Ph Chủ tịch UBND Tp. H Nội Nguyễn Văn Khi yêu cầu các quận thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm chống tái lấn chiếm lng đường, vỉa hè; đồng thời r soát tất cả các tuyến phố trên địa bn (ngoi 262 tuyến đã cấm) để mở rộng các tuyến cấm đỗ dừng, để xe...
Vẫn còn bất cập
Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chống ùn tắc giao thông, ngay từ đầu năm An toàn giao thông 2012, thành phố Hà Nội đã khởi động bằng hai giải pháp mạnh: đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh và cấm trông giữ phương tiện trên 262 tuyến phố chính của 9 quận nội thành. Lòng đường, vỉa hè được trả lại đúng công năng sử dụng. Tuy nhiên, phía sau sự thông thoáng đó vẫn còn rất nhiều bất cập cần tháo gỡ.
Mạng lưới hạ tầng giao thông yếu kém, quy hoạch, thiết kế một số tuyến phố bất hợp lý, nơi không có hè, nơi hè lại quá hẹp. Bên cạnh đó, số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh không tương xứng với tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông, gây ra tình trạng quá tải " thắt chỗ nọ lại phình chỗ kia". Ý thức chấp hành Luật giao thông và giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị của người dân còn yếu kém... là những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Để giải tỏa lòng đường, vỉa hè, thực hiện chỉ đạo của UBND Tp. Hà Nội, Sở Giao thông - Vận tải và 9 quận nội thành đã chính thức xóa sổ các điểm trông giữ xe đạp, xe máy ở 9 quận nội thành từ ngày -2. Đến nay, trừ một số điểm trông giữ phương tiện trên vỉa hè thuộc thẩm quyền cấp phép của quận chưa hoàn thành việc thu hồi giấy phép, còn lại hầu hết các đơn vị trông giữ đã nghiêm chỉnh chấp hành.
Việc xóa bỏ các điểm trông giữ phương tiện chiếm dụng lòng đường, vỉa hè ở 262 tuyến phố chính là việc làm cần thiết, được người dân đồng thuận. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, thành phố lại không kịp thời giải quyết nhu cầu điểm đỗ cho người dân dẫn đến hệ lụy tất yếu là người dân kêu ca, bức xúc vì phải tự loay hoay, xoay xỏa giải quyết vấn đề “giao thông tĩnh” cho bản thân còn hoạt động trông giữ xe ở những khu vực này lại tái diễn tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”. Nhiều điểm trông giữ xe tự phát mọc lên khiến Nhà nước thất thu thuế, lực lượng chức năng khó quản lý còn người gửi xe thì bị “chặt chém”.
Hà Nội sẽ mở rộng các tuyến phố cấm dừng, để xe. Ảnh: Lê Phú
Không chỉ có người dân bức xúc mà ngay cả các quận cũng kêu khó khi thành phố cấm trông giữ phương tiện ở 262 tuyến phố, điển hình là quận Hoàn Kiếm, một quận mà giao thông tĩnh luôn là bài toán nan giải nhưng trong đợt này có tới 76 tuyến phố bị cấm trông giữ phương tiện, nhiều nhất trong 9 quận nội thành.
Trưởng phòng quản lý giao thông đô thị quận Hoàn Kiếm Trương Minh Hải cho biết, mặc dù việc thu hồi giấy phép tại các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã cơ bản hoàn thành nhưng quyết định trên của thành phố cũng gây không ít khó khăn cho quận. Hiện nay, số thu ngân sách của quận Hoàn Kiếm bằng ngân sách của một tỉnh bị ảnh hưởng bởi quyết định cấm trông giữ xe ở 76 tuyến phố, do các khu vực trung tâm thương mại, nguồn thu lớn cho ngân sách quận kinh doanh bị sa sút do vắng khách.
Thượng tá Phạm Văn Thời, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm nêu lên những bất cập của hệ thống hè, đường trên địa bàn quận. Đối với 76 tuyến phố cấm trông giữ phương tiện nhiều người đồng tình vì tạo sự thông thoáng, nhưng các khu vực buôn bán như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Lược, Lương Văn Can, vỉa hè rất hẹp thì không biết để phương tiện thế nào? Cấm trông giữ trên lòng đường là đúng nhưng thực tế vỉa hè cũng không để nổi. Mà ta cũng chưa tổ chức được các điểm trông giữ ở các tuyến phố ngang để người dân các nơi về buôn bán gửi xe. Nếu tổ chức điểm trông giữ xe ở xa liệu có buôn bán được không? Hiện quận đang quy hoạch các điểm trông giữ phương tiện ở những tuyến phố không cấm, nhưng về lâu dài cần sớm có bến xe tĩnh để có thể giải quyết được nhu cầu đỗ, gửi xe trên địa bàn, đặc biệt khu vực phố cổ”- ông Thời nói.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đưa ra ý kiến tháo gỡ khó khăn cho các quận bằng cách các quận có thể chủ động khai thác tiềm năng quỹ đất để tổ chức các điểm trông giữ xe đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ…đưa vào hoạt động đúng quy định. Quận nghiên cứu, xem xét cho các tổ chức, cá nhân đứng ra trông giữ phương tiện, tổ chức, cá nhân nào thu quá giá quy định là xử phạt ngay!
