6 tháng đầu năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước hết sức khó khăn, thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước, nhưng nhờ quyết liệt, hiệu quả trong quản trị, điều hành, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vẫn duy trì hoạt động SXKD an toàn, ổn định, đạt kết quả cao, tăng trưởng qua các tháng, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng GDP cả nước, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 420,1 nghìn tỷ đồng, vượt % KH 6 tháng; nộp NSNN (không bao gồm NSRP) ước đạt hơn 66 nghìn tỷ đồng, vượt 63% KH 6 tháng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt cao so với KH 6 tháng; cung cấp ổn định, tối đa các sản phẩm chiến lược: khí, điện, đạm, xăng dầu,… cho đời sống và sản xuất.
Kết quả trên có được rất khác biệt trong điều kiện tình hình vĩ mô, thị trường, kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn, đặc trưng nhất là tính gián đoạn, đứt gãy cao, chưa từng có tiền lệ. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 hiện đều giảm so với dự báo cuối năm 2022. Ở trong nước, mặc dù tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đặt ra; bối cảnh chung khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
Cùng với tình hình chung đó, tác động trực tiếp và rất lớn đến ngành Dầu khí là thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước; giá dầu thô, giá khí, biên lợi nhuận xăng dầu, lọc dầu giảm mạnh, nhu cầu điện tăng không cao so với cùng kỳ; bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 6 tháng đầu năm giảm từ 25 – 27% so với cùng kỳ; giá phân bón ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn….
Một trong những vướng mắc, khó khăn lớn là EVN đang nợ trong toàn Petrovietnam lên đến gần 23.000 tỷ đồng, trong đó nợ đến hạn thanh toán là hơn 14.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SXKD, cân đối dòng tiền của Tập đoàn. Bên cạnh đó, với việc ưu tiên huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo nhưng với tính ổn định không cao dẫn đến các nhà máy nhiệt điện khí huy động lên xuống máy liên tục làm xác suất sự cố các tổ máy tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện cũng như tính sẵn sàng để đảm bảo mục tiêu kế hoạch sản lượng điện của Tập đoàn.
Nhận định những khó khăn, thách thức lớn của tình hình vĩ mô, thị trường, ngay từ đầu năm, trên cơ sở Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết của Đảng ủy và Hội đồng Thành viên Tập đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn đã quyết định giao chỉ tiêu nhiệm vụ, đặt ra áp lực tăng trưởng cho từng đơn vị; trực tiếp chủ trì các cuộc họp triển khai kế hoạch cả năm; định kỳ tổ chức giám sát thực hiện kế hoạch quản trị tại các đơn vị chủ chốt, các đơn vị khó khăn để có các giải pháp điều chỉnh linh hoạt, quyết liệt, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra; triển khai công tác đầu tư/quản trị danh mục đầu tư/chuỗi liên kết giá trị, nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư và phát triển bền vững hệ sinh thái Petrovietnam; duy trì giao ban tháng, khối, lĩnh vực/giao ban chuyên đề nhằm giải quyết kịp thời công việc trong quá trình triển khai cũng như các vướng mắc tại đơn vị. Tập thể cán bộ, người lao động Petrovietnam đoàn kết, kiên trì bám sát chủ đề công tác năm 2023: “Quản trị biến động, mở rộng quy mô, tăng tốc chuyển đổi số, dịch chuyển mô hình, nâng cao năng suất, tái tạo kinh doanh”.
Phát huy hiệu quả của các giải pháp quản trị, điều hành, hoạt động SXKD trong toàn Tập đoàn được đảm bảo an toàn, ổn định, tháng sau cao hơn tháng trước, quý II có sự tăng trưởng rất tích cực so với quý I và cùng kỳ 2022. Thông qua áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật – công nghệ, năng suất, hiệu suất, công suất các nhà máy trong toàn Tập đoàn đạt trên 110%. Sản lượng khai thác dầu thô đạt 2,7 triệu tấn, tăng 3,8% so với quý I và tăng 0,1% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác khí đạt 2,19 tỷ m3, tăng 11,3% so với quý I và tăng 3,7% so với cùng kỳ; sản xuất điện đạt 7,01 tỷ kWh, tăng ,1% so với quý I và tăng 85,7% so với cùng kỳ; sản xuất sản phẩm xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 1,79 triệu tấn, tăng 3,2% so với quý I và tăng 2,6% so với cùng kỳ;… Do đó, mặc dù giá xuất bán thấp hơn, nhưng tổng doanh thu toàn Tập đoàn trong quý II cao hơn so với quý I.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Petrovietnam đạt sản lượng khai thác dầu thô 5,3 triệu tấn, vượt 14,3% so với KH 6 tháng, trong đó khai thác dầu thô trong nước đạt 4,4 triệu tấn, vượt 16,9% KH 6 tháng và khai thác dầu thô nước ngoài đạt 900 nghìn tấn, vượt 3% KH 6 tháng; sản lượng khai thác khí đạt 4,16 tỷ m3, vượt 27,1% KH 6 tháng; sản xuất điện đạt 12,66 tỷ kWh, vượt 4,5% KH 6 tháng; sản xuất đạm đạt 877,5 nghìn tấn, vượt 10,6% KH 6 tháng; sản xuất sản phẩm xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 3,53 triệu tấn, vượt 16,6% KH 6 tháng.
