Miền Trung gồng mình chống mưa lũ

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tính đến hết ngy 7-11, đợt mưa lũ mới tại miền Trung đã khiến 16 người chết v mất tích. Đến thời điểm ny, nhiều tuyến phố của một số tỉnh, thnh vẫn ngập sâu trong nước.

*Thừa Thiên - Huế: Tối 7-11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế mưa lớn vẫn tiếp tục đổ xuống, nước sông Hương, sông Bồ lên nhanh, xấp xỉ mức báo động 3, nhiều nơi bị chia cắt.Ít nhất 4.000 căn nhà vùng hạ du bị ngập sâu trong nước lũ.

Tại huyện Quảng Điền, ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, toàn huyện có hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập. Trong đó, nặng nhất là những địa phương nằm ven phá Tam Giang như Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành, nhiều nơi ngập sâu từ 0,5-1m. Giao thông đi lại ở những địa phương này rất khó khăn, người dân phải di chuyển đồ đạc chạy lũ bằng thuyền.

Mưa lớn ở thượng nguồn và khu vực hạ lưu trong hai ngày qua đã khiến thành phố Huế ngập chìm trong biển nước.

Nước lũ tràn vào khu di tích Phú Văn Lâu ở Tp. Huế sáng 8-11.

Mưa lũ không chỉ làm ngập các tuyến đường tỉnh lộ khiến nhiều địa phương bị cô lập, chia cắt mà còn gây nên tình trạng sạt lở nặng ở các lưu vực các con sông lớn của tỉnh TT- Huế. Tại thôn Long Hồ Thượng (Hương Hồ, huyện Hương Trà), hơn 40m chiều dài và 20m chiều ngang tính từ mép sông Hương vào địa bàn thôn đã bị sạt lở nặng, ảnh hưởng đến 100 hộ dân, trong đó có 6 hộ phải di dời khẩn cấp do sông “nuốt” nhà.

Tại huyện Phú Vang, do mưa lớn, nước nguồn liên tục đổ đã làm cho nhiều địa phương lớn của huyện này trắng xóa trong màu nước lũ. Ông Trần Viết Chức, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, thôn Thuận Hòa với 500 hộ dân bị cô lập hoàn toàn, đường đến các thôn xóm trong xã đã bị lũ chia cắt.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lớn ở thượng nguồn khiến hai hồ thủy điện lớn nhất tỉnh là Bình Điền và Hương Điền tiếp tục mở cửa xả lũ.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN Thừa Thiên - Huế cùng các lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an và các địa phương đang chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, để ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

*Đà Nẵng: Tối 7-11, nước lũ lên nhanh bất ngờ khiến toàn thành phố chìm trong nước. Các khu vực quận Liên Chiểu và một số phường thuộc quận Thanh Khê ngập sâu nên điện lực phải cắt điện để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên các hộ dân bị ngập nước khổ sở khi phải sơ tán trong đêm tối.

Đường Hàm Nghi, Tp. Đà Nẵng mênh mông nước. (Ảnh C.B)

Huyện Hòa Vang, Tp.Đà Nẵng lại ngập trong lũ - Ảnh: Nguyễn Tú

Các tuyến phố chính ở Đà Nẵng như Lê Duẩn, Đống Đa, Hoàng Hoa Thám, Hàm Nghi, Ông Ích Khiêm... ngập sâu 0,8-1m. Tàu lửa bị ách tắc nhiều đoạn do đường ray ngập sâu 0,5-0,7m. Ngoài việc ngập, nước chảy xiết khiến giao thông hỗn loạn...

Các tuyến đường liên xã của huyện Hòa Vang đã bị nước lũ nhấn chìm, hiện hồ Đồng Nghệ cũng bắt đầu xả lũ. Do đó, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết đã cho toàn bộ học sinh tiểu học và THCS nghỉ học cho đến khi thời tiết tốt hơn.

Đồng thời, để đối phó với các tình huống diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND huyện Hòa Vang đã điều động các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông, lãnh đạo xã, lực lượng phòng chống lụt bão các xã…cử người canh gác tại các điểm ngập, không cho người dân đi lại qua các đoạn đường nguy hiểm.

*Quảng Nam: Chiều 7-11, do mưa lớn, mực nước các sông tiếp tục lên nhanh khiến hàng ngàn ngôi nhà dọc tuyến sông Thu Bồn, Vu Gia chìm trong biển nước. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết, có 3 người chết trong đợt lũ mới này, nâng tổng số người chết do lũ lụt tại Quảng Nam lên 10 người.

Nhiều ngôi nhà của người dân Quảng Nam bị ngập sâu trong nước lũ.

Đến 21giờ, hàng ngàn người dân ven sông Thu Bồn, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) phải chạy lũ trong đêm vì nước dâng lên quá nhanh. Tất cả các trung tâm hành chính, trường học trên địa bàn...đều được trưng dụng làm chỗ trú ẩn cho dân. Chính quyền huyện Nông Sơn huy động xe công an, xe quân đội và thanh niên giúp dân chuyển vật dụng lên nơi cao ráo tránh lũ. Điện trên địa bàn bị cắt toàn bộ.

Theo báo cáo nhanh của ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 cho các huyện vùng hạ lưu, lượng nước xả lũ của thủy điện này từ 3.500-5.000m3/giây. Mưa to kết hợp với xả lũ khiến nước trên sông Thu Bồn dâng nhanh chưa từng thấy.

