Nhân dịp cho mừng kỷ niệm 113 năm Ngy Quốc tế phụ nữ (8/3/1910–8/3/2023) v 1983 năm khởi nghĩa Hai B Trưng, phng viên Báo Cng lý tr chuyện với b Phạm Thị Thu H, Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Ph Chánh án TAND TP.HCM về cng việc v gia đình của phụ nữ cng tác trong ngnh Ta án.
-Phóng viên: Chào mừng kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910–8/3/2023) và 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, TAND TP.HCM đã có những hoạt động gì?
-Phó Chánh án Phạm Thị Thu Hà: Từ rất nhiều năm qua, tháng 3 đã có những tên gọi vô cùng ấm áp như “Tháng 3 yêu thương” hay “Tháng 3 của những người phụ nữ”, bởi vì kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được diễn ra trong suốt tháng 3 ở khắp các vùng miền trong cả nước, trong từng cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, và từng gia đình...
Đặc biệt, trong gần một thập kỷ qua, tháng 3 còn là tháng diễn ra các lễ hội tôn vinh chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, làm phong phú hoạt động kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ thêm lộng lẫy, rực rỡ sắc màu và nhiều ý nghĩa hơn.
Hòa trong không khí và niềm vui chung của phụ nữ TP.HCM thì TAND TP.HCM cũng có nhiều hoạt động mang tính lễ hội trong khả năng, tạo môi trường vui tươi cho các chị giao lưu, học hỏi, động viên khích lệ các chị có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Công đoàn cơ quan tặng quà cho nữ cán bộ, tổ chức Hội thi nấu ăn với chủ đề “bữa cơm nhà” do các đáng mày râu trổ tài, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đơn vị, nhất là chị em phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ đơn vị cũng hưởng ứng cuộc thi Lễ hội áo dài lần thứ 9 tại TPHCM do Sở Du lịch TP.HCM phát động và đạt giải nhất.
-Phóng viên: Xin bà cho biết, phụ nữ công tác trong hệ thống TAND có những thuận lợi và khó khăn gì?
-Phó Chánh án Phạm Thị Thu Hà: Mỗi một ngành nghề đều có tính chất đặc thù cùng những khó khăn và thuận lợi riêng. Với Tòa án là giải quyết, xét xử các vụ án hình sự và các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. Vì vậy, phụ nữ làm viêc trong hệ thống Tòa án sẽ có điều kiện nắm bắt sâu sắc hơn những vấn đề liên quan đến pháp luật, nhất là việc triển khai thực hiện công tác vì sự phát triển phụ nữ, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình,…
Ngoài những khó khăn áp lực trong công tác xét xử, có những khó khăn, áp lực mang tính đặc thù giới mà phụ nữ trong hệ thống Tòa án luôn phải đối mặt, đơn cử như những áp lực về lòng trắc ẩn, tâm lý của người mẹ, người vợ khi các chị tham gia xét xử những vụ án hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, hành hạ đánh đập trẻ em…
Do vậy, chị em phụ nữ cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh như đặc thù công việc là phải có sự cố gắng, phải trải qua thời gian phấn đấu, học tập bền bỉ, không phải cứ đem các điều khoản của luật pháp ra áp dụng, xử lý là xong mà cần có sự cảm thông, tìm hiểu đánh giá thấu đáo, khách quan từng vụ việc, vụ án,…
Song song đó là yêu cầu nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo công lý, công bằng cũng là một áp lực kép đối với cán bộ nữ phải lo toan nhiều việc gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TAND TP.HCM
-Phóng viên: Bản thân bà vừa là Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TAND TP.HCM và là Đại biểu HĐND TP.HCM, công việc rất nhiều, bà sắp xếp công việc như thế nào để hài hòa giữa cơ quan và gia đình?
-Phó Chánh án Phạm Thị Thu Hà: Ông bà mình dạy: “Một người lo bằng kho người làm” ngụ ý muốn đề cao vai trò quan trọng của người chỉ huy, điều hành công việc; đồng thời ông bà mình cũng dạy rằng “Đông tay thì vỗ nên kêu” ngụ ý muốn nói đến sự đoàn kết, sức mạnh tập thể, chung sức chung lòng sẽ tạo sự thành công.
Theo đó, với tôi dù là công việc ở gia đình hay khi thực hiện chức trách của một thành viên trong ban lãnh đạo TAND TP.HCM thì tôi luôn cố gắng tạo sự đoàn kết, chia sẻ và cùng có trách nhiệm trong công việc.
Tôi rất biết ơn những người thân trong gia đình, các đồng chí lãnh đạo, những đồng nghiệp đã giúp tôi hài hòa, cân bằng được công việc của cơ quan và gia đình, vượt qua những khó khăn, trở ngại để tôi có thể hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.
-Phóng viên: Được biết, bà có 30 năm công tác ở Tòa án, trải qua nhiều vị trí công tác bà có lời khuyên nào với những cán bộ, công chức là nữ, nhất là những người trẻ?
-Phó Chánh án Phạm Thị Thu Hà: Là người trưởng thành từ cơ sở, tôi đã trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, cũng như trải qua các nhiệm vụ về công tác đảng, đoàn thể từ khi công tác tại Tòa án quận, từ trải nghiệm của bản thân, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ với những cán bộ là nữ, nhất là những người trẻ.
Trước hết là chúng ta phải luôn đề cao ý thức bình đẳng giới, tự tin vào khả năng của bản thân để không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện bền bỉ, học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cộng với sự trải nghiệm trong cuộc sống, biết cân đối thời gian giữa công việc và gia đình, luôn mạnh mẽ, vượt qua những khó khăn đời thường và trên hết là lòng yêu ngành yêu nghề, chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ, và tinh thần làm việc với phương châm “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với hệ thống Tòa án hiện nay.
Tuy nhiên, với các đồng nghiệp trẻ thì có chuyên môn giỏi là chưa đủ mà cần biết lắng nghe, biết chia sẻ, có khả năng phân tích, tham gia sinh hoạt các đoàn thể và làm việc nhóm, sẽ giúp từng cá nhân bổ sung mặt mạnh cho nhau.
Đồng thời cũng sẽ chỉ ra được điểm yếu của mỗi người để có cơ hội cải thiện, trau dồi mỗi ngày để không bị tụt lại phía sau. Đó cũng chính là phương thức cộng đồng trách nhiệm, tạo ra sức mạnh tập thể.
Là người vợ, người mẹ, chúng ta cảm nhận niềm hạnh phúc và trách nhiệm cao quý của người phụ nữ trong gia đình, vì người Việt ta thường nói “Người mẹ là thầy giáo đầu tiên của con người” để nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc sinh con và nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc.
-Xin cảm ơn bà!