Chiều muộn, tiếng xe cộ nhộn nhịp hòa trong ánh hoàng hôn. Trên con phố không tên của thành phố Nam Định, một cú va chạm chát chúa như xé toạc không gian, khiến nhiều người giật mình quay lại.
Chiếc xe máy chở ba thanh niên không đội mũ bảo hiểm, bất chấp tín hiệu đèn đỏ, lao thẳng vào người đàn ông lớn tuổi đang đạp xe qua đường. Cú đâm định mệnh ấy đã lấy đi mạng sống của ông Trần Văn Khôi - người bảo vệ vừa tan ca, và đẩy hai thiếu niên 17 tuổi vào vòng lao lý với những giọt nước mắt muộn màng.
Tình bạn học đường và những lần “trốn tiết”
Trần Thành Trung và Nguyễn Đức Luân quen nhau qua những lần cùng ngồi quán net gần trường. Cùng tuổi, cùng sở thích chơi game, lại đều mang trong mình tính cách thích thể hiện, cả hai nhanh chóng trở thành đôi bạn thân. Luân đang học lớp 11, vẫn còn giữ hy vọng về một tấm bằng tốt nghiệp. Trung thì khác. Cậu bỏ học từ năm lớp 11, lang thang qua ngày bằng những giờ dài trong thế giới ảo của quán game. Bố mẹ Trung thường xuyên đi làm ăn xa, để mặc cậu "tự xoay xở với đời".
Trung thường xuyên rủ rê Luân trốn học đi chơi, phần vì ham vui, phần vì thiếu định hướng và sự kiểm soát của bậc phụ huynh. Ngày định mệnh ấy cũng bắt đầu từ một cuộc rủ rê như thế. Trung tự ý lấy chiếc xe Honda Wave Alpha của bố, không mũ bảo hiểm, không xin phép, phóng đến quán net. Sau vài giờ chơi game, chán nản, cậu nhắn tin rủ Luân đi cà phê. Luân đồng ý ngay, rồi rủ thêm Ngô Thái Thành - một người bạn quen qua những trận “leo rank”.
Cả ba gặp nhau tại quán cà phê “Time”, cười nói rôm rả, bàn chuyện game, chuyện đời, rồi quyết định đi uống trà đá. Trung cầm lái, chở Luân ngồi giữa và Thành ngồi sau. Sau chầu trà đá, họ lại rủ nhau quay về quán net để chơi tiếp. Lúc này, Luân bất ngờ đòi cầm lái. Dù biết Luân chưa có bằng lái, Trung vẫn cười hềnh hệch, ném chìa khóa cho bạn. Chỉ một phút ngông cuồng, Trung không hề biết mình vừa giao sinh mệnh của cả ba - và một người xa lạ - cho trò mạo hiểm ngu ngốc ấy.
16 giờ 25 phút, trên đoạn đường đông đúc, chiếc xe máy lao tới ngã tư. Đèn đỏ đã sáng, nhưng Luân không dừng lại. Cậu vẫn vít ga, tốc độ khoảng 40km/h, không đội mũ bảo hiểm. Vừa điều khiển xe, vừa quay xuống trò chuyện với hai người bạn, Luân không hề nhận ra nguy hiểm trước mặt.
Khi phát hiện ông Trần Văn Khôi đang đạp xe sang đường chỉ cách chừng 2-3 mét, Luân hoảng hốt đánh tay lái, nhưng đã quá muộn. Bánh trước xe máy đâm thẳng vào khung xe đạp, đẩy ông Khôi và chiếc xe về phía trước. Ông ngã xuống, đầu đập mạnh xuống mặt đường. Chiếc xe máy tiếp tục trượt hơn mét mới dừng lại.
Những đứa trẻ trước cái chết và tiếng khóc tuổi 17
Cả ba lao khỏi xe, mặt tái mét, tay chân run rẩy. Họ hô hoán, nhờ người dân gọi cấp cứu. Nhưng khi xe cứu thương chưa kịp tới, bản năng trốn chạy đã chiếm lấy lý trí. Trung vội chở Luân rời khỏi hiện trường. Thành lẳng lặng rút lui về quán net. Chỉ vài giờ sau, Luân quay lại, lén tháo biển số xe giấu vào thùng xốp, cố gắng xóa dấu vết vụ tai nạn - một hành động trẻ con, đầy hoảng loạn, không thể xóa đi hậu quả nghiêm trọng vừa gây ra.
