Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng và lợi thế của mình, chung tay hỗ trợ chủ rừng.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Theo văn bản, ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp với hơn 117.000 ha rừng bị đổ gẫy, gây hệ lụy lớn không chỉ về kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tác động sâu sắc đến đời sống, sinh kế của nhiều đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất kinh doanh bằng nghề rừng, đặc biệt là doanh nghiệp trồng rừng và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Để khẩn trương, kịp thời khắc phục hậu quả của bão số 3 gây ra và giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất kinh doanh bằng nghề rừng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng và lợi thế của mình chung tay hỗ trợ chủ rừng.
Chủ động ra quân tổ chức hỗ trợ khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp; tăng cường các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ rừng khắc phục hậu quả thiệt hại về lĩnh vực lâm nghiệp; tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng hỗ trợ thu dọn vệ sinh rừng, tận dụng, tận thu lâm sản.
Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức phát động chiến dịch cao điểm 30 ngày đêm ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, lưu thông tuyến đường vận xuất, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại, quyết tâm hoàn thành công việc trước ngày 31/10/20; tạo điều kiện thuận lợi (kho bãi, điện…) cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lâm sản hoạt động tối đa công xuất.
Các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua, chế biến dăm gỗ huy động tối đa nguồn lực khắc phục thiệt hại cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, đảm bảo hoạt động tối đa công suất chế biến, xuất khẩu lâm sản. Thống nhất với chủ rừng các nội dung thu mua, vận chuyển, đảm bảo thực hiện thu mua sản phẩm với thời gian nhanh nhất có thể.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chuyển văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đến các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua, chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh và tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện.