Dự thảo Luật Hàng không dân dụng mở rộng cơ chế thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào lĩnh vực hàng không, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách.
Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam vừa được Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện, nhằm thay thế Luật hiện hành sau 19 năm thi hành, với nhiều điểm đổi mới mạnh mẽ phù hợp với sự phát triển công nghiệp hàng không, ứng dụng công nghệ và xu hướng hội nhập quốc tế.
Bổ sung quy định về kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam phải phù hợp với kế hoạch và năng lực kết cấu hạ tầng, năng lực giám sát an toàn hàng không của nhà chức trách hàng không…
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Dự thảo Luật Hàng không dân dụng lần này tập trung hoàn thiện khung pháp lý cho công tác quản lý nhà nước chuyên ngành. Một trong những điểm nổi bật là tăng cường năng lực giám sát, kiểm tra an toàn hàng không cho cơ quan quản lý; đồng thời bổ sung vai trò, chức năng cho Nhà chức trách hàng không và Cảng vụ hàng không.
Ngoài ra, Dự thảo cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển công nghiệp hàng không trong nước, bao gồm chính sách ưu đãi, đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng ngành hàng không hiện đại và phát triển bền vững.
Về an toàn hàng không, Dự thảo luật cập nhật đầy đủ các yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), nhất là trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn quốc gia và bảo đảm sự độc lập giữa cơ quan điều tra tai nạn và cơ quan quản lý nhà nước về hàng không.
Đặc biệt, Luật mới nhấn mạnh việc phối hợp hiệu quả giữa hàng không dân dụng và quân sự trong điều hành bay, quản lý bề mặt chướng ngại vật hàng không. Cơ chế phân cấp và tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc kiểm soát độ cao công trình, quy hoạch khu vực sân bay cũng được đưa vào nội dung dự thảo.
Dự thảo Luật Hàng không dân dụng mở rộng cơ chế thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào lĩnh vực hàng không, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý.
Cùng với đó, Dự thảo khuyến khích đột phá về khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Dự thảo Luật lần này cũng hướng đến khắc phục hàng loạt bất cập từ Luật hiện hành như: Thiếu thống nhất về quy hoạch sân bay, chưa tương thích các điều khoản về xuất khẩu máy bay, ký hợp đồng nhân lực hàng không chưa phù hợp Bộ luật Lao động, quy định chưa rõ ràng về doanh nghiệp cảng hàng không và người khai thác cảng hàng không, sân bay…
Dự kiến Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) vào kỳ họp tháng 10/2025 để xem xét, thông qua.