Ký sự pháp đình

Tâm sự buồn của thợ cắt tóc “đội lốt" chuyên gia tài chính

An Dương 22/02/2025 - 10:14

Đang là thợ cắt tóc, Nguyễn Minh Thế lại muốn làm giàu nên sang Campuchia làm cho một công ty do người Trung Quốc làm chủ. Thế bị biến thành “chuyên gia tài chính", lừa đảo các nạn nhân. Khi nhận thức được tội lỗi, Thế quay về Việt Nam đầu thú để có cơ hội làm lại cuộc đời.

Những gì Nguyễn Minh Thế (SN 1995) trải qua là những lời cảnh tỉnh nóng hổi cho nhiều người trong bối cảnh lừa đảo trên mạng xã hội đang tràn lan “như nấm sau mưa”.

Trước bục khai báo TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, Thế ngậm ngùi khai nhận: Cuối năm 2021, bị cáo xuất cảnh, đến khu vực giáp biên giới Việt Nam – Campuchia, đoạn gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh làm việc cho một công ty do người Trung Quốc làm chủ.

Thế được giao nhiệm vụ thực hiện theo kịch bản đã soạn thảo sẵn, chủ yếu online trên mạng xã hội.

Bị cáo nhớ lại: Công ty gồm nhiều bộ phận như tìm kiếm khách hàng. Nhân viên tìm những người sử dụng Facebook trong các nhóm hẹn hò; Bộ phận chăm sóc khách hàng là những người tư vấn, đưa ra các yêu cầu nộp tiền, xử lý việc tham gia đầu tư trên trang Web và bộ phận kế toán thực hiện việc nhận và trả tiền đầu tư.

xahoi-cdn.congly.vn-news-2022-09-20-_tcc-1.jpg
HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM công bố bản án (Ảnh minh họa)

Thế được Công ty trả lương 800 USD/tháng, còn hưởng thêm 8% số tiền mà bị cáo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt được. Thế sử dụng nick name “Quốc Bảo Nguyễn” do Công ty cung cấp để nhắn tin lôi kéo, giới thiệu cho bà Nguyễn Thị Liên (ngụ Bình Phước) tham gia đầu tư dự án “Sân Bay Long Thành Đồng Nai” thông qua trang Web “Web.techc.top” và cam kết sẽ được lợi nhuận từ 3 -13% tùy gói đầu tư. Bà Liên tin theo nên truy cập trang Web đăng ký tài khoản để tham gia đầu tư.

Bà Liên nhớ lại: “Tôi thường sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để vào các hội, nhóm trên Facebook kết bạn làm quen. Tại đây, có tài khoản “Quốc Bảo Nguyễn” kết bạn làm quen với tôi. Sau khi kết bạn, đối tượng này thường xuyên nhắn tin, trò chuyện để tạo lòng tin. Sau này tôi mới biết đối tượng là Thế”.

Lúc đó Thế giới thiệu là nhân viên Công ty ACV, tư vấn về việc công ty đang mở các gói đấu thầu dự án Sân bay Long Thành và mời bà Liên tham gia đầu tư thông qua website wed.techc.top với cam kết lợi nhuận từ 3-13%.

“Thế gửi đường link và nói tôi tải ứng dụng (app) “Sân bay Long Thành” về đăng ký tài khoản và thử đầu tư vào các dự án trên app. Khi Thế tạo tài khoản trên app cho tôi, tôi vào xem thì thấy nội dung trong app có hình ảnh về các dự án Sân bay Long Thành. Tôi tìm hiểu trên mạng thì thấy đúng như vậy nên đã tin tưởng và chuyển khoản tiền đầu tư trên tài khoản app mà Thế tạo cho”.

Lúc đầu bà Liên nạp 50 triệu đồng vào tài khoản trên app để đầu tư thử với lợi nhuận 0,3%. Hệ thống báo bà đã đầu tư thành công và chuyển tiền lãi cùng tiền gốc vào tài khoản ngân hàng do bà đăng ký.

