Hồ sơ vụ án

Ông chủ Việt Á biến vốn Nhà nước thành món lợi của mình thế nào?

Mạnh Hùng 01/10/2023 - :28

Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, Nhà nước phải chi hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu, sản xuất kit test xét nghiệm Covid-19. Khi thành công, Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á đã tác động nhiều cá nhân, cơ quan để biến đồng vốn Nhà nước thành món lợi của mình.

b9a3a8eb-18b8-4a4d-935d-c6a579daa9c1.png
Bị can Phan Quốc Việt cùng một số bị can khác trong vụ án.

Ngày 29/9 vừa qua, VKSNDTC đã ban hành Cáo trạng truy tố với 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á. Các bị can trong vụ án lần lượt sẽ bị đưa ra xét xử trước pháp luật về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.

Dùng tiền để chi phối

Theo hồ sơ vụ án, năm 2010, dịch Covid-19 bùng phát nên Chính phủ giao Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN) chủ trì nghiên cứu sinh phẩm phòng, chống dịch. Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty Việt Á) do muốn doanh nghiệp của mình được tham gia nghiên cứu nên tác động Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng thuộc Bộ KH-CN giúp đề xuất với bị can Chu Ngọc Anh, khi đó là Bộ trưởng Bộ KH-CN ký các văn bản cho Học viện Quân y chủ trì nghiên cứu test xét nghiệm cùng Công ty Việt Á với kinh phí 19 tỷ đồng.

Bị can Ngọc Anh sau đó được Phan Quốc Việt tặng quà 200.000 USD.

Việc nghiên cứu thành công, sản phẩm test xét nghiệm của Học viện Quân y đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm trong phòng chống dịch.

Tuy sản phẩm này là của Nhà nước, do Nhà nước bỏ tiền ra nghiên cứu nhưng Phan Quốc Việt sau đó tác động các lãnh đạo, cán bộ tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á của đối tượng được quyền sản xuất, bán thương mại trên cả nước. Vì lý do này, Việt đã đưa tiền cho nhiều người ở Bộ Y tế, trong đó có cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, số tiền hơn 2 triệu USD. Từ đây, Phan Quốc Việt nhanh chóng đẩy mạnh việc sản xuất kit test xét nghiệm Covid-19, bán cho nhiều cơ quan, địa phương trên cả nước. Giá thành phẩm một kit test xét nghiệm chỉ là 143.000 đồng nhưng Công ty Việt Á lại nâng lên gấp nhiều lần để “chia chác” cho những người có thẩm quyền quyết định hoặc tham gia mua mặt hàng cấp bách này. Có thời điểm tiền “hoa hồng” được Việt chia cho đối tác lên tới 25%.

Ngoài việc xử lý các bị can là lãnh đạo, cán bộ cấp trung ương, Cơ quan điều tra Bộ Công an còn tiến hành điều tra mở rộng ở 21 tỉnh thành, phố trên cả nước.

Trong cáo trạng tống đạt cho những người tham gia tố tụng ngày 1/10, VKSNDTC cũng đề cập việc xử lý đối với hàng loạt cá nhân tại các cơ quan nhà nước ở Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An và Bình Dương.

Các tỉnh, thành phố còn lại được cơ quan tố tụng Trung ương ủy quyền cho địa phương xử lý.

Vươn “vòi bạch tuộc” tìm hướng xuất khẩu

Cũng trong vụ án tại Công ty Việt Á, VKSNDTC còn truy tố 2 cá nhân về tội “Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Những người này lần lượt là Nguyễn Thị Thanh Thủy, chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nguyễn Bạch Thùy Linh, Giám đốc Công ty SNB Holding.

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2020, Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty Việt Á) chiếm hưởng thành quả nghiên cứu test xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y bằng cách đăng ký lưu hành bởi Công ty Việt Á. Doanh nghiệp này do vậy được bán test xét nghiệm trong nước nhưng chưa được xuất khẩu.

Các bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh do quen biết từ trước nên tới gặp Phan Quốc Việt để đề nghị Công ty Giang San của Linh được độc quyền xuất khẩu test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Phan Quốc Việt nhanh chóng đồng ý vì thời điểm này Công ty Việt Á chưa có giấy phép xuất khẩu. Việt hi vọng Nguyễn Thị Thanh Thủy có “quan hệ với lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ” sẽ tác động được người có thẩm quyền để doanh nghiệp của đối tượng được xuất khẩu loại hàng hóa thiết yếu, cấp bách.

Trong thời gian này, em họ bị can Thủy là bà Trần Vũ Mai Hoàng, nhân viên một công ty có vốn đầu tư nước ngoài trao đổi về việc doanh nghiệp nước ngoài muốn tặng Chính phủ Việt Nam số hàng hóa phòng chống dịch trị giá 1 triệu USD. Thủy do vậy đề nghị phía công ty nước ngoài mua kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á để trao tặng.

Công ty nước ngoài mà Vũ Mai Hoàng là nhân viên đồng ý nhưng yêu cầu khi trao tặng phải có Thư cảm ơn của Chính phủ hoặc đại diện Chính phủ phải có mặt để tăng uy tín cho doanh nghiệp.

Về phần mình, Phan Quốc Việt cũng muốn bán hàng nhưng không thể đáp ứng yêu cầu trên của công ty nước ngoài nên đề nghị bị can Thủy thực hiện, đồng thời hứa hẹn chi 40% “hoa hồng” giá trị lô hàng kit test xét nghiệm Covid-19.

Tháng 4/2020, Công ty Việt Á ký hợp đồng bán cho doanh nghiệp nước ngoài 40.000 kit xét nghiệm, trị giá 1 triệu USD (hơn 23,5 tỷ đồng) để tặng Chính phủ Việt Nam. Lúc này, Nguyễn Thị Thanh Thủy gọi điện cho bị can Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế đề nghị có mặt trong buổi lễ trao tặng.

Cũng theo cáo trạng truy tố, do biết Thủy có quan hệ với lãnh đạo Chính phủ nên bị can Long đồng ý tham gia. Vị Thứ trưởng còn nhắn tin số điện thoại của lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ quốc cho Thủy để bị can này mời tới dự buổi trao tặng vật phẩm.

Ngày 7/4/2020, Trung ương Mặt trận Tổ quốc tổ chức lễ tiếp nhận số test xét nghiệm Covid-19 do công ty có vốn đầu tư nước ngoài mua từ công ty của Phan Quốc Việt. Bị can Nguyễn Thanh Long sau đó có mặt tại thời điểm này. Hai hôm sau, Phan Quốc Việt gửi hơn 8 tỷ đồng (40% của 1 triệu USD) tới Công ty Giang San của Nguyễn Bạch Thùy Linh theo thỏa thuận trước đó. Linh chuyển lại cho Thủy 2 tỷ đồng và bà Trần Vũ Mai Hoàng được hưởng lợi 500 triệu đồng.

Được biết, ngoài liên quan đến vụ Việt Á, tháng 2/2023, bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy còn bị khởi tố bị can trong vụ án tại Nhà xuất bản Việt Nam, do có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông chủ Việt Á biến vốn Nh nước thnh mn lợi của mình thế no?