Vấn đề quan tâm

Những trường hợp nào chưa xem xét nghỉ việc khi sắp xếp bộ máy?

Việt An 31/12/20 - 10:14

Khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, những trường hợp nào chưa xem xét nghỉ việc là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm.

Tại dự thảo nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ đã nêu rõ các tiêu chí đánh giá từng trường hợp để thực hiện sắp xếp, giải quyết chính sách, chế độ.

Cụ thể, dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất, tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý.

tin-gon-bo-may.jpg
Dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất, tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý. Ảnh minh họa

Có 4 tiêu chí gồm: Tiêu chí đánh giá về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tiêu chí đánh giá về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ thường xuyên và đột xuất.

Tiêu chí đánh giá về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã đạt được.

Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội thì phải bảo đảm tiêu chí đánh giá về đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và có thành tích tiêu biểu, nổi trội, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đối với nguyên tắc thực hiện chế độ, theo dự thảo: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ.

Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.

Chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức đơn vị trong hệ thống chính trị sau sắp xếp đảm bảo đúng quy định.

Một nguyên tắc đáng chú ý là tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Liên quan đến những trường hợp nào chưa xem xét nghỉ việc khi thực hiện sắp xếp bộ máy, dự thảo nêu rõ: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trừ trường hợp cá nhân tự nguyện nghỉ việc.

Ngoài ra, người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm cũng chưa xem xét nghỉ việc khi thực hiện sắp xếp bộ máy.

Theo dự thảo của Bộ Nội vụ, nghị định này dự kiến có hiệu lực trong 1/2025. Không hồi tố đối với những người đã hưởng chính sách, chế độ do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định từ 31/12/20 trở về trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những trường hợp no chưa xem xét nghỉ việc khi sắp xếp bộ máy?