Thấy đầu tư vào dự án có lời và nhiều lần được chuyển khoản đầy đủ cả gốc lẫn lãi nên bà tin tưởng, tiếp tục nộp tiền. Từ ngày 30/3/2023 đến ngày /4/2023, bà Liên chuyển khoản vào các tài khoản do trang Web và Thế cung cấp 18 lần, tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.

Cho đến thời điểm bà Liên muốn rút tiền về, hệ thống app gửi thông báo yêu cầu cung cấp số căn cước công dân, sau đó lại báo lỗi nhập sai, yêu cầu lập tài khoản mới, đóng thuế… thì mới cho rút tiền. Bà Liên tá hỏa khi bị Thế chặn Facebook, cay đắng nhận ra mình sập bẫy lừa nên tố giác đến Công an tỉnh Bình Phước.

Nhận thức được hành vi của mình là phạm pháp, ngày 9/7/2023, Nguyễn Minh Thế đến Công an tỉnh Bình Phước đầu thú rồi khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Phước phạt bị cáo 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thế kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước bục khai báo phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Minh Thế khai lại chuỗi ngày sai lầm khi làm việc cho công ty lừa đảo. Trong thời gian đó, bị cáo biết là mình đi làm việc lừa đảo, nhưng nếu không làm, không đem thu nhập về cho công ty, bị cáo sẽ bị đánh đập, chích điện, bỏ đói... nguy hiểm đến tính mạng.

“Khi bị cáo biết bà Liên chuyển rất nhiều tiền cho Công ty, bị cáo có dùng rất nhiều cách để thông báo cho người nhà của bà Liên đừng chuyển tiền nữa. Lúc đó bị hại còn chưa biết mình bị lừa” – Thế ngậm ngùi khai nhận tại tòa.

Theo vị luật sư bào chữa cho Thế, gia đình bị cáo có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng do “con dại cái mang” đã cố gắng hết sức, bồi thường cho bị hại số tiền 100 triệu và thỏa thuận mỗi tháng sẽ cố gắng khắc phục cho bị hại số tiền 5 triệu đồng. Do đó, vị luật sư đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận kháng cáo, giảm cho Thế một phần hình phạt.

Lời nói sau cùng, Thế tỏ ra thành khẩn: Bị cáo nhận thức được lỗi lầm của mình, bị cáo xin lỗi bị hại và mong sớm được trở về, làm người có ích cho xã hội.

Vị Thẩm phán chủ tọa phân tích để Thế có nhận thức đúng đắn về pháp luật: Bị cáo là người trưởng thành và biết rõ việc lên mạng xã hội, dùng các thủ đoạn kết bạn làm quen, đưa ra thông tin để tạo lòng tin, dẫn dụ người khác tham gia các chương trình không có thật. Đó là hành vi gian dối, trái pháp luật, bị cáo biết nhưng vẫn cố tình thực hiện, rất nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng xấu trật tự trị an.

Tuy nhiên, bị cáo ra đầu thú và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tác động gia đình bồi thường thiệt hại. Người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên HĐXX tuyên chấp nhận kháng cao, phạt Thế 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Có thể thấy qua phiên tòa, kịch bản chung của đối tượng lừa đảo là “vẽ” ra cách kiếm tiền online trên các ứng dụng, sau đó dẫn dụ bị hại chuyển tiền để đầu tư. Khi bị hại nộp tiền ít, các đối tượng này sẽ trả gốc và lãi đầy đủ. Cứ như vậy các bị hại ngày càng mất cảnh giác và lún sâu. Do đó, khi tham gia mạng xã hội, phát hiện các đối tượng có thủ đoạn nêu trên, mọi người cần tỉnh táo, cảnh giác, kịp thời báo cơ quan công an để góp phần đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

(Tên bị hại đã được thay đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm sự buồn của thợ cắt tc “đội lốt" chuyên gia ti chính