Nghị quyết 27 xác định tiền lương là thu nhập chính, giá trị của sức lao động được đo bằng tiền lương.
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 20 của Quốc hội, từ ngày 1/7/20 sẽ tiến hành cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Nhiều ý kiến cho rằng, cải cách tiền lương không chỉ đơn thuần là việc tăng lương cho người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà là thay đổi cách tính lương cho người lao động.
Theo đó, lương sẽ được tính theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao, khắc phục được những điểm lạc hậu, hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương hiện hành. Khi cải cách tiền lương cũng sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Do đó, cách tính lương mới sẽ có sự công bằng, hợp lý hơn khi cùng một vị trí việc làm sẽ được hưởng mức lương như nhau; tách tiền công của bộ phận làm công việc phục vụ (lái xe, nhân viên phụ trách điện nước, lao công, tạp vụ...) ra khỏi thang bảng lương của hệ thống công chức, viên chức.
Nghị quyết 27 gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...).
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thừa Thiên - Huế cho rằng, muốn đảm bảo chính sách cải cách tiền lương một cách công bằng, minh bạch, chính đáng ở tất cả mọi miền đất nước trong khu vực công thì cần phải phân tích các nhóm đối tượng. Cùng với đó, cần tính toán thêm vùng sâu, vùng xa… hỗ trợ từ ngân sách nhà nước một cách hài hòa, tạo động lực để các địa phương có đủ sức tự cân bằng ngân sách, thu đủ chi, tạo ra một sự phát triển toàn diện, giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước để ngân sách Nhà nước sử dụng vào những vấn đề vĩ mô.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu bày tỏ kỳ vọng, từ ngày 1/7/20 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được hưởng lương trong khu vực công sẽ thấy hài lòng với chính sách cải cách tiền lương lần này.
“Sau khi chính sách cải cách tiền lương đi vào thực hiện, cần phải thực tiễn hóa một cách đồng bộ trên khắp mọi cơ quan trong khu vực công. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và giám sát để chính sách thực sự đi vào cuộc sống”, nữ đại biểu nói.
Đánh giá về cải cách tiền lương lần này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, tinh thần Nghị quyết 27 xác định tiền lương là thu nhập chính, giá trị của sức lao động được đo bằng tiền lương. Theo đó, xác định rất rõ về cơ cấu tiền lương mới.
Cũng theo ông Dĩnh, những điểm bất hợp lý trong cơ cấu tiền lương trước đây đó là trong cơ cấu lương có nhiều loại phụ cấp: “Trước đây lương thấp nhưng phụ cấp cao, có khi phụ cấp chiếm đến 70-80% thu nhập, phụ cấp cao hơn lương rất nhiều. Bởi, khi thấy lương thấp thì thêm các loại phụ cấp vào. Phụ cấp không phản ánh đúng sức lao động mà phải là lương. Lương phải chiếm 70%, phụ cấp không quá 30%".
Theo ông Dĩnh, phụ cấp thâm niên hay những cái khác sẽ được tính toán để thiết kế lương theo vị trí việc làm, chức vụ lãnh đạo quản lý, quan điểm của Nghị quyết 27 đó là tiền lương mới không thấp hơn lương hiện hành.
Cùng với đó, khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu), ông Dĩnh cho rằng, việc này sẽ hóa giải được câu chuyện phụ cấp cao hơn lương và chuyện “sống lâu lên lão làng”, tiền lương sẽ được thiết kế theo vị trí việc làm.
Cơ cấu tiền lương mới sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).