Để có những thông tin, hình ảnh, thước phim trong mưa bom bão đạn, những nhà báo phải đổi bằng cả tính mạng của mình. Nhưng khi hy sinh, phần lớn họ đều không có mộ chí, không tìm được hài cốt… Đó là lý do nhà báo Trần Văn Hiền khởi đầu hành trình đi tìm và viết về 511 nhà báo Liệt sỹ.
Nỗi trăn trở từ đáy lòng
Nhà báo Trần Văn Hiền (sinh năm 1948) vốn công tác trong ngành giao thông vận tải nhưng lại sớm bén duyên với nghiệp viết lách. Từ năm 1969 - 1972, ông là phóng viên chiến trường ở Quảng Trị và nước bạn Lào. Là người cầm bút trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, là phóng viên chiến trường, hơn ai hết ông thấu hiểu nỗi đau mất mát, hi sinh anh dũng của đồng đội. Ông đã viết những tập ký đăng tải trên các báo và được Đoàn Văn công Quân khu 4, Quân khu 5 dàn dựng biểu diễn.
Năm 1969, ông về công tác ở báo Nghệ An. Năm 1974, lần đầu tiên nhà báo Văn Hiền được ra Hà Nội học viết báo (Lớp Báo chí, xuất bản, Trường Tuyên giáo Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Năm 1977, ông ra trường tiếp tục về làm việc tại báo Nghệ An. Năm 1993, ông được giao trọng trách Phó Tổng Biên tập báo Nghệ An. Từ năm 2010, ông công tác tại Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam khu vực Bắc Trung bộ.
Nhà báo Văn Hiền viết bài “Chớp sáng ở cửa ngõ” để kể về nhà báo Vũ Hiến, một phóng viên đã hy sinh dũng cảm, một người bạn tri kỉ của ông. Sau 5 năm lăn lộn ngược xuôi tìm tới nơi công tác cũng như gặp gỡ gia đình và những người cùng đi chiến trường, ông Hiền mới nắm được thông tin. Nhà báo Vũ Hiến nguyên là phóng viên Báo Hải quân Việt Nam, hy sinh năm 1979 khi theo Lữ đoàn 126 Hải quân giải phóng Công-pông-xom, tại ngã ba Va Lung (Campuchia).
Ngày /2/1979, nhà báo Liệt sỹ Vũ Hiến cùng các Liệt sỹ khác được đưa về an táng tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Ông Hiền kể lại: “Tôi ra tận Bộ tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng để tìm hiểu thông tin về anh ấy. Tôi không quên lần gặp gỡ tình cờ ông Chuẩn đô đốc Hải quân năm 1979 và biết nhà báo Vũ Hiến hy sinh trên người còn chiếc máy ảnh và cả khẩu AK”. Chính sự ra đi của người đồng đội thân thiết đã thôi thúc nhà báo Văn Hiền nhen nhóm ý định dựng lại chân dung của các nhà báo Liệt sỹ, để thân nhân cũng như các thế hệ sau có thể hiểu rõ về quá trình chiến đấu và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ là nhà báo.
Năm 1995 khi ông Hiền còn là Phó Tổng Biên tập báo Nghệ An, ông có điều kiện đi tới nhiều nơi, nhiều tỉnh thành để tìm kiếm thông tin về các nhà báo. Tới năm 2019, nhà báo Văn Hiền đã tổng hợp được danh sách 511 nhà báo hy sinh từ thời chống Pháp, chống Mỹ.
Trăn trở từ đáy lòng, đất nước yên bình, nhà báo Văn Hiền bắt đầu lần giở, chắp nối những tư liệu về các đồng nghiệp nhà báo - liệt sỹ như: Nông Văn Tư (Thái Nguyên), hai anh em ruột Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn (Cai Lậy -Tiền Giang), Phạm Thị Ngọc Huệ (Kim Sơn - Ninh Bình), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Quảng Bình)... Ông chắt chiu thời gian, công sức vào lại chiến trường nơi các anh, các chị hy sinh hoặc đến tận quê hương tìm lại gia đình, người thân, mất hàng chục năm gom nhặt tư liệu... để rồi cho ra đời cuốn sách “Khoảnh khắc và mãi mãi” (Nhà xuất bản Hội nhà văn) tuyển tập 26 chân dung nhà báo liệt sỹ như một nén nhang tưởng niệm các đồng nghiệp đã hy sinh.
