Chiều 25/3, Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo cng tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC v Kiểm toán Nh nước.
Nhiệm kỳ đặc biệt
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đánh giá: Các báo cáo đã được các cơ quan đơn vị chuẩn bị khoa học, kỹ lưỡng trên các phương diện. Với những gì mà Quốc hội làm được thời gian qua có thể khẳng định nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV thành công trên nhiều lĩnh vực. Kết quả đó cũng đã được cử tri, nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận.
Các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết mà Quốc hội thông qua mang tính đột phá, kịp thời. Các đại biểu và cơ quan của Quốc hội cũng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng luật; lựa chọn giám sát vấn đề mà người dân quan tâm.
Những chính sách quan trọng và hoạt động đối ngoại đều được Quốc hội triển khai hiệu quả. Trong báo cáo cũng đã khẳng được vai trò của UBTVQH, đoàn ĐBQH… Đây là sự ghi nhận của Quốc hội đối với các đoàn ĐBQH nhiệm kỳ qua, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Đặng Dũng- Đoàn Kiên Giang cũng cho biết, ông đồng tình với các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ và các ngành đã trình ra kỳ họp.
Đặc biệt, ông vô cùng tâm đắc với báo cáo tổng kết của Chủ tịch nước, đã khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Đây cũng là một nhiệm kỳ đặc biệt khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, đảm nhận chức vụ giữa nhiệm kỳ, trong bối cảnh đất nước và thế giới rất nhiều biến động.
“Nói như hình ảnh của Thủ tướng vừa qua, đất nước như một con tàu "vượt qua hải trình dồn dập bão tố". Hình ảnh ấy rất sống động, một dân tộc vượt qua sóng bão, ghềnh thác rất bản lĩnh. Niềm tin của cử tri và uy tín quốc tế được nâng lên", đại biểu Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến báo cáo chung của Quốc hội, và một số cơ quan, đại biểu cho rằng chúng ta đã góp phần vào sự đổi mới của Quốc hội. Nhưng điều trăn trở là vẫn còn có những việc khó, vướng, “treo” mãi ở Quốc hội lâu vậy xử lý như ra sao?
Đã 3 nhiệm kỳ Quốc hội nhưng đến bây giờ trước mỗi kỳ họp tài liệu phục vụ cho đại đại biểu thường chuyển đến vào ngày cuối cùng, rất khó khăn để các đại biểu cho ý kiến thảo luận, nhất là các dự án luật.
ĐB Phan Viết Lượng, Đoàn Bình Phước cũng cho rằng, Quốc hội khóa XIV, đã hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của mình và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Quốc hội đã thực hiện ngày càng tốt hơn yêu cầu về công khai minh bạch và tính phản biện. Trong ngắn hạn, dài hạn và trong vĩ mô, vi mô, Quốc hội đều chú trọng theo hình thức như vậy, Quốc hội đã có những bước đột phá tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Theo đại biểu, trong nhiệm kỳ 5 năm qua các cơ quan Quốc hội, Chính phủ Tòa án… đều có nỗ lực phấn đấu để hoàn thành chức trách của mình. Kết quả đó rất đáng ghi nhận, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
Trong hoạt động tư pháp có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực thực thi và tuân thủ pháp luật. Quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền độc lập trong lúc khó khăn.
Hoạt động phòng chống tham nhũng của các cơ quan tốt hơn, công khai minh bạch và tính phản biện cao hơn, công tâm, trách nhiệm hơn. Đặc biệt, hoạt động của các cơ quan gần dân hơn; bằng chứng là lượng đơn thư mà các cơ quan đã giải quyết đạt 98%, nhiều vụ việc đi đến cùng, được các cơ quan giải quyết, tôn trọng nhân dân…
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn vì một số việc chưa làm được, như một số dự án luật phải lùi lại chưa thực hiện được. Một số luật được thông qua nhưng vẫn chưa có quy định xử lý những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Trong hoạt động tư pháp nói chung một số vụ việc chưa đạt yêu cầu. Công tác phối hợp để ngăn chặn những bị can bỏ trốn chưa khắc phục được, nên nhiều vụ án nghiêm trọng đến nay chưa đưa ra xét xử.
Hoạt động của Quốc hội tạo nên “xung lực mới”
Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng đánh giá, hoạt động của Quốc hội đã tạo nên “xung lực mới”, tạo ra áp ực cho các cơ quan thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thắng lợi của Chính phủ, Toà án, Kiểm sát, Kiểm toán, hoạt động của Chủ tịch nước đều có bóng dáng, công lao, sự cố gắng của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội mang tính sâu đậm, lan toả trong lòng cử tri, nhân dân cả nước; giúp Đảng, Chính phủ, các cơ quan đánh giá lại chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo trong các hoạt động của nhà nước.
“Sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, với các cơ quan khác không phải xuôi chèo, mát mái. Quốc hội không xuê xoa mà tạo láp lực cần thiệt, đủ độ để Chính phủ điều chỉnh lại toàn bộ các hoạt động của mình. Trước đây, Chính phủ là cơ quan chấp hành, điều hành, cơ quan hàn chính thì bây giờ Chính phủ xây dựng triết lý hành động là sáng tạo, phục vụ”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm, cử tri còn băn khoăn khi có một số vấn đề từ nhiệm kỳ trước chuyển cho Quốc hội khoá XIV chưa làm được như Luật Biểu tình, Luật về Hội…Một số lĩnh vực chưa được quan tâm giám sát, thời lượng chất vấn chưa nhiều, giải trình của các cá nhân chưa cao, vẫn còn hình thức.
Bên cạnh đó, giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và cá nhân đại biểu chưa cao, nhất là đại biểu ngại đụng chạm đến các vấn đề của địa phương. Vì vậy cần phải làm thế nào để giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu trong nhiệm kỳ tới, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn Hà Nội khẳng định, Quốc hội khoá XIV có nhiều đổi mới, những vấn đề quan trọng của đời sống, sự bức xúc của cử tri đã trở thành “sức nóng” trong nghị trường. Những vấn đề cử tri quan tâm đã trở thành trăn trở của đại biểu Quốc hội. Nhiều vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị đã được trao đổi, thảo luận để cùng nhau giải quyết.
Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội khoá XV cần quan tâm, đầu tư hơn nữa về con người, nguồn lực cho việc xây dựng chính sách pháp luật. Bởi xây dựng luật đòi hỏi rất cao về năng lực dự liệu, dự báo tình hình. Nếu đạo luật tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc.