Các cụ xưa nay có câu “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà; trong ba việc ấy thật là khó thay". Có những người đầu đã 2 thứ tóc, lăn lộn gần hết cuộc đời mà chưa có một mái nhà để an cư, mỗi khi bão tới lại nơm nớp lo nhà sập đè lên người. Chính vì thế mà các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa chung tay xóa nhà tạm, dột nát được người dân, doanh nghiệp đồng ủng hộ.
Bão số 3 và số 4 liên tiếp quét qua Thanh Hóa để lại hậu quả nặng nề. Không chỉ mất mát về vật chất, mà sự tổn thương về tinh thần của người dân, nhất là hộ gia đình chưa có nhà ở ổn định hằn sâu. Ước mơ có một mái nhà an toàn, giúp người dân an cư, lạc nghiệp, con cái được ổn định học hành lớn hơn bao giờ hết.
Trên con đường bết đất sau trận mưa rừng, chúng tôi tìm về huyện miền núi Lang Chánh. Chỉ vài phút ra khỏi trung tâm huyện, những ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn nằm lạnh lẽo bên sườn đồi đập ngay vào mắt. Chẳng khó để thấy bọn trẻ con đen nhẻm, nheo nhóc ra ngồi nghịch đất.
Khung cảnh ảm đạm, đượm buồn ấy rồi đây sẽ được “thay da đổi thịt” bằng những gam màu tươi sáng. Cán bộ Mặt trận Tổ quốc huyện dẫn mọi người đến hộ bà Lê Thị Chia, 75 tuổi, khu phố Oi (thị trấn Lang Chánh). Cậu chuyện nối đuôi câu chuyện và nụ cười rạng ngời bên ngôi nhà thơm mùi sơn mới.
Quay ngược thời gian về năm 2023, ngôi nhà tuềnh toàng của gia đình bị ngọn lửa thiêu rụi. Chỉ phút chốc, bà rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất. Chính quyền địa phương, hàng xóm đã giúp bà làm lều tạm để ở. Tránh được nắng nhưng mưa thì dột khắp nơi.
Mặt trận Tổ quốc huyện Lang Chánh đã kêu gọi các nhà hảo tâm, đơn vị, cơ quan và nhân dân chung tay xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn. Một ngôi nhà mưới với giá trị 110 triệu đồng được một doanh nghiệp (ở TP Thanh Hóa) ủng hộ xây dựng.
Bên cạnh đó, bà con xóm giềng hỗ trợ và các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng căn bếp cho bà sinh hoạt với số tiền 50 triệu đồng. Hiện căn nhà đã được bàn giao cho gia đình bà Chia.
“Nếu không được sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức, các nhà hảo tâm thì tôi không thể có căn nhà kiên cố ở. Mấy ngày qua tôi đã được giấc ngủ ngon kể từ ngày căn nhà bị thiêu rụi, không còn những cơn giật mình khi gió lạnh luồn vào qua kẽ vách, hay trận mưa rào trút xuống nơi đây”, bà Chia bộc bạch.
Niềm vui từ bà Chia đã giúp cho những bước chân của chúng tôi được linh hoạt hơn. Đang tất bật sắp xếp vật liệu, gạch, xi măng..., ông Hà Hải Hoàn (70 tuổi) thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc (Lang Chánh) không giấu được niềm vui. Gia đình ông được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, phần móng đã được đổ xong.
“Bởi gia đình thuộc diện hộ nghèo, sống dựa vào mấy sào ruộng, bữa no, bữa đói thì làm sao dám mơ về căn nhà kiên cố. Cũng may được nhà nước, các cấp quan tâm, hộ trợ cho vợ chồng tôi xây dựng căn nhà mới. Được hàng xóm chung tay giúp công, giúp sức nên nhà lúc nào cũng có người ra vào, cười nói rôm rả. Đúng là vui hơn Tết”, ông Hoàn nói.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Lang Chánh, cho biết: Lang Chánh là một huyện nghèo nên tổng số hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ trong năm 20-2025 là rất cao, 2.125 hộ. Trong đó, số hộ cần được hỗ trợ xây mới là 1.303 hộ, và 822 hộ cần được sửa chữa nhà ở.
Tính đến ngày 30/9/20, Ban chỉ đạo Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện trong năm 20-2025 đã tiếp nhận hơn 1,4 tỷ đồng về tài khoản của Mặt trận huyện Lang Chánh. Ngoài ra, các nhà hảo tâm và doanh nghiệp cũng hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng.
Được biết, nhằm góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị 22, phấn đấu đến ngày 30 tháng 9 năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Thời gian qua, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gấp rút hoàn thiện hỗ trợ nhà ở cho những hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở để ổn định đời sống, phát triển kinh tế-xã hội. An cư, lạc nghiệp có được mái nhà ổn định sẽ giúp người dân có đà để sản xuất, kinh doanh xóa đói giảm nghèo. Qua đó, không còn nạn du canh, du cư, phá rừng.