Trong 2 ngy 17 v 18/11, Hội thảo quốc tế về biển Đng lần thứ 6 với chủ đề "Biển Đng: Hợp tác vì an ninh v phát triển ở khu vực" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam v Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đng đã tổ chức tại Đ Nẵng.
Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Các học giả đến từ Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc... trao đổi, thảo luận về 8 vấn đề lớn. Trong đó, trọng tâm là các phiên bàn về nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề biển Đông; tình hình chung ở biển Đông và chính sách của các bên liên quan; quan hệ quốc tế và trật tự ở Biển Đông; Luật Biển quốc tế...
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nói, những năm qua các học giả quốc tế cũng như trong nước đã nghiên cứu, kiến nghị nhiều chính sách giúp người dân hiểu rõ bản chất của tranh chấp, những đúng sai trong các diễn biến trên biển Đông.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh: “Biển Đông tiếp tục là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm. Những xu hướng này sẽ làm cho tình hình Biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang”.
Theo ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, về vấn đề Biển Đông, chỉ có thể được giải quyết dựa trên nhận thức đầy đủ, sâu sắc về các thách thức cũng như cơ hội đặt ra hiện nay và với sự chủ động, nỗ lực tích cực dựa trên tinh thần hợp tác của tất cả các bên liên quan khi đối mặt với những thách thức và cơ hội.
Nhiều học giả cho rằng, sự gia tăng về số lượng và cường độ hoạt động của các lực lượng quân sự và bán quân sự tại Biển Đông dẫn tới tình hình căng thẳng thời gian gần đây. Căng thẳng gần đây tại Biển Đông không chỉ tác động tiêu cực tới việc bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên biển mà còn đe dọa an ninh các tuyến đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Có học giả cảnh báo nghịch lý, trong khi cộng đồng khu vực rất nỗ lực tránh để xảy ra xung đột, một số nước lại đang tạo ra các căng thẳng ở mức độ thấp. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm vì Biển Đông còn thiếu vắng Bộ Quy tắc ứng xử hoặc Điều ước quản lý va chạm, xung đột trên biển có tính ràng buộc pháp lý.
Ông Myint Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar - nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, cho rằng chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực" là rất kịp thời và phù hợp vì duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở biển Đông là mối quan tâm của cả thế giới.
"Trong năm chủ tịch của Myanmar, vấn đề Biển Đông luôn là một ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm của ASEAN trong vấn đề biển Đông", ông Myint Thu nói.
Nhiều học giả đánh giá cao nỗ lực thiết lập đường dây nóng giữa các bên ở Biển Đông; cho rằng việc thiết lập đường dây nóng cần kết hợp với cơ chế thực hiện cụ thể nhằm đưa đường dây nóng vào hoạt động hiệu quả. Một số ý kiến đề xuất xây dựng quy chế sử dụng đường dây nóng, xác định rõ quy trình liên lạc, xử lý thông tin, thiết lập cơ chế "trực đường dây nóng" và các kênh kết nối "đường dây nóng" giữa các lực lượng có mặt trên thực địa...