Ngày 26/10, TANDTC tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm Quy chế tạm thời đánh giá công chức, viên chức, người lao động trong TAND. Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC, chủ trì Hội nghị.
Cùng dự có Thẩm phán TANDTC Đào Thị Minh Thủy, thành viên Tổ nghiên cứu; các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; đồng chí Nguyễn Tường Linh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ TANDTC; lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC; lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM cùng lãnh đạo một số TAND cấp tỉnh thực hiện thí điểm tại các điểm cầu thành phần.
Không làm tốt việc đánh giá cán bộ sẽ dẫn đến tình trạng “cào bằng”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC, nhấn mạnh, việc đánh giá cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là tiền đề để thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá cán bộ là để sử dụng đúng người, đúng việc và xác định được định hướng phát triển của cán bộ.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho rằng, làm tốt việc đánh giá cán bộ sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Không làm tốt công tác này sẽ dẫn đến tình trạng “cào bằng” năng lực cán bộ; làm giảm lòng tin, ảnh hưởng đến đoàn kết trong cơ quan, đơn vị; giảm chất lượng, hiệu quả công tác. Đây cũng là phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn từ sớm, từ xa các sai phạm của cán bộ trong công tác.
Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, đối với các TAND, hiện nay đang áp dụng Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức, người lao động (gọi tắt là Quy chế tạm thời) trong TAND ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-TANDTC ngày 02/01/2019 của Chánh án TANDTC.
Tuy nhiên, các tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ tại quy chế này còn chung chung, thiếu định lượng, chưa là “thước đo”, là công cụ “đong đếm” chính xác những nội dung cần được lượng hóa liên quan đến phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực công tác..., dẫn đến việc đánh giá cán bộ trên thực tế còn mang tính hình thức, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chung.
Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ cho biết, để công tác đánh giá cán bộ đi vào thực chất và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác, khắc phục những hạn chế của Quy chế số 01/QĐTANDTC, TANDTC đã xây dựng Quy chế tạm thời về đánh giá, xếp loại chất lượng đối với công chức, viên chức và người lao động trong TAND và triển khai thí điểm tại 16 Tòa án, đơn vị từ ngày 01/6/2022.
Sau 04 tháng thực hiện thí điểm, kết quả cho thấy, việc đánh giá cán bộ, công chức tại các đơn vị thí điểm đã có những tín hiệu tích cực, được các đơn vị hưởng ứng và đánh giá cao về cách thức đánh giá cán bộ trên cơ sở thang điểm quy định tại Quy chế tạm thời.
Trên cơ sở kết quả này, lãnh đạo TANDTC quyết định tiếp tục thực hiện Quy chế tạm thời tại 16 đơn vị đang thí điểm. Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện Quy chế, bảng chấm điểm, việc tin học hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí chấm điểm và các bước quy trình thực hiện công tác chấm điểm, đánh giá, xếp loại theo Quy chế tạm thời đã được khẩn trương xây dựng và đưa vào áp dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; sẵn sàng làm tiền đề để tích hợp với phần mềm hệ thống quản lý cán bộ, công chức của TANDTC; phục vụ việc xây dựng kho dữ liệu về công tác cán bộ của hệ thống TAND.
Góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật công vụ
Theo báo cáo tổng kết tại Hội nghị, 16 Tòa án, đơn vị trong hệ thống TAND được lựa chọn đã triển khai thí điểm từ ngày 01/6/2022 đến ngày 30/9/2023. Sau gần tháng thực hiện cho thấy, quá trình triển khai thí điểm Quy chế tạm thời, việc chấm điểm, xếp loại chất lượng hằng tháng đối với công chức, viên chức và người lao động tại 16 Tòa án, đơn vị thí điểm đã dần đi vào nề nếp, đúng quy định.
Công chức, người lao động đã làm quen và nghiên cứu nghiêm túc thực hiện việc tự chấm điểm. Lãnh đạo các Tòa án, đơn vị xét duyệt, thông qua phiếu tự chấm điểm của công chức, người lao động đúng quy trình, khách quan, minh bạch.
Tại các đơn vị thí điểm, đa số trường hợp cá nhân tự chấm điểm trùng với điểm lãnh đạo trực tiếp chấm. Còn lại, số trường hợp cá nhân tự chấm điểm cao hơn điểm lãnh đạo trực tiếp chấm tỷ lệ trung bình khoảng 4,53%, số trường hợp cá nhân tự chấm điểm thấp hơn điểm lãnh đạo trực tiếp chấm chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 5,35%. Kết quả chấm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng được công khai trong toàn đơn vị; không có trường hợp nào khiếu nại.
Đối với việc áp dụng phần mềm vào công tác đánh giá, xếp loại, sau khi được TANDTC tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm đánh giá, nhìn chung các đơn vị thí điểm đã triển khai thực hiện ngay việc tạo tài khoản cho công chức, người lao động theo số định danh cá nhân (CCCD/CMT) và tổ chức thực hiện chấm điểm, xếp loại theo Quy chế tạm thời trên phần mềm.
Tuy nhiên, thời gian đầu khi triển khai phần mềm, vẫn còn có đơn vị chưa tạo đầy đủ tài khoản người dùng cho công chức, người lao động; còn lúng túng khi thực hành thao tác phần mềm. Do đó có tình trạng kết quả chấm điểm trên phần mềm chưa được phản ánh kịp thời từng tháng so với chấm điểm thủ công. Sau khi được TANDTC hỗ trợ thì các vướng mắc của đơn vị đã được khắc phục.
Theo đánh giá, Quy chế tạm thời đã đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ theo hướng chuyển từ “định tính” sang “định lượng” các tiêu chí đánh giá cán bộ; góp phần kiểm soát được tiến độ thực hiện kế hoạch công tác của từng công chức và của lãnh đạo đơn vị; góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật công vụ; tác động tích cực, nâng cao hiệu quả công tác tại đơn vị thí điểm.
Bên cạnh những ưu điểm quá trình thực hiện cũng bộc lộ những khó khăn vướng mắc như, hiện nay khối lượng công việc của Tòa án đều gia tăng và ngày càng phức tạp, biên chế giảm, mỗi công chức phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau, nên công tác tổng hợp, xếp loại hằng tháng đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động công tác chuyên môn; việc chấm điểm cho Thẩm phán quy định điểm đạt trong tháng căn cứ trên số lượng vụ án giải quyết khó thực hiện, bởi lẽ có tháng giải quyết nhiều, có tháng ít, liên quan đến thời gian thụ lý, thời gian giải quyết theo tố tụng…
Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nghiên cứu, thảo luận và tham gia góp ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả tổng kết thực hiện Quy chế tạm thời trong TAND; tham luận về thực tiễn triển khai Quy chế tạm thời, những kinh nghiệm và vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại đơn vị.
Kết luận hội nghị, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cảm ơn những ý kiến đóng góp của tất cả các đơn vị, đồng thời yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu thật nhanh, đầy đủ vào báo cáo.
Trên cơ sở những ý kiến còn cho rằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cũng như những điểm chưa rõ trong việc thực hiện Quy chế tạm thời, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ đề nghị Tổ biên tập có những điểu chỉnh, hướng dẫn chi tiết, cụ thể và hoàn thiện báo cáo để trình đồng chí Chánh án TANDTC có quyết định chính thức việc thực hiện Quy chế tạm thời trong toàn quốc cho phù hợp.