Theo Bộ Công an, việc quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều căn hộ còn bất cập do chưa có quy định rõ ràng, cụ thể; một số loại hình nhà ngăn phòng cho thuê dạng hộp ngủ gây khó khăn trong việc xác định có thuộc nhà chung cư, nhà trọ hay không.
Đây là một trong những tồn tại được Bộ Công an nêu tại Báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC trong năm 2023.
Khó quản lý PCCC đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều căn hộ
Theo Bộ Công an, thực hiện Công điện số 825/CĐ-TTg ngày /9/2023 của Thủ tướng Chỉnh phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết họp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Về kết quả rà soát, kiểm tra đối với nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp kinh doanh chất hàng nguy hiểm cháy nổ: Theo thống kê, toàn quốc hiện có: 3.956 nhà chung cư; 176.062 nhà trọ; 2.133 nhà ở nhiều căn hộ; 104.260 nhà ở kết hợp kinh doanh chất hàng nguy hiểm cháy nổ; 19.560 cơ sở nhà trẻ, trường mầm non; 1.0 cơ sở trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện; 12.320 cơ sở khám chữa bệnh. Công an các địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan (xây dựng, Công Thương, điện lực, UBND cấp huyện, cấp xã...) hoàn thành việc rà soát, kiểm tra đối với 100% cơ sở thuộc các loại hình trên.
Đối với nhà chung cư: Đã kiểm tra 3.956/3.956 lượt cơ sở. Có 1.7/3.956 nhà đáp ứng yêu cầu về trật tự xây dựng, PCCC, điện lực (chiếm 43,3%); 2.1/3.956 nhà còn tồn tại vi phạm (chiếm 56,7%). Kết quả kiểm tra đã phát hiện được 885 hành vi vi phạm, xử phạt 885 trường hợp, số tiền phạt 1,8 tỷ đồng.
Đối với nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ: Đã kiểm tra 178.195/178.195 lượt cơ sở. Có 76.476/178.195 nhà đáp ứng yêu cầu về trật tự xây dựng, PCCC, điện lực (chiếm 42,9%); 101.719/178.195 nhà còn tồn tại vi phạm (chiếm 57,1%). Kết quả kiểm tra đã phát hiện được 8.799 hành vi vi phạm, xử phạt 8.799 trường hợp, số tiền phạt hơn 17,8 tỷ đồng.
Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao: Đã kiểm tra 104.260/104.260 lượt. Có 33.377/104.260 nhà đáp ứng yêu cầu về trật tự xây dựng, PCCC, điện lực (chiếm 32%); 70.883/104.260 nhà còn tồn tại vi phạm (chiếm 78%). Kết quả kiểm tra đã phát hiện được 1.467 hành vi vi phạm, xử phạt 1.067 trường hợp, số tiền phạt 1,6 tỷ đồng.
Đánh giá về những tồn tại này, theo Bộ Công an việc quản lý nhà nước về PCCC đối với loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều căn hộ còn bất cập do chưa có quy định rõ ràng, cụ thể; ngoài ra phát sinh thêm một số loại hình nhà ngăn phòng cho thuê dạng hộp ngủ (thường gọi là Sleep Box, trên mặt bằng mỗi tầng được ngăn thành nhiều hộp ngủ diện tích nhỏ hẹp từ 3-5m2 bằng vật liệu dễ cháy; hành lang chật hẹp, không đảm bảo lối thoát nạn; không đảm bảo ngăn cháy, chống cháy lan; bố trí xe gắn máy, xe điện tại tầng hầm hoặc trệt lấn chiếm lối đi, cản trở thoát nạn; không trang bị đầy đủ hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện PCCC...) gặp khó khăn do chưa đủ cơ sở đế xác định có thuộc nhà chung cư, nhà trọ hay không.
Cũng theo Bộ này, nhiều nhà tập thể, nhà chung cư hoạt đông trước Luật Xây dựng năm 2014 không có quy định bắt buộc phải thành lập ban quản trị; nhà chung cư thuộc diện phải thành lập Ban quản trị nhưng không thành lập được; nhiều căn hộ, nhà trọ, chủ nhà không ở tại địa phương dẫn đến không có tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện và duy trì công tác PCCC tại cơ sở dẫn đến mất an toàn PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Tình hình cháy, nổ mặc dù đã được kiềm giảm nhưng cháy, nổ tại hộ gia đình, nhà để ở kết họp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người. Các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Một bộ phận không nhỏ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy, còn chủ quan, coi nhẹ công tác này. Sau mỗi vụ cháy ai cũng tỏ ra thương xót, đau xót nhưng sự chuyển động về nhận thức và hành động trong thực thi pháp luật về PCCC để chủ động rà soát, khắc phúc ngay những tồn tại của cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở mình, hộ gia đình... còn chậm, chưa được thực hiện thưòng xuyên, liên tục.
Tại nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý của nhà nước; một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về PCCC, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng.
Chưa nhận thức được tầm quan trọng của an toàn PCCC
Nói về nguyên nhân, Bộ Công an chỉ ra, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế, đồng thời cũng thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu; chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.
Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dụng, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết họp sản xuất kinh doanh... Các loại hình “biến tướng” này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân.
Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đổi với công tác PCCC chưa cao, chưa nhận thức được tầm quan trọng của an toàn PCCC; còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt là thiết bị điện trong sinh hoạt; cá biệt có những trường hợp cố ý vi phạm gây mất an toàn về PCCC.
Về công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, theo Bộ Công an, mặc dù Bộ đã chủ động tập trung chỉ đạo, đôn đốc hưởng dẫn triển khai thực hiện, tuy nhiên UBND các cấp chưa hoàn thành 100% nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, Công tác rà soát, lập danh sách các tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng và người được tập huấn kiến thức nghiệp vụ PCCC tại 63 địa phương chưa đầy đủ, chưa bảo đảm 100% đối tượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ, Bộ Công an; chưa bảo đảm 100% nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ tham gia tổ liên gia, mô hình điểm chữa cháy công cộng; chưa bố trí đẩy đủ các phương tiện chữa cháy, CNCH theo hướng dẫn....
Cũng theo Bộ Công an, trong năm 2023, đã xảy ra 59 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người (chủ yếu xảy ra tại nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh); điển hình là vụ cháy nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini) xảy ra vào ngày 12/9/2023 tại số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) làm chết nhiều người gây dư luận quan tâm, lo ngại.