại đội 2, Tiểu đoàn 43 của Tỉnh đội Nghệ An, được tuyển chọn từ những người con ưu tú của quê hương Nghệ An. Đến năm 1966, ông được điều động vào chiến trường miền Nam, cùng với đồng chí, đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt, diệt Mỹ- ngụy khắp các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.

Không thể kể hết những gian khổ mà ông cùng đồng đội đã trải qua, bởi nơi đây là vùng đất bị nhiễm chất độc hóa học. Những cơn sốt rét rừng, những ngày thiếu ăn, thiếu ngủ hành hạ khiến ai nấy đều xanh xao, nhưng nhiệt huyết của những người chiến sĩ cách mạng quả cảm chưa bao giờ bị lay động.

Năm 1969, ông được cử ra Bắc học bổ túc đại đội trưởng rồi quay lại chiến trường tham gia các trận đánh lịch sử ở sân bay Ái Tử và chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đến tháng 2/1972, ông Chất được chuyển về Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2.

Chiến dịch mà ông Chất nhớ nhất trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình chính là được trực tiếp cầm súng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 21/3/1975, đơn vị của ông bắt đầu tham gia chiến dịch Trị Thiên- Huế.

5h30 phút sáng, lúc đó ông là Đại đội trưởng, đơn vị của ông nhận được lệnh tiến đánh cao điểm 494 phía Nam thành phố Huế, cắt đứt con đường số 1- con đường huyết mạch không cho quân địch rút từ Huế vào Đà Nẵng và tiếp viện từ Đà Nẵng ra Huế, khiến quân địch lâm vào tình trạng hoang mang rối loạn.

Phát huy thắng lợi, các lực lượng của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị - Thiên phát triển tiến công nhằm giải phóng Huế và chặn đường rút chạy của địch. Chiến dịch Trị Thiên-Huế đã đập tan một hệ thống căn cứ Quân sự trọng yếu, tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của ta đồng loạt tiến công giải phóng Đà Nẵng.

1-5-.jpg
Cựu chiến binh Vũ Đức Chất nói về những kỉ vật chiến trường được ông lưu giữ, nâng niu cẩn thận.

Sau khi giải phóng Huế, ông cùng Sư đoàn 325 tiếp tục tiến công như vũ bão hướng về thành phố Hồ Chí Minh, dọc đường tham gia các trận đánh ở cảng nước trong, bán đảo Sơn Trà, tổng kho Đà Nẵng, cảng Phan Thiết… thống nhất giải phóng các tỉnh miền Trung. Chiều 29/4/1975, đơn vị của ông Chất tham gia trận đánh vào Trường sĩ quan Thủ Đức và ngày 30/4 đánh vào cảng Nhà Rồng. Ông may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi chỉ bị thương và đã được hưởng trọn vẹn niềm vui của ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục ở lại công tác ở Quân khu Thủ đô. Từ tháng 6/1976-3/1979, ông Chất lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào và Campuchia. Từ tháng 4/1979-6/1979, ông được điều động tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Lạng Sơn.

Sau năm phục vụ trong quân đội, với nhiều chiến công, ông Chất về nghỉ hưu tại quê hương với quân hàm Đại úy. Gác lại ký ức của một thời bom đạn, trở về quê hương, ông Chất vẫn luôn phát huy phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương.

Ông từng tham gia Ban Thường vụ Hội CCB xã nhiều năm liền, làm Xóm trưởng, Bí thư chi bộ, dù ở cương vị nào ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương lao động hạng 2; 4 Huân chương chiến công; Huy chương Chiến sỹ giải phóng; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huy hiệu khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cựu chiến binh “vo sinh ra tử” trong 4 cuộc chiến lịch sử