Hồ sơ vụ án

Những cá nhân nào không bị xử lý trách nhiệm hình sự trong vụ Việt Á?

Mạnh Hùng 03/10/2023 06:54

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và một số cựu lãnh đạo khác có trách nhiệm liên quan vụ Việt Á, nhưng “không được hưởng lợi”, nên cơ quan tố tụng không xử lý hình sự, chỉ kiến nghị xử lý về Đảng, chính quyền.

33c5270e-6dd5-4670-a0c9-d7f5d35952dd.jpeg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Liên quan tới vụ án Công ty Việt Á, trong số 38 bị can bị truy tố, có cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc và nhiều cán bộ liên quan.

Theo cáo trạng, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao theo dõi, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm và biết rõ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu thuộc về Nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm đại diện sở hữu.

Trong quá trình thực hiện đề tài, Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) đã thông đồng, cấu kết với Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật để Hùng tác động ông Chu Ngọc Anh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng ký quyết định cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu chế tạo kit xét nghiệm.

Theo đó, ông Chu Ngọc Anh ký quyết định phê duyệt, giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện đề tài, kinh phí thực hiện 18,98 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, ông Phạm Công Tạc đã ký quyết định thành lập Hội đồng giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tiếp đó, ông Tạc ký Quyết định thành lập Hội đồng định giá, nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài (không có trong kế hoạch nghiên cứu đề tài để Hội đồng họp và có biên bản nghiệm thu), giúp Công ty Việt Á sử dụng kết quả nghiệm thu này để lập hồ sơ đăng ký và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm trái quy định của pháp luật.

f3e14f6f-fdf8-464b-9c9a-0545aeb0c633.jpeg
Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh

Viện Kiểm sát cáo buộc, dù biết rõ Công ty Việt Á sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài để lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, đưa vào sản xuất thương mại trái quy định của pháp luật, nhưng Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc không thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý, tài sản của Nhà nước do mình là đại diện chủ sở hữu.

Hành vi của ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc bị cáo buộc gây thất thoát số tiền 18,98 tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Trong vụ án này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; cựu Thứ trưởng Trần Văn Tùng (nghỉ hưu 1/7/2023); Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm liên quan trong việc quản lý, khen thưởng, thông tin tuyên truyền đề tài.

Tuy nhiên, các cá nhân này không được ai can thiệp, tác động; không can thiệp, tác động hoặc thông đồng, thỏa thuận với đơn vị, cá nhân nào; không hưởng lợi, nên cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự, chỉ kiến nghị xử lý theo quy định về Đảng, chính quyền.

Kết quả điều tra trước đó xác định, ông Huỳnh Thành Đạt giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ ngày 12/11/2020, khi Bộ Y tế đã cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á.

Ông Đạt không được đơn vị, cá nhân nào báo cáo về việc quản lý, xử lý kết quả đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm. Do vậy, ông Đạt không nhận thức được trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc quản lý, xử lý kết quả nghiên cứu, nên không kiến nghị thu hồi số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Bên cạnh đó, cựu Thứ trưởng Trần Văn Tùng được xác định đã nhận chỉ đạo của ông Chu Ngọc Anh khi ký công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh, đề nghị giúp Công ty Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, dù không đúng đối tượng, thành tích. Việc này giúp Công ty Việt Á biến sản phẩm nghiên cứu của Nhà nước thành sản phẩm thương mại của doanh nghiệp.

Viện KSNDTC cũng kiến nghị Bộ KH&CN cần tăng cường trách nhiệm quản lý kết quả nghiên cứu các đề tài thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ trưởng KH&CN làm đại diện chủ sở hữu; kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ KH&CN, quản lý sinh phẩm y tế, đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Bộ Y tế cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế.

Bộ Tài chính cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác thẩm định giá, xem xét xử lý hành chính, rút giấy phép hoạt động đối với các công ty thẩm định giá có sai phạm đã được kết luận trong vụ án.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế của các đơn vị, cơ sở y tế công lập, phòng ngừa các vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu.

Viện KSNDTC cũng xác định các ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN và Trần Văn Tùng, cựu Thứ trưởng Bộ này “có trách nhiệm liên quan trong quản lý, khen thưởng, thông tin tuyên truyền đề tài”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cá nhân no khng bị xử lý trách nhiệm hình sự trong vụ Việt Á?