Trực tiếp lắng nghe câu chuyện về những nữ Chánh án hết lng với đồng bo, mới thấy được sự hy sinh thầm lặng của lớp lớp cán bộ nữ trong hệ thống TAND. Họ khng chỉ trăn trở, thao thức, dnh hết tâm lực, trí tuệ của mình vì sự nghiệp bảo vệ cng lý được Đảng, Nh nước v nhân dân giao ph, m cn phải lm tốt trọng trách của người phụ nữ trong gia đình.
“Không còn cách nào hơn là phải hy sinh”
Nhiều năm qua, công chức nữ trong hệ thống Tòa án ở bất kỳ vị trí nào đều phát huy được truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là những người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Đặc biệt phải kể đến các nữ cán bộ Tòa án công tác ở những miền đất khó như vùng sâu, vùng xa hay miền núi.
“Không còn cách nào hơn là phải hy sinh, thậm chí là phải hy sinh rất nhiều mới đảm đương được công việc chuyên môn và làm tốt trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Như việc hy sinh thời gian dành cho bản thân, vì muốn hoàn thành tốt công việc, chúng tôi phải dậy sớm hơn so với người khác sắp xếp ổn thỏa việc gia đình để dành thời gian cả ngày cho công việc ở cơ quan. Thậm chí thời gian ngoài giờ cũng dành để nghiên cứu văn bản pháp luật và tìm hiểu thêm những tài liệu hướng dẫn để phục tốt hơn cho công tác xét xử”. Đó là những chia sẻ của Thẩm phán Triệu Thị Vang, Chánh án TAND huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Nói về sự hy sinh của những lãnh đạo nữ nói chung và các Thẩm phán, cán bộ nữ trong hệ thống TAND nói riêng, chị Nguyễn Thị Lan Phương, Chánh án TAND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình người vừa làm cha, vừa làm mẹ lại phải đảm đương công việc của cơ quan tâm sự: “Là một lãnh đạo nữ, với vai trò là Chánh án TAND cấp huyện, để đảm bảo công việc của cơ quan cũng như gia đình, tôi đã phải hy sinh thời gian dành cho bản thân và đưa ra kế hoạch rất khoa học. Chồng tôi đã mất nên việc tôi vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ để dạy bảo các con nên người, chăm sóc các con mạnh khỏe khiến tôi chịu nhiều áp lực. Bên cạnh đó, còn có công việc của cơ quan, nên tôi phải nỗ lực và hy sinh nhiều thứ mới cân bằng được cuộc sống và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thực tế để “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, hơn ai hết, người phụ nữ làm lãnh đạo phải biết hy sinh và biết giữ được sự cân bằng giữa công việc và gia đình”.
Thẩm phán Nguyễn Thị Lan Phương, Chánh án TAND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cùng đoàn công tác đi thẩm định trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất
Còn theo Thẩm phán Lương Thị Hợp, Chánh án TAND TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng: “Thách thức đối với một nữ Thẩm phán so với đồng nghiệp nam trước hết là về thời gian dành cho công việc. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, người phụ nữ vẫn phải hoàn thành tốt thiên chức của người vợ, người mẹ, người con trong gia đình. Hơn nữa, về mặt tâm lý, phụ nữ rất dễ bị chi phối bởi những cảm xúc đời thường. Thế nên, họ phải rèn luyện cho mình bản lĩnh vững vàng để thể hiện sự quyết đoán trong công việc và nhất định phải có sự hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, phụ nữ rất cần sự chia sẻ của gia đình, đồng nghiệp và xã hội để có thêm chỗ dựa, động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
“Thẩm phán là nghề nguy hiểm, cần cái đầu lạnh và trái tim nóng”
Công tác tại huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng, chị Hoàng Thị Thu Lịch, Chánh án TAND huyện Nguyên Bình luôn trăn trở với nghề, bởi theo chị: Thẩm phán là nghề nguy hiểm trong các nghề nguy hiểm. Nhất là nữ Thẩm phán, dù hiện nay quan niệm về giới không còn quá sâu nặng, nhưng trong tư duy nhiều người vẫn còn định kiến với phụ nữ. Dù vậy, khi đã chọn con đường “bảo vệ công lý” thì có nguy hiểm tới đâu, phụ nữ hay nam giới cũng vậy, đều cần phải có bản lĩnh, trí tuệ và đặc biệt là “một cái đầu lạnh và một trái tim nóng”. Vì trọng trách của mỗi Thẩm phán là đưa ra những phán quyết công tâm, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật.
Thẩm phán Hoàng Thị Thu Lịch, Chánh án TAND huyện Nguyên Bình khẳng định, trọng trách của mỗi người Thẩm phán là đưa ra được những phán quyết công tâm, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật
Cũng là nữ cán bộ công tác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Thẩm phán Lương Thị Hợp, Chánh án TAND TP Cao Bằng lại tìm sự cảm thông, chia sẻ ở chính những người đồng nghiệp và gia đình để cân bằng lại sau những phán quyết “cân não”.
