Chính trị

Người thầy giáo vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Trung Nguyễn 20/11/20 06:30

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam mà Người còn là một người thầy mẫu mực, đầy tâm huyết của dân tộc Việt Nam.

Người thầy mẫu mực

Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ đã đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng, trong đó nghề đầu tiên mà Người chọn là dạy học.

Tháng 9/1910, Nguyễn Tất Thành được vào dạy học tại trường Dục Thanh - Phan Thiết, khi ấy vừa tròn 20 tuổi, là giáo viên trẻ tuổi nhất. Theo sự phân công của nhà trường, thầy Thành dạy lớp nhì, dạy thể dục và trợ giảng các môn Hán văn, Quốc ngữ, tiếng Pháp.

Thầy không chỉ giảng dạy trên lớp mà còn tranh thủ giảng dạy ở mọi lúc, mọi nơi. Những ngày nghỉ cuối tuần, thầy Thành thường dẫn học trò đi thăm các di tích lịch sử và cảnh đẹp của quê hương: Đình làng Đức Nghĩa, bến đò Văn Thánh, bãi biển Thương Chánh (nay là bãi biển Đồi Dương)…

19-11-2021-nho-loi-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-voi-su-nghiep-trong-nguoi-b6558aa9-details.jpg
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958.

Các chuyến dã ngoại ấy thực sự là những buổi học thú vị giúp học trò hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước bằng những hình ảnh cụ thể, thiết thực và gần gũi nhất. Chính buổi ban đầu ở ngôi trường nhỏ Dục Thanh đã đưa Bác Hồ đến với nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Trong thời gian ngắn dạy học tại trường Dục Thanh, thầy Thành đã khai sáng cho học sinh về sự học: “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước”.

Thầy cũng thổi vào tâm hồn học trò những tình cảm tốt đẹp về tình yêu quê hương đất nước, về con người của dân tộc mình. Chính lòng yêu quí học trò cũng như phương pháp dạy học dễ hiểu và khoa học nên thầy Thành đã được học trò hết sức yêu quý. Bên cạnh đó, thầy Thành còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự học; học trong sách vở, học ở đồng nghiệp và trong nhân dân lao động. Những đêm khuya, thầy thường đến căn gác Ngọa Du sào để đọc sách và học thêm tiếng Pháp.

Qua phong cách sống và cách dạy học ở trường Dục Thanh, thẩy Thành đã để lại những tình cảm, kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ trong lòng của học trò, đồng nghiệp và Nhân dân; đồng thời đánh dấu sự hình thành trong tư tưởng của Người về giáo dục, mà sau này được ngành giáo dục vận dụng: Học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn.

Sau bao nhiêu năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin tìm ra con đường cứu nước, những năm 1925-1927, thầy giáo Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên, thiếu niên Việt Nam yêu nước; trực tiếp lãnh đạo và là giảng viên chính của các khóa học.

Nhằm chuẩn bị những điều kiện cách mạng khi về nước hoạt động, cuối tháng 12/1940, Nguyễn Ái Quốc mở một lớp huấn luyện cách mạng gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chủ yếu là những thanh niên từ Cao Bằng sang và chính Người là một trong những thầy giáo giảng dạy, huấn luyện.

Học viên của lớp huấn luyện chính trị do Người đào tạo tại Quảng Châu, Trung Quốc là những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam và học viên của lớp huấn luyện ngắn hạn vùng biên giới giáp Cao Bằng là “43 con đại bàng bay cao”, góp phần xây dựng được nhiều nơi căn cứ vững chắc của cách mạng.

Năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Từ đây và sau này khi ở cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Người luôn chăm lo việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho cách mạng; tổ chức và chỉ đạo từng bước xây dựng nền giáo dục cách mạng, nhằm thực hiện công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước...

Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất”

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trước những khó khăn của đất nước, Người đã nghĩ ngay đến việc chăm lo giáo dục: "nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ" và "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ". Do đó, chỉ sau một tuần lễ đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 8/9/1945, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ cho nhân dân.

Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục mới, nền giáo dục hướng vào các giá trị dân tộc, hiện đại, nhân văn, phục vụ Tổ quốc, nhân dân. Trong "Thư gửi cho học sinh" nhân ngày khai trường, ngày 5/9/1945, Người viết:" Một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em".

Trong trường học, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải chú trọng dạy cho học sinh lòng yêu nước: “Cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ.” . Người nói: “Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức…Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh”.

Hồ Chí Minh là Người đầu tiên vinh danh nghề giáo, đặt người thầy vào vị trí được tôn trọng, cao quý nhất của xã hội. Người nhấn mạnh: " Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất..., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang".

nha-may-1-5.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19/12/1963).

Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con".

Với tinh thần học, học nữa, học mãi, Hồ Chí Minh nhấn mạnh học tập là một việc phải tiếp tục suốt đời: “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời…Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi, thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ. Cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến kịp nhân dân”.

Bác Hồ là một tấm gương học tập suốt đời bền bỉ và khiêm tốn. Trong suốt những năm (1954-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm các cơ sở ở Trung ương và địa phương khoảng 700 lần và ở bất kỳ đâu, gặp bất cứ đối tượng nào, Người cũng căn dặn phải học tập để nâng cao trình độ, biết được nhiều và phục vụ được tốt.

Đối với học sinh, thanh niên, Người luôn căn dặn chỉ có không ngừng học tập thì mới tiến bộ mãi; chỉ có xây dựng được một xã hội học tập thì mới thực hiện được việc học tập suốt đời và ngược lại, mỗi con người Việt Nam phải lấy học tập là mục đích, là công việc suốt đời thì mới đóng góp được cho xã hội học tập.

Có thể nói, từ nhà giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành, đến nhà giáo Nguyễn Ái Quốc và lãnh tụ Hồ Chí Minh, là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, tự học, khổ luyện để không ngừng hoàn thiện nhân cách của một nhà giáo, một vị lãnh tụ tài - đức ven toàn, đã cùng Đảng ta lãnh đạo Nhân dân giành lại độc lập tự do và xây dựng đất nước Việt nam ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Nhà giáo Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức, tinh thần tự học và sự sáng tạo để mọi người học tập và noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người thầy giáo vĩ đại của dân tộc Việt Nam