Dù được cấp cứu, ông Trần Văn Khôi đã không qua khỏi. Vụ tai nạn khiến hộp sọ vùng chẩm trái của ông bị vỡ nát, dẫn đến tử vong. Gia đình ông lặng lẽ gánh nỗi đau mất mát không thể bù đắp. Một cuộc đời lặng thầm kết thúc bởi sự thiếu suy nghĩ của những đứa trẻ.
Ngay sau vụ việc, Công an thành phố Nam Định vào cuộc. Qua khám nghiệm hiện trường, thu thập lời khai và chứng cứ, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật. Nguyễn Đức Luân bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a, c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Trần Thành Trung bị truy tố về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 264.
Tại phiên tòa, Luân cúi đầu, đôi mắt đỏ hoe khi nghe đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng. Trung đứng lặng bên cạnh, gương mặt non nớt tái mét, không còn chút dáng vẻ bất cần của những ngày lang thang quán net.
Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tính mạng người khác và gây rối trật tự an toàn giao thông. Luân không có giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện không đúng quy định, chở quá số người, vượt đèn đỏ và bỏ chạy khỏi hiện trường sau tai nạn. Trung biết rõ bạn mình không đủ điều kiện nhưng vẫn giao xe, gián tiếp gây nên hậu quả chết người.
Xét các tình tiết giảm nhẹ - các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi, đã bồi thường 100 triệu đồng cho gia đình bị hại và được gia đình nạn nhân xin giảm nhẹ hình phạt, tòa tuyên Nguyễn Đức Luân tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng; Trần Thành Trung 9 tháng cải tạo không giam giữ.
Khi nghe tòa tuyên án, cả hai thiếu niên quỳ xuống, khóc nức nở. Tiếng khóc ấy là tiếng khóc của sự thức tỉnh, của nỗi hối hận muộn màng. 17 tuổi - lứa tuổi đẹp nhất và cũng mong manh nhất. Tuổi 17 của Luân và Trung khép lại bằng một vụ tai nạn chết người, một bản án, và những giấc mơ vỡ vụn.
Từ hành động tưởng như vô hại - không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chưa có bằng lái vẫn điều khiển xe - các em đã đánh đổi cả tương lai và cướp đi mạng sống của một người vô tội. Đó là lời cảnh tỉnh nhức nhối không chỉ với những người trong cuộc, mà còn với toàn xã hội.
Sự ra đi của ông Khôi không chỉ để lại khoảng trống trong một gia đình, mà còn là hồi chuông báo động cho trách nhiệm giáo dục và giám sát của cha mẹ. Tuổi dậy thì là giai đoạn đầy biến động, khi các em dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, mạng xã hội, và thường lẫn lộn giữa cái đúng - sai. Nếu không có người đồng hành, lắng nghe và định hướng, các em dễ dàng trượt dài.
Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, tuổi dậy thì là giai đoạn nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, mạng xã hội và môi trường xung quanh. Đó là lúc con trẻ cần một điểm tựa tinh thần, một người bạn đáng tin cậy trong chính cha mẹ mình. Đừng chỉ dạy con bằng mệnh lệnh, mà hãy thấu hiểu để đồng hành và điều chỉnh cách giáo dục cho phù hợp với từng đứa trẻ.
Việc dễ dãi, thậm chí là “làm ngơ” khi con em điều khiển xe máy dù chưa đủ tuổi không chỉ là sự buông lỏng quản lý, mà còn là hành vi vô tình tiếp tay cho những vi phạm. Từ những lỗi hành chính nhỏ nhặt như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi xe khi chưa có giấy phép… các em có thể dần hình thành tư duy coi thường pháp luật. Và rồi một ngày nào đó, khi tai nạn xảy ra hậu quả sẽ không chỉ là những vết trầy xước ngoài da, mà có thể là một sinh mạng, một bản án hình sự, một thanh xuân dang dở…
Một lần vượt đèn đỏ, một cái gật đầu đồng ý giao xe, một khoảnh khắc thiếu suy nghĩ, tất cả đã đủ để đổi lấy cái giá quá đắt. Bài học từ vụ án này không chỉ là cho Luân và Trung, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, thầy cô và cả xã hội trong hành trình đồng hành cùng thanh thiếu niên.