Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát đi cảnh báo về tình trạng lạm dụng “bóng cười” tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí gây hệ lụy rất lớn về sức khỏe, tinh thần.
Tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã quyết liệt triển khai các biện pháp để đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh, mua bán, sử dụng trái phép thuốc lá điện tử, ‘bóng cười’, đặc biệt là tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, “bóng cười” tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí.
Để góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân, nhất là đối với thanh thiếu niên, cơ quan công an đề nghị nhân dân, các cơ quan, tổ chức, học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức, hiểu rõ về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, “bóng cười” để tự bảo vệ sức khỏe.
Đồng thời tích cực phối hợp với lực lượng Công an để phát hiện, tố giác các cơ sở, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc lá điện tử, “bóng cười” trái phép trên địa bàn.
Theo thống kê của cơ quan quản lý, tình trạng nhiều người, nhất là các bạn trẻ đua đòi, thích thể hiện, tò mò thử trải nghiệm sử dụng “bóng cười” trong các cuộc vui. Không hiếm trường hợp đã phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bóng cười là quả bóng được bơm đầy khí N2O - một loại hóa chất không màu, có vị hơi ngọt được sử dụng trong y tế với đặc tính giảm đau và gây mê và được sử dụng thương mại trong ngành công nghiệp ăn uống để sản xuất kem tạo bọt.
Thực tế cho thấy, bóng cười gây nhiều hệ lụy cho giới trẻ, như giảm tầm nhìn, giảm thính giác, dùng thời gian dài có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường cho hệ thần kinh, hệ tim mạch thậm chí là gây tử vong.
Khi lạm dụng “bóng cười”, những người nhập viện ngộ độc khí N2O đều có tổn thương rất nặng nề tại hệ thống thần kinh. Biểu hiện cụ thể là rối loạn cảm giác, tê bì, mất cảm giác và đặc biệt là liệt tất cả các cơ. Đa phần các trường hợp không thể đi lại được, không thể đứng được.
Thậm chí có trường hợp ảnh hưởng đến nguy cơ chức năng thở, có nghĩa là các cơ hô hấp cũng bị liệt, ăn uống khó khăn, liên tục bị sặc. Chụp từ đốt sống cổ, chụp não cho thấy tổn thương rất nặng nề với tủy sống cổ và với não. Cũng có những bệnh nhân rối loạn tâm thần, phải dùng thuốc giải độc nhiều ngày và quá trình hồi phục rất khó khăn.
Theo các chuyên gia y tế, khi sử dụng bóng cười, khí cười tạo ra sự hưng phấn ảo, sử dụng nhiều có thể gây nghiện, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh. Tùy cơ địa, bóng cười khiến người dùng lờ đờ, ngơ ngơ, đi đứng loạng choạng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim, thiếu máu.
Khi đó, dây thần kinh ngoại biên cũng như dây thần kinh thực vật giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi…Đáng sợ là khí N2O cũng có thể gây ảo giác, có dấu hiệu tượng tự như ma túy tổng hợp và cũng gây nghiện.
Bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự
Về góc độ pháp luật, từ năm 2025, 'bóng cười', shisha và thuốc lá điện tử được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Theo đó, người sử dụng, buôn bán các loại mặt hàng này sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173/20/QH, theo đó, kể từ ngày 1/1/2025, chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, shisha và “bóng cười”.
Cụ thể, thống nhất quyết định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí và chất gây nghiện, những sản phẩm có tác hại đến sức khỏe con người, bắt đầu từ năm 2025. Mục tiêu của quyết định này là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội. Chính phủ sẽ tổ chức triển khai các biện pháp cụ thể để thực hiện.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên, về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí và chất gây nghiện, từ đó giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe cộng đồng.
Theo quy định hiện hành, những người sử dụng bóng cười trong các trường hợp sau, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Xử phạt hành chính, nếu “bóng cười” có chứa chất ma túy, người sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 23, Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, người sử dụng chất ma túy trái phép có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Xử lý hình sự, nếu người sử dụng “bóng cười” có hành vi liên quan đến sản xuất, buôn bán, tàng trữ, hoặc vận chuyển bóng cười (hoặc các chất cấm khác), thì tùy theo mức độ vi phạm, họ có thể bị xử lý hình sự theo các quy định hiện hành.
Tương tự, thuốc lá điện tử cũng được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Do đó, người thực hiện hành vi buôn bán thuốc lá điện tử (thuộc danh mục hàng cấm) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy thuộc vào giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm.
Về xử lý hình sự, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 3 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến năm, tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân (doanh nghiệp hoặc tổ chức), nếu phạm tội, sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm. Các tổ chức có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng của người dân, an ninh trật tự, môi trường, hoặc không có khả năng khắc phục hậu quả.