Ngày 18/8, một quan chức cấp cao cho biết Cộng đồng Kinh tế Tây Phi ECOWAS đã đồng ý về "ngày D" cho khả năng can thiệp quân sự nhằm khôi phục nền dân chủ ở Niger nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại.
"Chúng tôi sẵn sàng hành động bất cứ khi nào có lệnh", Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS Abdel-Fatau Musah cho biết trong lễ bế mạc các cuộc đàm phán ở thủ đô Accra của Ghana.
"Ngày D cũng đã được quyết định, nhưng chúng tôi chưa thể tiết lộ", ông nói thêm.
"Chúng tôi đã đồng ý và điều chỉnh những gì cần thiết cho cuộc can thiệp”, ông Musah cho biết, trong khi từ chối chia sẻ số lượng binh sĩ sẽ được triển khai và các chi tiết chiến lược khác.
Các đại biểu ECOWAS đã thảo luận về công tác hậu cần và chiến lược sử dụng vũ lực nhằm chấm dứt cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Nhưng Musah khẳng định một giải pháp hòa bình vẫn là lựa chọn ưu tiên của khối.
Hầu hết quốc gia thành viên ECOWAS đều sẵn sàng đóng góp vào lực lượng chung, ngoại trừ những quốc gia cũng nằm dưới sự cai trị của quân đội - Mali, Burkina Faso và Guinea, cũng như Cape Verde.
Các nhà phân tích nói rằng bất kỳ sự can thiệp nào cũng sẽ có rủi ro về chính trị và quân sự, đặc biệt là đối với nước láng giềng Nigeria.
ECOWAS đã có lập trường cứng rắn hơn đối với cuộc đảo chính ở Niger, cuộc đảo chính thứ bảy trong khu vực trong vòng ba năm, so với những lần trước.
Uy tín của khối đang bị đe dọa vì khối này từng tuyên bố sẽ không dung thứ cho những cuộc lật đổ như vậy nữa.
Bất kỳ sự can thiệp nào cũng sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn hơn nữa đối với khu vực Sahel nghèo khó của Tây Phi, nơi đang phải chiến đấu với cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo kéo dài hàng thập kỷ và cuộc khủng hoảng nạn đói ngày càng trầm trọng.
Niger cũng có tầm quan trọng chiến lược ngoài Tây Phi vì trữ lượng uranium và dầu mỏ.