Nhờ tích cực gia tăng sản xuất và tối ưu hiệu quả SXKD, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm vượt kế hoạch được giao và tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu cũng như tình trạng xuất khẩu kém và đầu tư, tiêu dùng thấp. Hầu hết các đơn vị thành viên Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức KH 6 tháng, nổi bật như: Công ty mẹ - Tập đoàn; Vietsovpetro, PVEP, PV GAS, PTSC, PVDrilling, PVTrans,…
Công tác đầu tư của Petrovietnam được tập trung trọng điểm: Hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ ngày 27/4/2023, góp phần tham gia cung ứng điện cho đất nước trong bối cảnh thiếu điện vừa qua, đặc biệt là ở miền Bắc; Thử vỉa thành công và cho kết quả tốt giếng khoan thẩm lượng Đại Hùng Nam-4X, lưu lượng khoảng 6.350 thùng dầu/ngày và 4,5 triệu bộ khối khí/ngày, đảm bảo đủ điều kiện để phát triển thương mại, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất; Chuỗi dự án Lô B hiện đang tổ chức đánh giá hồ sơ, chào thầu phần kỹ thuật EPC, các gói thầu khác đang triển khai tích cực để chào thầu đồng bộ với tiến độ dự án; Tổ chức ký biên bản bàn giao hồ sơ Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV giữa EVN và Petrovietnam vào ngày 29/6/2023; Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 5/5/2023, hiện chủ đầu tư BSR đang sớm hoàn thành đấu thầu lập FS; Dự án LNG Thị Vải đã cơ bản hoàn thành, đã tiếp nhận thành công chuyến tàu LNG nhập khẩu đầu tiên vào ngày 10/7/2023, sẵn sàng cho công tác chạy thử và tiến tới vận hành thương mại.
Đặc biệt, việc xây dựng và tái tạo văn hóa Petrovietnam là một mũi tiên phong đột phá trong toàn Tập đoàn, hiện thực hóa định hướng mục tiêu từ đầu năm là “Tái tạo văn hóa đi trước, định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh, thúc đẩy, hỗ trợ cho SXKD hiệu quả, bền vững”. Ngày 28/6/2023, Tập đoàn được vinh danh Top 10 Doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 trong các ngành kinh tế trọng điểm.
Các công tác khác đều được triển khai tích cực: Ước thực hiện tiết giảm chi phí trong 6 tháng đầu năm toàn Tập đoàn đạt 1.2 tỷ đồng, bằng 51,4% kế hoạch năm 2023; thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng trị giá 80,47 tỷ đồng; công tác chuyển đổi số, ERP và an ninh mạng được triển khai đồng bộ; đã phát hành 2 ấn phẩm về Chuyển đổi số và Chuyển dịch năng lượng; tích cực triển khai phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Dầu khí 2022 và tham gia tổ soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí 2022; chủ động, tích cực đề xuất, tham gia xây dựng chính sách mới, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của Tập đoàn.
Trong 6 tháng cuối năm, theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, Tập đoàn sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu quản trị đề ra. Để làm được điều này, Petrovietnam và từng đơn vị sẽ phải thường xuyên đánh giá, xây dựng kế hoạch điều hành dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế đất nước và mục tiêu quản trị để cụ thể hóa, bám sát, quản trị chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch; rà soát những vấn đề còn tồn tại, khó khăn của đơn vị để Tập đoàn có các chính sách, cơ chế, cũng như phân cấp hỗ trợ đơn vị tháo gỡ; Rà soát, cập nhật, đẩy mạnh công tác đầu tư, đặc biệt tập trung đạt được các các cột mốc quan trọng của dự án Lô B cũng như thúc đẩy việc tiếp nhận, bàn giao dự án Ô Môn III, Ô Môn IV; đánh giá công tác chuyển đổi số, ERP, xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện dịch chuyển năng lượng, triển khai mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn trong toàn Tập đoàn; khẩn trương triển khai Nghị định 45/2023/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí 2022 và các quy chế liên quan; vận hành an toàn các đường ống khí, đảm bảo nguồn khí cho các nhà máy điện, đồng thời đảm bảo tính sẵn sàng, khả dụng cao của các nhà mày để cung ứng điện tối đa cho nền kinh tế; vận hành ở công suất cao các nhà máy sản xuất để gia tăng sản lượng, bù đắp biến động giá giảm; mở rộng thị trường, thị phần, đa dạng hóa các sản phẩm; triển khai xây dựng chiến lược vốn, có kế hoạch thu xếp vốn cho các lĩnh vực hoạt động mới, dịch chuyển năng lượng; rà soát xử lý công nợ trong và ngoài Tập đoàn, kết hợp với đánh giá, quản trị rủi ro tài chính, dòng tiền; chuẩn bị tích cực để thực hiện đề án tái cấu trúc khi được phê duyệt, đặc biệt với các doanh nghiệp, dự án khó khăn để tập trung giải quyết dứt điểm có lộ trình cụ thể.