Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, xung quanh những vấn đề “nóng” trong thực tiễn báo chí hiện nay
Phóng viên: Thưa ông, sau 2 năm đảm nhiệm trọng trách Tổng Biên tập, Báo Nhân Dân vốn được đánh giá là khá truyền thống, nhưng thời gian gần đây tờ báo đang mang trên mình những hình ảnh mới, hấp dẫn hơn. Nhiều đồng nghiệp cũng như độc giả đã và đang dành những từ như “đổi mới”, “sáng tạo”, “ấn tượng” để nói về Báo Nhân Dân. Ông có thể nói gì về nhận xét này?
Ông Lê Quốc Minh: Thực ra, điều chúng tôi luôn tâm niệm là mang đến màu sắc mới cho Báo Nhân Dân trong khi vẫn phải đảm bảo tính chính thống, chính thức của một cơ quan báo Đảng lớn nhất. Nhiệm vụ thì vẫn như vậy, sứ mệnh không thay đổi, nhưng cách thức truyền tải nội dung đến mỗi độc giả, đặc biệt là đối tượng trẻ thì cần phải đổi mới, phải hấp dẫn hơn.
Lâu nay có một quan niệm cũng chưa đúng lắm là Báo Nhân Dân chỉ dành cho các đảng viên, cho các chi bộ, nhưng tờ báo tên là Nhân Dân, nghĩa là phải đến được với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đừng nghĩ những nội dung mang tính chính thống, chính thức, những vấn đề chính trị - xã hội rất quan trọng thì người trẻ không quan tâm. Thực ra họ đều muốn biết những gì đang xảy ra trên thế giới hay ngay tại Việt Nam, nhưng ngôn ngữ mà họ tiếp cận thì khác với cách thức làm báo trong hơn 70 năm qua tại Báo Nhân Dân. Đặc biệt, với sự phát triển của Internet, mạng xã hội, công nghệ, cách thức tiếp nhận thông tin của thế hệ trẻ hiện nay cũng đã khác rất nhiều… thì Báo Nhân Dân chúng tôi thấy rằng mình cần phải đổi mới, cần phải thay đổi cách thức truyền tải thông điệp.
Ngay như báo in - một tờ báo cốt lõi của Báo Nhân Dân, chúng tôi cố gắng có những cách thức trình bày nội dung, hình thức hấp dẫn hơn. Việc đưa QR-code lên báo in để độc giả tiếp cận nội dung cũng là một cách thức thay đổi rất quan trọng. Việc sử dụng tên nguyên gốc tiếng Anh ở tiêu đề thay vì dùng tên phiên âm trước kia cũng là một sự thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và thói quen của độc giả. Các ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân cuối tháng, Thời Nay chúng tôi cũng thay đổi rất nhiều về nội dung, cách thức trình bày hiện đại hơn, đẩy mạnh yếu tố thị giác, hình ảnh, đồ họa.
Với kênh Truyền hình Nhân Dân cũng đang từng bước có những sự thay đổi về mặt chương trình, nội dung, đẩy mạnh những nội dung mang tính chính thống, chính thức. Tuy nhiên có sự khác biệt so với các kênh truyền hình khác là giảm những nội dung mang tính giải trí mà độc giả có thể tìm kiếm được những kênh khác và đặc biệt là với điện tử. Thực sự chúng tôi đã nhanh chóng thay đổi diện mạo hoàn toàn khác của trang điện tử Báo Nhân Dân trước đây.
Chúng tôi cũng xây dựng một hệ thống quản trị nội dung CMS hiện đại, giúp mọi phóng viên, biên tập viên có thể triển khai nội dung linh hoạt, không cần sự can thiệp của các nhân viên lập trình. Chúng tôi có thể xây dựng ra những chuyên trang một cách nhanh chóng thay vì phải chờ đợi sự can thiệp của công nghệ như trước đây.
Báo Nhân Dân cũng mạnh dạn đầu tư vào những công cụ mới để làm nội dung một cách hiệu quả. Như việc xây dựng, sản xuất những nội dung đồ họa thì trước đây phải vẽ thủ công rất lâu thì bây giờ chúng tôi mua những công cụ hiện đại có thể làm rất nhanh chóng, việc đồ họa tương tác cũng đơn giản hơn.
