Tư vấn pháp luật

Người trúng đấu giá biển số ngũ quý 9 bỏ cọc, xử lý thế nào?

Đ. Việt 26/03/20 - 16:56

Thời gian qua, có nhiều trường hợp cá nhân tham gia đấu giá biển số xe ô tô siêu đẹp, mặc dù trúng đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc. Vậy chế tài xử phạt đối với trường hợp này hiện nay thế nào?

Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam vừa thông tin, từ ngày 3/4 đến 5/4 sẽ có nhiều biển số ô tô được đưa ra đấu giá, như 30K-999.99, 14A-888.88, 51L-345.67, 99A-655.55, 99C-300.00, 98A-711.11...

Trong số các biển trên, biển số 30K-999.99 đã được đấu giá thành công hôm 13/1 với mức tiền kỷ lục hơn 75,2 tỷ đồng. Đây là số tiền trúng đấu giá biển số ô tô cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, người trúng đấu giá biển số ngũ quỹ 9 đã bỏ cọc, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

dau-gia-bien-xe-o-to.png
Biển số 30K- 999.99 trúng đấu giá hơn 75,25 tỷ đồng, nhưng người trúng đấu giá bỏ cọc

Tương tự, tại những lần đấu giá trước, nhiều biển số xe ô tô siêu đẹp đã được đấu giá như 51K-888.88 (giá trúng trước đó 32,340 tỉ đồng); 30K-555.55 (giá trúng trước đó 14,12 tỉ đồng); 30K-567.89 (giá trúng trước đó là 13,075 tỉ đồng); 36A-999.99 (giá trúng là 7,47 tỉ đồng), 98A-666.66 (giá trúng trước đó là 3,075 tỉ đồng) và 47A-599.99 (giá trúng trước đó là 1,37 tỉ đồng.)

Mặc dù những biển số xe ô tô này trúng với giá cao nhưng người trúng đấu giá đã bỏ cọc. Nhiều bạn đọc thắc mắc, vậy chế tài xử phạt đối với hành vi trúng đấu giá bỏ cọc hiện nay thế nào?

luat-su-nguyen-doan-hung.jpg
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Ngày 26/6/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH ngày /11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 73, thì người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản.

“Khi tham gia phiên đấu giá, người tham gia phải nộp tiền đặt cọc và việc đặt cọc này là điều kiện bắt buộc, quy định này áp dụng đối với tất cả tài sản mang ra đấu giá chứ không riêng gì đối với việc đấu giá biển số xe. Vì vậy khi tham gia đấu giá biển số đẹp nếu mua trúng biển số đấu giá nhưng không nhận tài sản sau khi trúng đấu giá, người trúng đấu giá sẽ bị tịch thu tiền đặt cọc nộp ngân sách nhà nước”, luật sư Hùng cho hay.

Chung quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Huế, Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn luật sư TP Hà Nội) hay, Điều 16 Nghị Định 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Nghị Quyết số 73/2022/QH của Quốc Hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô có quy định: Trong thời hạn ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe”.

luat-su-nguyen-thi-hue.jpg
Luật sư Nguyễn Thị Huế

Nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá trong phiên đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt cọc sẽ không được hoàn lại mà được nộp vào ngân sách nhà nước.

Một số chuyên gia luật có cùng quan điểm cho rằng, để tổ chức phiên đấu giá, cơ quan quản lý nhà nước cũng như đơn vị tổ chức đấu giá phải đầu tư hệ thống quản lý đấu giá biển số xe gồm: Phần mềm, hạ tầng, đường truyền hệ thống giám sát. Ngoài ra, Cục CSGT Bộ Công an còn phải bố trí lực lượng để giám sát quá trình đấu giá.

Thế nhưng, hiện nay, ngoài quy định nêu trên, pháp luật hiện không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe. Việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng.

Để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý pháp luật nói chung, lĩnh vực đấu giá nói riêng, luật sư Nguyễn Thị Huế cho rằng cần thiết có chế tài mạnh hơn trong việc bỏ cọc trong đấu giá biển số xe.

Trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc với mức xử phạt phù hợp, đủ răn đe và ngăn ngừa tình trạng bỏ cọc đấu giá tài sản. Ngoài số tiền cọc không được hoàn lại, người bỏ cọc còn phải nộp thêm các khoản chi phí khác để bù đắp trong quá trình tổ chức phiên đấu giá.

“Việc đặt ra chế tài mạnh trong hoạt động đấu giá không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, văn minh và bình đẳng hơn cho mọi người mà còn sẽ ngăn chặn được những tổn thất về cả nhân lực và vật lực”, luật sư Huế nêu quan điểm.

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người trúng đấu giá biển số ngũ quý 9 bỏ cọc, xử lý thế no?