Các Anh hùng Liệt sỹ nhà báo thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân dân, Báo Lao động, Đài Giải phóng và 23 cơ quan báo chí địa phương các tỉnh... đã hy sinh khi tác nghiệp, tuyên truyền tại các chiến trường trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Quảng Trị, Thừa Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và cửa ngõ Quân Khu 7 - vùng tam giác lửa Củ Chi là những nơi có nhiều nhà báo hy sinh trong thời kỳ chiến tranh. Một mình lặn lội khắp các tỉnh thành để tìm được thông tin của 511 nhà báo Liệt sỹ là điều khó ai có thể làm được.
Tôn vinh và tri ân các nhà báo - Liệt sỹ
Ngậm ngùi nói về các nhà báo Liệt sỹ, nhà báo Văn Hiền vừa xót xa, vừa ngưỡng mộ về sự anh dũng hy sinh của họ trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. “Có người quê tận miệt vườn Cửu Long hay tận Thái Nguyên “Thủ đô gió ngàn”. Họ là lớp lớp những chiến sỹ - nhà báo tuổi còn rất trẻ, không ngại gian khổ hy sinh vào mặt trận và đã cho ra đời những tác phẩm hay, phản ánh kịp thời, chân thực về cuộc chiến tranh chống đế quốc, giành độc lập dân tộc. Họ là những cây bút ưu tú của các cơ quan báo chí cách mạng Việt Nam, họ là những người anh hùng thực sự. Mình may mắn sống sót thì phải làm gì để tri ân những đồng nghiệp đã hy sinh”.
Tuy nhiên, do hầu hết các nhà báo hy sinh không tìm được hài cốt nên ông đã có nguyện vọng đưa đồng đội phụng thờ tại chùa Âu Lạc - chùa Da (Hưng Lộc, Tp. Vinh). Năm 2020, Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức nghi lễ cầu siêu cho các Liệt sỹ là phóng viên, nhà báo đã hy sinh. Đây là sự ghi nhận, cũng là sự tưởng nhớ tới công đức, sự hy sinh cao cả của nhiều thế hệ phóng viên, nhà báo là những chiến sĩ cầm bút trên trận chiến với quân thù.
Nơi thờ các Liệt sỹ còn trưng bày nhiều kỷ vật thiêng liêng của các phóng viên, nhà báo như bút, máy ảnh, mũ… Trong đó có 1 chiếc bút Kim Tinh của một phóng viên hy sinh năm 1963 để lại; 1 chiếc máy ảnh của một nhà báo trước lúc hy sinh gửi lại đồng đội cất giữ.
Những câu chuyện về các nhà báo Liệt sỹ hy sinh tưởng chừng như bị chôn vùi cùng bom đạn, nhưng dưới ngòi bút của nhà báo Văn Hiền, họ hiện lên thật chân thực và sâu sắc như trong bài thơ “Xin đừng gọi anh là Liệt sỹ vô danh” do ông sáng tác: Xin đừng gọi anh là Liệt sỹ vô danh/Anh có tên như bao khuôn mặt khác/Chiến trường gần chiến trường xa đuổi giặc/Tên làng tên đất theo anh/Bình yên sau cuộc chiến tranh/Anh trở về không tên tuổi/Trắng hàng bia như ngôi sao không nói/Rưng rưng cỏ mọc dưới chân/Xin đừng gọi anh là Liệt sỹ vô danh/Anh có tên như bao khuôn mặt khác/Tổ quốc không mất tên anh/Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng.
Chân dung 511 nhà báo Liệt sỹ được ông tập hợp trong 2 cuốn sách là “Khoảnh khắc và mãi mãi” và “Dáng đứng dưới tầm bom” là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về tinh thần cách mạng, về sự dấn thân, đánh đổi xương máu để có được những bài báo, những bức ảnh, thước phim quý giá về cuộc chiến. Những chiến công ấy sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian.
Dù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng nhà báo Văn Hiền vẫn luôn trăn trở về sự nghiệp báo chí với bao dự định. “Còn rất nhiều nhà báo đã hy sinh ở khắp các chiến trường vẫn chưa có đủ điều kiện để tìm, để viết. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục hành trình tìm lại quê quán, nơi hy sinh của đồng nghiệp, viết tiếp về họ. Tôi bây giờ rất mong các cấp đoàn thể và chính quyền luôn tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ là những nhà báo. Cần có những công trình để tưởng nhớ các Liệt sỹ là nhà báo và chăm sóc thân nhân mỗi gia đình. Đây là tâm nguyện của tôi”, nhà báo Trần Văn Hiền nói.