Theo chuyên gia thời tiết, những ngày tới, TP.HCM khả năng có mưa đá và giông lốc rất cao.
Chiều 14/6, TP.HCM có mưa lớn, kèm theo hiện tượng mưa đá, cơn mưa kéo dài gần hơn 1 giờ đồng hồ khiến nhiều quận, huyện tại TP.HCM ngập nặng.
Trong mưa, những viên đá có kích thước từ hạt đậu đến hạt nhãn, rơi lộp độp trên mái nhà và mặt đường trong khoảng 10- phút và tan nhanh trong nước mưa gây tò mò đối với người dân.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan - Nguyên Phó Trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng mưa đá xuất hiện ở TP.HCM và một số tỉnh Nam Bộ vừa qua là bất thường.
Bà Lan cho biết, những ngày qua, nhiệt độ tăng cao, trời nóng và oi bức, mây giông phát triển mạnh nên có mưa rào, mưa to và giông gió giật kèm theo hiện tượng mưa đá ở TP.HCM và một số nơi tại Nam Bộ.
Theo chuyên gia này, nguyên nhân gây mưa đá là do những đám mây giông không lồ hình thành, từ biển vào.
“Mưa đá xảy ra khi có những khối mây giông (mây đối lưu) rất mạnh, đỉnh mây có thể lên tới trên 6-8km, có lúc trên 10km. Trên đỉnh mây nhiệt độ có thể âm 20-30 độ C, những hạt nước trong khối mây trở thành nước đá, di chuyển lên xuống do chuyển động thẳng đứng, các hạt đá càng lúc kết dính nhau to thêm, nặng hơn và rơi ra khỏi khối mây xuống đất”, bà Lan nói về hiện tượng mưa đá.
Chuyên gia này khẳng định, mưa đá là hiện tượng bất thường, nhất là đối với miền Nam, trong đó có TP.HCM.
Vị này cho biết thêm, Nam Bộ đang ở thời kỳ đầu mùa mưa, khi trời oi bức dữ dội thì khả năng có mưa đá hoặc giông lốc sau đó rất cao.
Trước đó, TP.HCM và một số tỉnh Nam Bộ cũng từng có mưa đá xuất hiện nhưng tần suất và kích thước đá ít hơn so với miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên.
Kích thước mưa đá thường khoảng 1-2cm, nhưng ngày càng có những trận mưa đá kích thước lớn hơn như ở miền Bắc đầu hè năm nay.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo thời tiết TP.HCM từ ngày 1- 21/6 sẽ có mưa rào và dông, xuất hiện chủ yếu về chiều và tối. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đề phòng khả năng mưa lớn gây ngập cục bộ.