Theo chị, người Thẩm phán trước tiên phải có tinh thần dũng cảm bảo vệ công lý, ngoài ra cũng cần quyết đoán và tự tin. Vì đã là Thẩm phán thì phải chấp nhận đương đầu với khó khăn, vất vả và đương nhiên là cả sự hiểm nguy. Để vượt qua, bản thân người Thẩm phán phải nắm vững các quy định pháp luật, đưa ra những bản án, quyết định công tâm, khách quan. Quan trọng nhất, người Thẩm phán phải tự tin về nghiệp vụ, xét xử thấu tình, đạt lý để cho đương sự, bị cáo, những người liên quan phải thực sự tâm phục khẩu phục.
Cùng với đó, bản thân người Thẩm phán rất cần sự chia sẻ của đồng nghiệp, sự cảm thông của gia đình và xã hội về những lo ngại, nguy hiểm trong nghề. Và cần nhiều hơn những quy định về pháp luật để đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ Tòa án, đặc biệt là những quy định nhằm bảo vệ Thẩm phán, để họ luôn cảm thấy an tâm và vững tin đương đầu với khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
“Phải thực sự gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”
Không giống như những Thẩm phán ở miền xuôi, các Thẩm phán ở vùng cao và miền núi ngoài áp lực xét xử còn gặp phải những khó khăn đặc thù. Chia sẻ với phóng viên, Thẩm phán Lữ Thị Mai, Chánh án TAND huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, huyện Quan Hóa có địa bàn rất rộng, cơ sở vật chất và giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ và nhận thức pháp luật của người dân không đồng đều, trong khi đơn vị còn thiếu biên chế. Trong công tác xét xử, các vụ án hình sự có tính chất phức tạp với tội phạm ma túy chiếm tỷ lệ cao, mà trong số đó khoảng 90% những người phạm tội là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thẩm phán Lương Thị Hợp, Chánh án TAND TP Cao Bằng tham gia hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương
Thấu hiểu những khó khăn chung của cán bộ Tòa án ở các huyện vùng cao, miền núi, Thẩm phán Lương Thị Hợp, Chánh án TAND TP Cao Bằng tâm sự: “Để làm việc ở một tỉnh miền núi với trình độ dân trí không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn, nhân lực, cơ sở vật chất thiếu thốn... Trước tiên phải có tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình. Hơn hết là phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”.
“Chúng tôi phải tự tìm hiểu tiếng nói của người dân tộc bản địa để chia sẻ động viên họ trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng. Thậm chí là tìm hiểu phong tục tập quán của họ để đưa ra những phán quyết công tâm, thấu tình đạt lý. Nhiều khi có những đương sự không có tiền để về nhà sau khi phiên tòa kết thúc, các Thẩm phán như chúng tôi sẵn sàng không nhận tiền bồi dưỡng phiên tòa, cho họ đủ tiền, kịp bắt chuyến xe về quê", chị Hợp cho biết thêm.
Có thể nói, nữ Thẩm phán đã khó khăn, vất vả, đặc biệt là nữ Chánh án thì sẽ càng áp lực hơn. Đối với Chánh án ở những miền đất khó như các tỉnh vùng cao, miền núi, ngoài công việc bình thường của gia đình và xã hội thì bản sắc văn hóa, dân tộc của đồng bào nơi đây cũng là vấn đề cần chú trọng.
Thẩm phán Triệu Thị Vang, Chánh án TAND huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong công tác xét xử chính là nhận thức pháp luật của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Như huyện Chợ Mới, bà con chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, nhận thức của họ về các vấn đề như trợ giúp pháp lý và hưởng thụ chính sách pháp luật rất hạn chế.
Theo chị, trong quá trình giải quyết các vụ án, bà con không hiểu về chính sách pháp luật nên thường có những yêu cầu trái pháp luật. Giống như việc đòi trả lại của hồi môn theo phong tục tập quán của họ thì mới đồng ý ly hôn… Hay như trong giải quyết vụ việc dân sự, làm sao để đi đến được kết quả thấu tình đạt lý, giải quyết được tranh chấp, bất đồng giữa hai đương sự là cả một quá trình.
Quá trình đó vận hành theo những cung bậc khác nhau, không tuân theo mô tuýp nào, vì nó chịu ảnh hưởng của bản sắc văn hóa, dân tộc, vùng miền. Những người Thẩm phán lúc này phải hiểu biết về phong tục tập quán của người dân địa phương, thực sự gần dân và đưa dân vận vào công tác giải quyết án, giải thích cho họ hiểu và tuân theo pháp luật.
Thẩm phán Triệu Thị Vang, Chánh án TAND huyện Chợ Mới, trên đường đến nhà của đương sự ở cheo leo lưng đồi để làm công tác dân vận
“Chúng tôi phải đi đến tận nhà của đương sự, ở cheo leo lưng đồi, thậm chí cùng lao động, sản xuất với người dân để tạo sự gần gũi rồi từ đó mới tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho bà con. Có nhiều trường hợp, Thẩm phán tuyên truyền cả nửa ngày nhưng đến lúc hỏi ý kiến của đương sự thì họ lại không nói được tiếng phổ thông. Lúc đó, các Thẩm phán phải học thêm tiếng của đồng bào rồi nói bằng giọng của họ để tuyên truyền thì công việc mới được giải quyết”, Thẩm phán Vang chia sẻ thêm.
Thật khó để đong đếm hết được những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn mà những nữ cán bộ Tòa án nói riêng và cán bộ Tòa án nói chung phải vượt qua. Chỉ biết rằng, nếu không phải là những cán bộ thực sự “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” thì chắc chắn họ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ “bảo vệ công lý” được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.