Dọn rác, phát cỏ, quét đường… tưởng chỉ là những công việc nhỏ nhặt, vậy mà lại đang tạo nên một thay đổi lớn ở xã Tuy Phước, tỉnh Gia Lai. Cứ đúng 7h sáng thứ Bảy hàng tuần, người dân lại tay cuốc, tay chổi cùng nhau ra quân giữ sạch môi trường sống, một thói quen đã duy trì hơn 2 năm nay mà không cần ai kêu gọi.
Hơn hai năm không bỏ một buổi dọn vệ sinh
Không còi báo, không loa phường, cũng chẳng ai nhắc nhở, nhưng đều đặn vào sáng thứ Bảy hàng tuần, các con đường dẫn vào xã Tuy Phước lại rộn ràng tiếng cười nói xen lẫn âm thanh chổi tre, cuốc xẻng. Từ già đến trẻ, ai nấy đều ra quân dọn vệ sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Hiệp - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Nghĩa, hiện là chuyên viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tuy Phước, hoạt động này bắt đầu từ năm 2022, trong quá trình địa phương triển khai chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
“Lúc đầu chỉ là phong trào, giờ thì thành thói quen. Mỗi sáng thứ Bảy, người dân đều tự động đi dọn dẹp. Không ai nhắc mà ai cũng làm, đều đặn suốt hơn hai năm nay”, bà Hiệp nói.
Trước đây, tuyến đường qua địa bàn thường xuyên bị rác thải, cỏ dại lấn chiếm, đặc biệt là sau mùa mưa. Nhưng từ khi có “ngày thứ Bảy xanh”, diện mạo đường làng thay đổi hẳn: sạch sẽ, thoáng mát, thân thiện với môi trường.
Tuyến đường dài gần 2km từ cống ông Lực (thôn Hưng Nghĩa) đến giáp ĐT.640 giờ đây luôn trong tình trạng sạch bóng. Người dân chia nhau phụ trách từng đoạn. Các hội viên Hội Nông dân quét rác, phát quang, xúc đất bùn, thu gom rác đúng quy định – mỗi người một việc, phối hợp nhịp nhàng như một nhóm chuyên nghiệp.
Bà Ngô Thị Minh (63 tuổi) – hội viên Hội Nông dân thôn Hưng Nghĩa, chia sẻ: “Mỗi lần đi dọn vệ sinh như thế này, tôi cảm thấy rất vui. Vừa góp phần giữ gìn môi trường, vừa vận động cơ thể như tập thể dục. Làm xong, chị em ngồi lại uống nước, trò chuyện, thấy cuộc sống vui hơn”.
Không dừng ở việc dọn rác, người dân nơi đây còn chủ động phân loại rác thải tại nguồn. Rác hữu cơ được ủ tại nhà để làm phân bón sinh học phục vụ trồng rau, chăm cây. Hội Nông dân xã còn hỗ trợ các hộ lắp đặt thùng ủ rác tại gia đình và hướng dẫn sử dụng đúng cách.
Không chỉ sạch, còn lan tỏa ý thức
Một mô hình khác cũng đang được duy trì hiệu quả tại Tuy Phước là tuyến đường tự quản. Theo đó, mỗi con đường, mỗi tổ dân cư sẽ phân công các hộ dân thay phiên nhau giữ gìn vệ sinh định kỳ. Mô hình này giúp tăng cường ý thức tự quản trong cộng đồng, không phụ thuộc vào lực lượng chức năng hay các chiến dịch ngắn hạn.
Đại diện chính quyền địa phương cho biết, hoạt động “Ngày thứ Bảy xanh” từng được duy trì nhiều năm ở xã Phước Nghĩa (cũ) – huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, trước khi sáp nhập về Gia Lai. Sau sáp nhập, mô hình tiếp tục được nhân rộng và duy trì ổn định tại Tuy Phước.
“Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch phân công cụ thể cho từng tổ, từng thôn phụ trách các tuyến đường, để hoạt động này ngày càng bài bản và hiệu quả hơn”, bà Hiệp thông tin.
Không khẩu hiệu ồn ào, không phong trào theo kiểu hình thức, việc làm của người dân Tuy Phước là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của sự tự giác và bền bỉ trong giữ gìn môi trường sống.
Góp một tiếng chổi, một buổi sáng, nhưng mang lại cảnh quan sạch đẹp và ý thức chung cho cả cộng đồng. Từ một hoạt động đơn giản, “Ngày thứ Bảy xanh” đang từng bước thay đổi diện mạo nông thôn và nhận thức người dân về môi trường – thứ từng bị xem nhẹ ở nhiều vùng quê.
“Giữ gìn vệ sinh môi trường không phải là việc của riêng ai. Chỉ cần mỗi người góp một chút, cả cộng đồng sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Mỗi người dân là một chiến sĩ vì môi trường”, bà Nguyễn Thị Hiệp nhấn mạnh.