Chúng tôi mua những công cụ để làm bài eMagazine, để mỗi phóng viên, biên tập viên có thể tự dựng được bài eMagazine thật đẹp, thật đa phương tiện mà không cần sự can thiệp của nhân viên công nghệ. Việc triển khai đào tạo, sử dụng những công cụ này trong toàn bộ tòa soạn, đặc biệt trong tòa soạn điện tử giúp cho nâng công suất sản xuất nội dung lên rất nhiều. Và điều quan trọng là tất cả mọi người đều có thể làm được những công việc này một cách hết sức dễ dàng.
Những thay đổi như vậy đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được công chúng, độc giả, khán thính giả và các đồng nghiệp đánh giá rất cao. Chúng tôi coi đây là kết quả đầu tiên, cũng chưa gọi gì là thành công cả, tuy nhiên nó đã tạo nguồn cảm hứng cho các bộ phận trong tòa soạn cùng nỗ lực trên con đường đổi mới Báo Nhân Dân trong 2 năm qua.
Chúng tôi cũng đã lập Ngày đổi mới sáng tạo của Báo Nhân Dân vào tháng 5, đây như một dấu mốc, một sự kiện để khơi dậy tinh thần đổi mới của từng ban, bộ phận. Không chỉ các bộ phận sản xuất nội dung, chuyên môn mà kể cả những bộ phận hỗ trợ, các nhà in cũng tham gia rất tích cực.
Chúng tôi thấy rằng, những sáng tạo dù là nhỏ nhất nếu được áp dụng một cách rộng rãi, mang lại kết quả thì đều nên được khuyến khích và đó sẽ là nguồn cảm hứng, động lực cho những người chưa sáng tạo sẽ cố gắng sáng tạo hơn nữa.
Phóng viên: Với những thay đổi táo bạo, quyết liệt như vậy, ông và Báo Nhân Dân đã gặp phải những khó khăn, trở ngại nào?
Ông Lê Quốc Minh: Khi làm những điều sáng tạo, đổi mới thì đương nhiên phải xác định là sẽ có phản ứng. Bởi những người đã quen với cách làm lâu nay họ thấy đã đạt được kết quả nhất định, thì họ sẽ có vùng an toàn và không muốn thoát ra. Cũng có những người ngại làm những điều mới mẻ, nhiều khi làm khó khăn hơn, vất vả hơn nhưng lợi ích mang lại không có gì thay đổi thì cớ sao phải nỗ lực?
Tuy nhiên, cũng có những người rất hào hứng, rất mong muốn được làm mới chính mình, làm mới những sản phẩm mà họ vẫn đang làm lâu nay. Do đó phải khích lệ, động viên những người có tinh thần đổi mới, lôi kéo những người còn đang ngập ngừng, e ngại và thậm chí làm thay đổi suy nghĩ của cả những người chưa đồng thuận.
Thực ra ai cũng nghĩ rằng, một tờ báo rất chính thống, truyền thống như Báo Nhân Dân đổi mới rất khó, nhưng thực tế cho thấy trong 2 năm qua việc đổi mới này không gặp quá nhiều khó khăn. Tôi thấy một điểm rất thú vị, có thể gọi là ưu điểm, đó là sự tuân thủ chỉ đạo của lãnh đạo mà có thể ví như ở quân đội.
Vậy nên đã yêu cầu là mọi người sẽ triển khai và nhờ những chỉ đạo quyết liệt, tinh thần tuân thủ như vậy nên sự đổi mới sáng tạo được triển khai rất nhanh chóng. Khi có kết quả của những đổi mới sáng tạo đó, mọi người thấy hiệu quả thực tế thì họ sẽ đỡ e ngại hơn, đỡ ngập ngừng hơn. Sau đó, khi đưa ra những ý tưởng mới họ sẽ hào hứng chấp nhận hơn so với những bỡ ngỡ ban đầu.
Phóng viên: Rất nhiều người nghĩ là khi chuyển sang vai trò mới thì ông sẽ không còn sử dụng Facebook nữa vì nó mang lại nhiều rủi ro. Tuy nhiên, ông vẫn không có thay đổi gì với các hoạt động trên mạng xã hội. Vậy ông có gặp phiền phức gì đối với các thông tin trên Facebook khi đã trở thành một người có sức ảnh hưởng lớn hơn?
