Đây là 1 trong 6 ca ngộ độc Botulinum do ăn chả lụa và mắm ủ lâu ngày trên địa bàn TP.HCM những ngày vừa qua.
Ngày 25/5, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, nam bệnh nhân 45 tuổi ngụ TP Thủ Đức (TP.HCM) được chẩn đoán ngộ độc Botulinum đã tử vong sau 10 ngày điều trị.
Trước đó, tối /5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng lơ mơ, sụp mi mắt, yếu cơ hô hấp, yếu cơ tứ chi và được đặt nội khí quản thở máy. Bệnh nhân được nghi ăn một loại mắm để lâu ngày, được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, theo dõi ngộ độc Clostridium Botulinum.
Bệnh nhân được lấy mẫu phân làm xét nghiệm chẩn đoán Clostridium botulium, đến ngày 19/5 kết quả cho thấy bệnh phẩm bệnh nhân có gen độc tố C.Botulium type A. Tuy nhiên, đến nay bệnh nhân đã không qua khỏi.
Theo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân được xác định chẩn đoán ngộ độc Botulinum type A là một trong những type rất nặng. Khi bệnh viện hội chẩn với các chuyên gia về ngộ độc, nhận định nguy cơ tử vong cao.
Đáng lưu ý, đêm qua (/5), 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sĩ đã về đến TP.HCM.
Số thuốc này được phân về 3 bệnh viện. Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đang điều trị 2 ca ngộ độc Botulinum phải thở máy nhận 2 lọ; Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ, Nhi đồng 2 nhận 3 lọ.
Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 6 ca ngộ độc Botulinum do ăn bánh mì, chả lụa, mắm ủ lâu ngày. Đến nay, đã có 1 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong, 2 nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang trong tình trạng nặng. 3 trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 do đã được sử dụng thuốc giải BAT nên tình hình sức khỏe đang cải thiện dần.
Ngộ độc Botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium Botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt. Từ năm 2020 đến nay, rải rác có một vài ca bệnh/năm, gần đây có 6 ca tại TP.HCM.
Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó, giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố Botulinum nói riêng.