Tại thượng nguồn sông Thu Bồn, dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2, thuộc xã Quế Lâm đã trở thành biển nước. Chính quyền xã Quế Lâm không thể thống kê được số nhà ngập và số người dân bị thiệt hại vì mọi liên lạc bị cắt đứt.

Tại huyện Đại Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Đức Tính cho hay, mực nước trên báo động 3 là 57cm, huyện cũng đang di dời hơn 25.000 hộ dân thuộc vùng trũng nhất huyện tại làng Mỹ Hảo (xã Đại Phong), ấp Trung (xã Đại Minh), xã Đại Cường. Hiện nước trên sông Vu Gia lên rất nhanh, khả năng vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2009 hoàn toàn có thể xảy ra.

Mưa lớn trong 2 ngày qua cũng đã làm tuyến đường ĐT 616 từ Tam Kỳ đi thị trấn Tắt Pỏ (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) bị ngập nặng. Nhiều đoạn ngập sâu, nước chảy xiết khiến giao thông trên tuyến bị chia cắt và ách tắc hơn 3 ngày nay. Trước diễn biến của mưa lũ, chính quyền địa phương đã dựng hàng rào barie ở các điểm nguy hiểm, đồng thời cử lực lượng chốt chặn không cho người dân và các phương tiện ô tô, xe máy đi qua.

Mưa lớn cũng khiến học sinh của các địa phương này phải nghỉ học do bị ngập nước sâu, giáo viên không thể đến lớp do giao thông bị chia cắt.

*Quảng Ngãi, mưa lớn liên tục trong những ngày qua đã làm nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi bị sạt lở gây ách tắc giao thông, cùng với đó sạt lở cũng đã làm hư hỏng nhà cửa và đe dọa tính mạng nhiều hộ dân.

Tuyến đường 62B từ đồng bằng lên huyện Tây Trà đã sạt lở, hơn 2/3 mặt đường bị vùi lấp, gây khó khăn cho giao thông. Tỉnh lộ 622 từ trung tâm huyện Trà Bồng về về các xã cũng bị tương tự.


Tại huyện Sơn Tây, tuyến đường từ Trung tâm y tế huyện đến cầu Huy Măng (xã Sơn Dung) sạt lở trên 600m chiều dài, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sảnbốn hộ dân; đường Đông Trường Sơn tại khu dân cư Ka Xim, xã Sơn Dung đã xuất hiện tình trạng sạt lở mái taluy âm, đe dọa 12 hộ dân trong vùng. Huyện Sơn Tây đã di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Đứng tại điểm tràn xả lũ hồ chứa nước Liệt Sơn, nhiều người dân không khỏi lo lắng lũ nhấn chìm nhà cửa, tài sản. (Ảnh: Trí Tín)

Tại huyện Đức Phổ, chiều 7-11, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Ngãi đã tiến hành xả lũ khẩn cấp hồ thuỷ lợi Liệt Sơn (xã Phổ Hòa), với lưu lượng 290m3/giây, do mực nước trong hồ dâng cao báo động.

Ông Lê Văn Mùi, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, ngay khi có thông báo xả lũ, huyện đã tập trung ứng phó trước việc xả lũ ở hồ Liệt Sơn. Chiều cùng ngày, người dân vùng hạ lưu của hồ Liệt Sơn như xã Phổ Cường, Phổ Minh, Phổ Vinh đã chủ động sẵn sàng di tản trong trường hợp nước lũ dâng cao.


Được biết, hồ Liệt Sơn là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi hiện nay, có tổng dung tích 28,7 triệu m3 nhưng hiện nay mực nước trong lòng hồ dâng lên trên 30 triệu m3.

*Phú Yên: Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lớn cùng nước thượng nguồn đổ về làm các sông ở Phú Yên lên nhanh. Chiều 7-11, do hai nhà máy thủy điện sông Ba Hạ và sông Hinh xả lũ trên sông Ba nên nhiều tuyến đường ở các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hòa bị ngập, một số trường ở vùng xa phải cho học sinh nghỉ học.

*Bình Định: từ tối 6-11 đến đầu giờ chiều 7-11, mưa to không ngớt, cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước các sông trong tỉnh tiếp tục lên nhanh và có lũ ở mức báo động I - II.

Tại Bình Định, các tuyến tỉnh lộ ở các xã khu đông bị chia cắt, đi lại khó khăn, học sinh phải nghỉ học

Nước lũ dâng cao chia cắt một số xã khu đông: Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Thuận (huyện Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh và Cát Thắng (huyện Phù Cát).

Tại Tp.Quy Nhơn, do nước lũ tràn vào nhà nên nhiều hộ dân ở phường Nhơn Bình, Nhơn Phú phải dùng máy bơm để bơm nước từ trong nhà ra đường. Nhiều tuyến đường trong nội thị ngập sâu khiến giao thông đi lại hết sức khó khăn.

Nước lũ đã làm nhiều tuyến giao thông liên xã và các tỉnh lộ ở phía Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ... ngập sâu từ 0,7m- 1m, đi lại hết sức khó khăn và nguy hiểm, nên vào chiều 7-11, khoảng 30.000 học sinh của các huyện này phải nghỉ học.

Phương Lan (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung gồng mình chống mưa lũ