Ông Lê Quốc Minh: Tôi cho rằng, những người nghĩ việc sử dụng mạng xã hội là rủi ro là chưa đúng. Bởi chúng ta thấy nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới sử dụng mạng xã hội rất hiệu quả. Nhiều nhà lãnh đạo sử dụng mạng xã hội như một kênh chính thức để những thông điệp được trực tiếp đến với người dân.
Khi hoạt động trên nền tảng mạng xã hội thì chúng ta phải chấp nhận những ý kiến, quan điểm trái chiều. Có thể sẽ có những người vào phê phán, thậm chí là chỉ trích trên chính những bài viết trên Facebook hay là những tweet của chúng ta trên Twitter. Nhưng điều đó chúng ta phải chấp nhận, quan trọng là việc phản hồi bình tĩnh, có lập luận, không để mình bị sa đà vào những cuộc tranh luận vô bổ, mất thời gian.
Thực sự mà nói, sử dụng kênh Facebook hiệu quả còn là công cụ để chúng ta phát hành nội dung của chính tờ báo của mình. Chẳng hạn một nội dung trên Báo Nhân Dân điện tử có lượng truy cập cũng vừa phải, nhưng nếu những người như cá nhân tôi chia sẻ lên mạng Facebook thì khả năng tiếp cận nó sẽ nhân lên rất nhiều. Một tấm hình bìa ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân cuối tháng hay Thời Nay khi được tôi chia sẻ lên thì rõ ràng nhiều người sẽ biết đến sản phẩm của Báo Nhân Dân hơn. Nên chúng ta phải nghĩ đến hiệu quả của việc sử dụng mạng xã hội, hơn là lo sợ và né tránh.
Bây giờ lượng người sử dụng mạng xã hội rất đông thì phải nghĩ rằng, chúng ta phải càng hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội. Không chỉ cá nhân tôi khi về đây, mà tất cả chúng tôi đều muốn thúc đẩy sự hiện diện của Báo Nhân Dân trên mạng xã hội mạnh mẽ hơn.
Báo Nhân Dân trước đây có fanpage, số lượng người follow (theo dõi) khá khiêm tốn, khoảng .000 - 25.000 người, sau đó chúng tôi đã đẩy lên gấp 10 lần. Kênh YouTube của Truyền hình Nhân Dân đang có khoảng 2,6 triệu người subscribe (đăng ký), đấy là một con số khổng lồ. Kênh Tiktok chúng tôi lập ra vào tháng 9/2021, chỉ trong một thời gian ngắn cũng có hàng trăm người nghìn người theo dõi, mỗi clip có thể nhận được hàng chục, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem.
Đó rõ ràng là tác động rất có ích của mạng xã hội nên chúng ta không có gì phải lo sợ. Ngược lại, chúng ta phải chủ động hiện diện mạnh mẽ và có định hướng thông tin trên mạng xã hội.
Phóng viên: Có một thực tế là mạng xã hội đang gây ảnh hưởng rất lớn đến cách thức đưa tin và kiểm chứng nguồn tin của báo chí. Vậy theo ông báo chí hiện đại phải ứng xử như thế nào với mạng xã hội? Trách nhiệm xã hội, đạo đức báo chí của nhà báo trong thời đại kỹ thuật số sẽ được thể hiện như thế nào?
Ông Lê Quốc Minh: Mạng xã hội hiện đã trở thành một phần trong chiến lược, nội dung của các cơ quan báo chí. Đã không còn sự tranh cãi báo chí có cần mạng xã hội không mà báo chí phải sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong chiến lược thông tin của mình, thậm chí đã có thời kỳ báo chí sử dụng mạng xã hội từ khâu nắm bắt thông tin, thẩm định thông tin cho đến sản xuất thông tin và phát hành thông tin.
Tuy nhiên, chúng ta phải rất tỉnh táo trong chiến lược sử dụng mạng xã hội này. Bởi vì, các mạng xã hội rút cuộc cũng là những đơn vị hoạt động kinh doanh và họ muốn tạo được nguồn thu, họ thay đổi thuật toán liên tục để đạt được mục tiêu kinh doanh. Báo chí đã có những lúc bị chạy theo thuật toán, sản xuất ra những nội dung mang tính câu view, thu hút sự quan tâm bằng mọi cách. Chúng ta hay có đánh giá rằng, những nội dung gây sốc thì dễ thu hút sự chú ý của người dùng, vô hình chung đã khiến báo chí bị cuốn theo dòng chảy của mạng xã hội.