Gấp rút quy hoạch, xây dựng giao thông tĩnh
Tại các cuộc họp giải quyết vấn để chống ùn tắc giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tp. Hà Nội và các Sở, ngành chức năng đều nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông tĩnh trên địa bàn Thủ đô. Tại cuộc làm việc với UBND Tp. Hà Nội mới đây, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo thành phố Hà Nội tiếp tục cấm trông giữ phương tiện ở 262 tuyến phố chính, đồng thời phải triển khai ngay việc xây dựng các nhà đỗ xe, bãi đỗ xe phục vụ nhân dân, cần có chính sách ưu đãi trong đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe để sớm đưa vào phục vụ nhu cầu đỗ xe trên địa bàn.
Theo Giám đốc Công an Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, trong năm An toàn giao thông, ngoài các giải pháp về tổ chức giao thông, đề nghị Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các Bộ, ngành cố gắng đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, cả giao thông động và giao thông tĩnh, các dự án càng kéo dài thì chống ùn tắc giao thông càng khó khăn. Đặc biệt năm nay là năm An toàn giao thông thì vấn đề tiến độ càng phải được coi trọng, từ bố trí vốn cho đến đẩy mạnh thi công… Ngoài ra, ông Nhanh cũng đề nghị các quận nhiệt tình vào cuộc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện triệt quyết định cấm trông giữ phương tiện ở 262 tuyến phố chính của 9 quận nội thành.
Để tháo gỡ bất cập sau khi cấm trông giữ phương tiện ở 262 tuyến phố, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các quận cùng liên ngành tiếp tục duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm chống tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đồng thời rà soát tất cả các tuyến phố trên địa bàn (ngoài 262 tuyến đã cấm) để mở rộng các tuyến cấm đỗ dừng, để xe cũng như sắp xếp các điểm để xe phù hợp. Đối với các điểm trông giữ xe mới phát sinh, yêu cầu các quận kiểm tra, giám sát, cấp phép và xử lý nghiêm các vi phạm trật tự đô thị, trông xe quá giá, thiếu thiết bị phòng chống cháy nổ. Đồng thời tổ chức ngay việc khảo sát các khu dân cư, khu đô thị, bãi đất trống có thể để xe báo cáo liên ngành cho phép triển khai theo hướng quận chủ động đầu tư, còn các ngành chủ động cải cách thủ tục hành chính để sớm phê duyệt dự án công trình cấp bách để dự án sớm triển khai đáp ứng nhu cầu để xe của người dân.
Mới nhất, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Quy hoạch kiến trúc rà soát việc thực hiện Quyết định 165 (năm 2003) phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020, nhằm triển khai các dự án theo đúng quy hoạch. Đồng thời Phó Chủ tịch cũng chấp thuận cho các nhà đầu tư triển khai khoảng dự án bãi đỗ xe lắp ghép cao tầng tại 4 quận nội thành cũ trên các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, quảng trường quảng trường 1/5, vườn hoa cổ tân, khu vực Đầm Trấu, trong khuôn viên Thống Nhất, 32 nguyễn Công Trứ, 32 chợ Mơ, vườn hoa trước trường Đại học Thủy Lợi…, trong đó sớm nhất trong tháng 9 đưa vào sử dụng 3 điểm trông giữ phương tiện tại phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và 32 Nguyễn Công Trứ. Ngoài ra thống nhất giao cho quận Hoàn Kiếm xúc tiến triển khai 3 dự án giao thông tĩnh ngoài đê khu vực bãi Phúc Tân, Xí nghiệp gỗ Hà Nội và Xí nghiệp vật liệu xây dựng 87 Nguyễn Khiết.
Với những động thái tích cực và quyết liệt, thành phố Hà Nội đang nỗ lực thiết lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trong Năm An toàn giao thông 2012.
Tuyết Mai