Thị trường nghỉ dưỡng tuy đã có nhiều tiến triển nhưng chưa phục hồi hoàn toàn. Một số chủ đầu tư vội vàng gia nhập thị trường, mà chưa có sự đánh giá thấu đáo điều kiện thị trường, việc này khiến họ lâm vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels đánh giá, đến cuối năm 2023, thị trường nghỉ dưỡng tuy đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn còn trong quá trình khôi phục. Trong giai đoạn trước dịch, sự tăng trưởng ấn tượng của lượt khách du lịch quốc tế và khách nội địa là một trong những động lực thúc đẩy hoạt động phát triển bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Nhiều chủ đầu tư đã bị thu hút tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng đa dạng của các nhóm đối tượng khách hàng.
Theo thống kê của Savills Hotels, kể từ năm 2016, khoảng .000 phòng thuộc phân khúc trung - cao cấp gia nhập thị trường lưu trú mỗi năm. Theo đó, nguồn cung phòng đã gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng 6 năm.
“Đại dịch đã giáng đòn nặng nề vào đà tăng trưởng của ngành bất động sản nghỉ dưỡng, và chúng ta sẽ cần rất nhiều nỗ lực để ngành này có thể khôi phục hoàn toàn. Thậm chí ngay trước khi đại dịch xảy ra, với số lượng lớn nguồn cung phòng lớn đang hoạch định và phát triển, ngành du lịch Việt Nam cần nguồn cầu tăng trưởng 20 - 30% mỗi năm để theo kịp tốc độ phát triển nguồn cung”, vị này đánh giá.
Theo chuyên gia Savills, ngành nghỉ dưỡng Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng, tuy nhiên không phải tất cả mô hình đều có thể hoạt động hiệu quả. Một số chủ đầu tư vội vàng gia nhập thị trường, mà chưa có sự đánh giá thấu đáo điều kiện thị trường địa phương, thậm chí cho rằng các mô hình kinh doanh khách sạn đều như nhau. Điều này khiến việc hoạch định, triển khai dự án không được thực hiện chỉn chu, hạn chế khả năng vận hành của dự án sau khi đi vào hoàn thiện.
Một số dự án chú trọng về số lượng hơn chất lượng, thậm chí lên đến gần 1.000 phòng. Quy mô lớn khiến các dự án này gặp nhiều thách thức trong việc đem đến những trải nghiệm nghỉ dưỡng đúng nghĩa cũng như đáp ứng chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngành nghỉ dưỡng cũng đang đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn.
Giám đốc Savills Hotels cho rằng du lịch nghỉ dưỡng là một ngành dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế, chính trị cũng như sự thay đổi trong hành vi và sở thích của khách hàng. Do vậy, xây dựng và phát triển ngành bất động sản nghỉ dưỡng chất lượng cần nhiều nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như liên tục nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.
Đồng thời, vẫn cần cải thiện hạ tầng phục vụ cho du lịch quốc tế, bao gồm gia tăng tần suất các chuyến bay và mở nhiều đường bay trực tiếp hơn để du khách dễ dàng tiếp cận các địa điểm du lịch”, chuyên gia cho hay.