Có những lúc chúng ta còn đặt ra vấn đề là, báo chí cạnh tranh thế nào với mạng xã hội?, nhưng chúng tôi khẳng định là, báo chí không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội. Báo chí phải duy trì được hoạt động cốt lõi của mình với giá trị chuẩn mực, bất di bất dịch, mang đến những thông tin trung thực, công bằng và cân bằng, đa chiều cho độc giả. Báo chí nên đi vào những nội dung mang tính chuyên sâu, mang tính phổ biến, những kiến thức hữu dụng, thay vì chạy đua theo mạng xã hội để sản xuất ra những nội dung mà sẽ bị lẫn lộn với những nội dung thật - giả rất nhiều trên mạng xã hội.
Người dùng hiện nay cũng có một tư duy là lên mạng xã hội sẽ biết hết tất cả mọi thông tin và đã có tình trạng họ cũng phần nào đó xa rời báo chí. Đi đâu để tìm kiếm thông tin là quyền tự do của người dùng, nhưng họ cũng nên biết rằng trên mạng xã hội, Internet bây giờ là một biển thông tin thật - giả lẫn lộn và rất có nhiều nguy cơ. Khi người dùng quá phụ thuộc vào mạng xã hội để nắm thông tin thì họ sẽ vướng phải tin giả, tin xấu độc.
Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, trí tuệ nhân tạo trở nên dần phổ biến và được sử dụng để sản xuất nội dung, từ văn bản cho đến hình ảnh, video thì việc tạo ra nội dung giả mạo là vô cùng dễ dàng. Tuy người dùng đang ngày càng trở nên thông minh hơn, nhưng không có gì chắc chắn là họ có thể phân biệt rõ được những thông tin thật - giả.
Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi trong các hội nghị, hội thảo với báo chí là sử dụng mạng xã hội, nhưng cần có những chiến lược một cách rõ ràng, cần phải giữ vị thế chủ động thay vì lệ thuộc quá nhiều vào các nền tảng công nghệ, mạng xã hội.
Phóng viên: Thưa ông, trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, vai trò của Nhà báo được hiện rất rõ. Nhiều tác phẩm báo chí được vinh danh trong các cuộc thi và được xã hội ghi nhận. Với vai trò là người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam, ông có thể chia sẻ rõ hơn về trách nhiệm của Hội Nhà báo và cá nhân mỗi nhà báo trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng và tiêu cực?
Ông Lê Quốc Minh: Nhiệm vụ báo chí bên cạnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước còn là kênh giám sát, phản biện xã hội. Một trong những nội dung rất quan trọng của báo chí là bóc trần những sự việc sai trái, vấn đề bất cập, những điều chưa đúng đắn trong xã hội. Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng, thì chúng ta cũng thấy vai trò của báo chí ngày càng thể hiện rất rõ nét.
Quay ngược trở lại thời kỳ của báo in, đã có rất nhiều tuyến bài phóng sự, điều tra góp phần phơi bày những sai trái của một số cán bộ, viên chức, lãnh đạo. Cho đến hiện tại, khi báo chí đã phát triển với nhiều loại hình khác nhau thì việc tác nghiệp, hoạt động báo chí có rất nhiều sự hỗ trợ của công nghệ để giúp cho nội dung các tuyến bài đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, với nhiều dữ liệu rất đầy đủ… như vậy càng làm cho các tác phẩm báo chí hấp dẫn hơn so với trước kia.
Các nhà báo là những người phải dấn thân rất nhiều, họ hoạt động rất gian khổ, nhiều hiểm nguy, phải tốn rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để bóc trần những sự việc sai trái trong xã hội. Trong đấu tranh với vấn đề tham nhũng, tiêu cực thì những nỗ lực này không chỉ được ghi nhận qua những giải thưởng báo chí, mà còn được đánh giá rất cao trong nhiều những tổng kết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các bộ, ban, ngành. Quan trọng hơn là sự ghi nhận của công chúng, độc giả, khán thính giả.
