Chính phủ chỉ đạo phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, không để tình trạng bao che, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ngày 28/4/2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 205/TB-VPCP, thông tin kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I/2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Để đấu tranh hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Trong đó, cần chú trọng triển khai nghiêm túc các văn bản như: Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trong nhóm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 về phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Công điện số 40/CĐ-TTg và Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả và thuốc, thực phẩm chức năng giả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong các lực lượng chức năng, như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế,... Đồng thời, phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, không để tình trạng bao che, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp với tình hình địa bàn để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt chú trọng vào việc ngăn chặn mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, cũng như sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các bộ, ngành liên quan, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để nâng cao năng lực phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng tiếp nhận tin báo từ người dân.
Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các lực lượng thực thi nhiệm vụ cần được đẩy mạnh. Các bộ, ngành phải chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức; kiên quyết không để xảy ra hiện tượng bảo kê, bao che cho hành vi vi phạm. Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ được biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực và lan tỏa gương người tốt, việc tốt.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo xây dựng đề án nâng cao năng lực các lực lượng chuyên trách, đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ khi thực thi nhiệm vụ.
Về tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc cử lãnh đạo nhằm kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 các cấp, trước mắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; còn Ban Chỉ đạo 389 địa phương sẽ được kiện toàn sau khi hoàn thành việc sắp xếp cấp tỉnh. Đồng thời, yêu cầu sửa đổi quyết định, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Văn phòng Thường trực và Ban Chỉ đạo 389 địa phương; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng được giao chủ động hơn trong công tác theo dõi tình hình, phối hợp với các lực lượng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không và môi trường thương mại điện tử, nhất là tại khu vực biên giới, cửa khẩu và các địa bàn trọng điểm trong nội địa. Ngoài ra, cần chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các đại biểu tham dự hội nghị để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đồng thời ký ban hành Báo cáo công tác quý I/2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trước ngày 31/5/2025.