Đương nhiên, chúng tôi nghĩ những điều đã làm được rất tốt, rất đáng quý, nhưng báo chí cần mạnh dạn hơn nữa trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dù biết rằng việc này không hề đơn giản, sẽ có nhiều trở ngại, khó khăn.
Ở góc độ Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng làm phóng sự, phóng sự điều tra. Mời những chuyên gia đến để chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để các nhà báo có thể tìm kiếm được thông tin hữu ích mà vẫn bảo vệ được sự an toàn của chính họ, cũng như hoạt động của tòa soạn.
Các nhà báo là những người phải dấn thân rất nhiều, họ hoạt động rất gian khổ, nhiều hiểm nguy, phải tốn rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để bóc trần những sự việc sai trái trong xã hội.
Nhà báo Lê Quốc Minh
Chúng tôi cũng đã có nhiều hoạt động để tăng cường sự phối hợp với cơ quan chức năng mỗi khi các nhà báo bị cản trở tác nghiệp, thậm chí là bị hành hung, phá thiết bị. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý những đối tượng có những hành vi như vậy.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham gia vào việc xây dựng Luật Báo chí cũng như các văn bản liên quan để bảo vệ các hoạt động tác nghiệp của báo chí, đảm bảo cho các nhà báo được an toàn và yên tâm thực hiện chức trách của mình.
Phóng viên: Trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, cũng như công cuộc cải cách tư pháp, ông có thể đánh giá cụ thể hơn về vai trò, tầm quan trọng của báo chí?
Ông Lê Quốc Minh: Nhiệm vụ quan trọng nhất của báo chí là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể hơn là tham gia vào việc truyền thông chính sách. Thời gian qua, việc này đã được triển khai nhưng theo quan điểm của tôi nó vẫn khá là thụ động. Ở đây vai trò của các cơ quan chức năng chưa tích cực, chưa chủ động phối hợp với cơ quan báo chí, coi nhiệm vụ này là nhiệm vụ của báo chí, trong khi nhiệm vụ tuyên truyền chính sách này phải đến từ mọi thành phần trong xã hội. Khi muốn tuyên truyền một đường lối, chính sách hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với báo chí để chính các nhà báo thông hiểu và chuyển tải những nội dung đó thật đơn giản, giúp người đọc hiểu thật đúng.
Đơn cử như với Báo Công lý, một cơ quan báo chí thuộc Tòa án nhân dân tối cao thì việc truyền thông chính sách cho hệ thống Tòa án nhân dân làm thế nào cho hiệu quả đến với người dân là điều rất quan trọng. Sẽ có rất nhiều hoạt động của Tòa án mà người dân đứng ngoài không thể hiểu được. Ngay như câu chuyện là nhiều người nói đến Tòa án là nghĩ ngay đến việc xét xử, trong khi không hình dung được vai trò quan trọng không kém là hòa giải. Việc hòa giải được thì sẽ tránh được rất nhiều vụ việc phức tạp.
Bên cạnh đó, việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động của Tòa án, Tòa án các cấp đã áp dụng công nghệ hiện đại để mỗi Thẩm phán, luật sư đều có thể ngay tại tòa tra cứu được văn bản, sử dụng cả Trợ lý ảo để truy vấn án lệ, những nội dung có thể giúp công việc xét xử được hiệu quả hơn. Hay như công tác xét xử trực tuyến đang được đẩy mạnh ở trong hệ thống Tòa án. Điều này vừa tiết kiệm được chi phí cho Nhà nước trong việc tổ chức xét xử, vừa đảm bảo được tính an toàn cho các phiên tòa.
Những việc này phải là những người được trực tiếp đến thăm trụ sở Tòa án nhân dân tối cao hoặc phải tìm hiểu thì mới biết, chứ tôi nhận thấy nhiều người dân chưa thấy được sự chuyển đổi của hệ thống Tòa án. Như vậy, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí nói chung mà trong đó có Báo Công lý chính là truyền tải những điều mới mẻ, những nỗ lực của hệ thống Tòa án đến với công chúng bằng ngôn ngữ báo chí thật là dễ hiểu, thật đơn giản.
Phóng viên: Chuyển đổi số không phải là một trào lưu mà là xu hướng tất yếu của thời đại. Thời gian gần đây chúng ta thường nói nhiều đến vấn đề chuyển đổi số báo chí. Vậy ông có thể cho biết bức tranh chuyển đổi số báo chí của nước ta hiện nay như thế nào?
Ông Lê Quốc Minh: Sau một thời gian loay hoay với câu chuyện chuyển đổi số, thì gần đây chúng ta đã có chiến lược chuyển đổi số. Định hướng của Chính phủ rất rõ ràng, những mục tiêu hướng đến trong chiến lược này cũng rất cụ thể, thậm chí còn đề ra phương hướng rằng nếu tiến hành chuyển đổi số hiệu quả thì có khả năng sẽ đạt được các nguồn thu từ hoạt động chuyển đổi số.
Tuy nhiên, từ câu chuyện định hướng đến triển khai thực tế trong đời sống báo chí vẫn là một khoảng cách. Bên cạnh một số cơ quan báo chí rất mạnh dạn tiến hành chuyển đổi số, thì còn khá nhiều cơ quan vẫn đi theo cách thức làm rất truyền thống. Họ vẫn hô hào chuyển đổi số nhưng thực ra chưa ý thức rõ được là chuyển đổi số thì phải làm gì. Có những cơ quan báo chí khi gửi kế hoạch chuyển đổi số cho chúng tôi để tham khảo và tư vấn, thì chỉ thấy câu chuyện của mua sắm thiết bị và một số phần mềm.
Có một số cơ quan báo chí cho rằng không biết bắt đầu từ đâu, hoặc chuyển đổi số phải tốn kém rất nhiều kinh phí… thì chúng tôi nghĩ đây đều là những nỗi lo có cơ sở, nhưng đó là sự nhìn nhận chưa thật đúng.
Nhà báo Lê Quốc Minh
Về câu chuyện chuyển đổi số, trong nhiều hội nghị, hội thảo, chúng tôi đã luôn nhấn mạnh rằng, chuyển đổi số ở đây chính là chuyển đổi về mặt tư duy, chuyển đổi về văn hóa, hoạt động của toàn bộ tòa soạn. Trước đây chúng ta làm theo cách thức truyền thống, làm theo kiểu báo in hay là phát thanh truyền hình truyền thống, nhưng bây giờ thực tế đã thay đổi. Rất nhiều người dùng đã di chuyển lên các nền tảng số thì chúng ta bắt buộc phải hiện diện trên các nền tảng số để cung cấp nội dung cho họ. Kể cả khi hiện diện trên nền tảng số thì chúng ta còn phải cạnh tranh rất nhiều với nhiều nguồn thông tin khác nên sự cạnh tranh bây giờ còn nhọc nhằn và khó khăn hơn trước. Do đó, không chỉ là câu chuyện của sản xuất, nội dung áp dụng công nghệ, mà còn là câu chuyện của việc phải sáng tạo, đổi mới, tạo ra những phong cách riêng cho từng tờ báo để thu hút người dùng. Một số cơ quan báo chí vẫn còn có thái độ chờ xem, cứ chần chừ để xem các báo khác làm như thế nào rồi mình sẽ học theo, bắt chước.
Chúng tôi mong muốn Báo Công lý nói riêng, cũng như nhiều cơ quan báo chí khác sẽ mạnh dạn đổi mới đi theo con đường chuyển đổi số, có thể là đi từng bước và bước nào phải chắc chắn bước đó, nhưng không được chần chừ, không được đứng yên. Một bước nhỏ cũng quan trọng thay vì chỉ đứng yên một chỗ.
Phóng viên: Là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và có lẽ cũng là Chủ tịch Hội Nhà báo đầu tiên xây dựng và là admin chính của một diễn đàn nhiệm vụ báo chí. Ông nhận xét, đánh giá ra sao về chất lượng đội ngũ làm báo Việt Nam và về các sản phẩm báo chí hiện nay?
Ông Lê Quốc Minh: Báo chí hiện nay bị sức ép nhất định về mặt lượng truy cập và đặc biệt về kinh tế báo chí, nên khá nhiều cơ quan báo chí vẫn quá chú trọng về lượng truy cập. Để đuổi theo chiến lược lượng truy cập, rất nhiều tòa soạn đã thúc đẩy các phóng viên của mình sản xuất ra những nội dung một cách nhanh chóng và trong rất nhiều trường hợp là vội vã, thiếu kiểm chứng.
Tất nhiên nhiều cơ quan báo chí lớn, nhiều nhà báo kinh nghiệm vẫn đi theo cách làm rất chuyên nghiệp, nhưng không ít nhà báo do định hướng của tòa soạn hoặc do sự nôn nóng của cá nhân, mong muốn đẩy tin, bài nhanh để có nhiều lượng truy cập… dẫn đến tình trạng không đảm bảo được yếu tố bất di bất dịch của báo chí là sự kiểm chứng và kiểm chứng đa nguồn.
Chúng tôi thấy điều này rất đáng lo ngại. Vì chạy theo những nội dung như thế nhưng chúng ta lại không thể nào đủ sức thu hút lượng truy cập như là nội dung trên mạng xã hội, cho nên, chúng ta sẽ chỉ thua mà thôi.
Trên thế giới hiện nay, sau một thời gian vội vã thích ứng với biến chuyển về mặt công nghệ, rất nhiều cơ quan báo chí đang trở về giá trị cốt lõi của mình. Thay vì quá chú trọng đuổi theo lượng truy cập thì sẽ chú trọng xây dựng nội dung chất lượng cao để duy trì lượng độc giả trung thành. Họ cho rằng, những độc giả trung thành như vậy mới chính là những người mang lại giá trị cho tờ báo. Họ sẽ đọc nhiều hơn, họ sẽ giúp cho tờ báo định vị được giá trị của mình, từ đó lôi kéo được các nhà quảng cáo đến quảng cáo đúng với phân khúc của họ. Họ cũng sẽ chủ động đưa ra những mô hình kinh doanh mới phù hợp với chính đối tượng độc giả trung thành đó, để có thể đa dạng hóa nguồn thu, giúp tờ báo có nguồn thu ổn định hơn để phát triển, thay vì chỉ dựa vào mỗi nguồn thu quảng cáo.
Thậm chí một số cơ quan báo chí hiện nay đã từ bỏ cách thức quảng cáo tự động - loại quảng cáo mà quá chạy theo traffic (lượng truy cập - PV) dẫn đến chất lượng của báo chí không cao. Nhiều tờ báo đã tìm đến những nhà quảng cáo có cam kết lâu dài, để họ có thể đầu tư sản phẩm, nguồn kinh phí quảng cáo có chiến lược cho những cơ quan báo chí. Thay vì cách thức quảng cáo truyền thống, nhiều tờ báo đã đa dạng hóa nguồn thu bằng hình thức mới mẻ như cấp phép thương hiệu, kinh doanh chính dữ liệu của mình.
Chúng tôi tin rằng, nếu các tòa soạn nhận thức rõ được điều này để giữ vững giá trị cốt lõi của mình, để các nhà báo có thể làm việc đúng bằng nghề, có được nguồn thu bằng chính nghề nghiệp của mình thì tốt đẹp hơn là chạy đua theo mạng xã hội. Bởi vì, từ việc chạy đua như vậy, sẽ dẫn đến một lực lượng nhà báo không tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc của báo chí.
Phóng viên: Như ông đề cập, tăng nguồn thu từ độc giả mới là căn cơ, bền vững chứ không phải là tăng nguồn thu từ quảng cáo. Vậy ông đánh giá các cơ quan báo chí còn những khó khăn gì để tăng nguồn thu trong thị trường thông tin đầy cạnh tranh như hiện nay?
Ông Lê Quốc Minh: Theo nghiên cứu trên thế giới, nguồn thu từ quảng cáo khoảng từ những năm 2016 - 2017 đã lần đầu tiên thấp hơn so với nguồn thu từ độc giả. Nghiên cứu cho thấy rằng, nếu quá phụ thuộc vào quảng cáo, thì trong những thời khắc kinh tế khó khăn như hiện nay, khi nền kinh tế thế giới cũng như từng quốc gia đều gặp khó khăn thì doanh nghiệp đương nhiên sẽ thắt hầu bao, như thế báo chí sẽ gặp khó khăn, cho nên phải dựa vào nguồn thu của độc giả.
Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng, các cơ quan báo chí muốn thành công phải áp dụng tối thiểu 3 - 4 mô hình kinh doanh, thay vì chỉ dựa vào quảng cáo. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng, báo chí Việt Nam hiện nay chưa có nhiều cơ quan báo chí năng động để tạo những nguồn thu khác nhau.
Đơn cử như là tổ chức sự kiện được coi là một trong những cách thức tạo nguồn thu khá hiệu quả cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là những cơ quan báo chí có thế mạnh riêng về kinh tế, tài chính hoặc những lĩnh vực đặc thù. Có những cơ quan báo chí trên thế giới nguồn thu từ tổ chức sự kiện chiếm lên đến khoảng 20%.
Nhưng ở nước ta, khá ít cơ quan báo chí dám đi theo con đường này, hoặc việc thu phí độc giả đọc báo điện tử cũng rất ít cơ quan báo chí Việt Nam dám mạnh dạn, liều lĩnh đi theo con đường này. Lý do là người dùng Việt Nam chưa có thói quen thanh toán online, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải hiểu rằng, không thể cung cấp nội dung miễn phí mãi được. Nếu cung cấp miễn phí thì chúng ta sẽ không có nguồn lực để tái đầu tư, để sản xuất những nội dung chất lượng cao hơn. Khi nguồn thu quảng cáo ngày càng giảm thì phải nghĩ cách để tạo nguồn thu, thay vì vẫn cứ chạy theo quảng cáo một cách vô vọng. Như thế sẽ không có nguồn thu để trả nhân viên, thu hút nhân tài và xây dựng những nội dung chất lượng cao hơn.
Do đó, đòi hỏi hiện nay về yếu tố đa dạng hóa nguồn thu là vô cùng quan trọng, các cơ quan báo chí không có cách nào khác là phải tự lực làm điều này. Thay vì ngồi trông chờ sự hỗ trợ của các cơ quan chủ quản, thì định hướng về việc đặt hàng báo chí cũng là yếu tố rất quan trọng. Khi các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị muốn tuyên truyền hiệu quả, muốn truyền thông chính sách của họ thì cần phải đặt hàng báo chí, nó sẽ giúp báo chí có được nguồn thu một cách đàng hoàng và chính thống từ nghiệp vụ của mình.
Phóng viên: Thưa ông, ngày 21/6 năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân dịp này, ông có thông điệp gì muốn gửi gắm tới đội ngũ những người làm báo Việt Nam?
Ông Lê Quốc Minh: Hội Nhà báo Việt Nam đề ra định hướng của nhiệm kỳ này là xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Nhân văn, hiện đại là yếu tố bắt buộc, bởi vì càng ngày báo chí càng đòi hỏi yếu tố hiện đại.
Chuyên nghiệp là một yếu tố không bao giờ thay đổi của báo chí, dù phát triển ở thời kỳ sơ khai hay hiện nay thì vẫn đòi hỏi báo chí sự chuyên nghiệp.
Nhà báo Lê Quốc Minh
Yếu tố nhân văn được chúng tôi nhấn mạnh rất nhiều, bởi trong bối cảnh hiện nay không phải cứ có được thông tin gì là đăng tải một cách bất chấp để đạt được cái mục tiêu. Phải biết chọn lựa nội dung nào thực sự hữu ích cho cuộc sống, cho đất nước, cho dân tộc. Phải biết lựa chọn giữa việc đăng tải một thông tin để có nhiều người xem nhưng không mang lại lợi ích gì cho xã hội, hay là những nội dung chuyên sâu, đầu tư mất công, mất của nhưng ít người truy cập. Những yếu tố nhân văn như thế nó sẽ ảnh hưởng đến quyết định của tòa soạn trong việc xây dựng nội dung của mình.
Chúng ta đang hướng đến 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam - một dấu mốc vô cùng quan trọng. Sắp tới là kỷ niệm 98 năm, rồi một cái bước tập dượt quan trọng là 99 năm, tôi mong muốn những người làm báo trong cả nước tiếp tục đi theo con đường hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Tôi tin rằng nếu hoạt động chuyên nghiệp, hiện đại, mang trong mình tâm thức nhân văn, có trách nhiệm với xã hội thì chúng ta có thể xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giữ vững được bản sắc, thực hiện tốt sứ mệnh của mình và sẽ giành được niềm tin của độc giả trong bối cảnh cạnh tranh hết sức gay gắt.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!