TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh không ngừng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai,…
Chất lượng xét xử các vụ án dân sự được nâng cao
Thẩm phán Tạ Duy Ước - Chánh tòa Dân sự - TAND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, các vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai tăng mạnh về số lượng trên toàn tỉnh Quảng Ninh.
Đáng nói, những vụ án trên đa phần rất phức tạp, có thể kể đến một số đặc điểm thường thấy là: Một vụ án thường liên quan đến nhiều đương sự, các đương sự thường không hợp tác, chấp hành quy định của pháp luật, hoặc có đương sự ở nhiều tỉnh ngoài và ở nước ngoài...
Điển hình là vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở, căn hộ khách sạn tại dự án Khu đô thị Tropical City FLC Hạ Long, Tòa án TP Hạ Long đã thụ lý 5 vụ án, Toà án tỉnh có 04 vụ về căn hộ khách sạn, số đơn khởi kiện chưa thụ lý còn nhiều. Do tính chất phức tạp nên đã chuyển toàn bộ các vụ án về Toà án tỉnh để giải quyết.
“Trước tình hình các vụ án dân sự có sự chuyển biến phức tạp tại địa phương, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời có quy chế phối hợp với các cơ quan cấp Uỷ, chính quyền địa phương để cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ góp phần giải quyết xét xử các loại án nói chung và các vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai nói riêng đạt kết quả cao cả về số lượng và chất lượng”, Thẩm phán Tạ Duy Ước cho biết.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nói chung và công tác giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai nói riêng, TAND tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng và quán triệt các Toà án cấp huyện áp dụng đúng đắn, thống nhất các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai mới 20, Bộ luật Dân sự 20, các văn bản pháp luật khác về đất đai, các hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao trong công tác thụ lý, xét xử các vụ án về tranh chấp đất đai và các tranh chấp khác liên quan đến đất đai.
Bên cạnh đó, đường lối xét xử các tranh chấp về quyền sử dụng đất được các Thẩm phán tuân thủ và áp dụng tốt. Chất lượng giải quyết ngày một nâng cao, góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được Nhà nước giao đất, bảo vệ các giao dịch dân sự hợp pháp về đất đai trong đời sống xã hội.
Các bản án, quyết định của Toà án thụ lý giải quyết về tranh chấp đất đai là đúng thẩm quyền, có căn cứ pháp luật, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, được nhân dân đồng tình, dư luận xã hội ủng hộ và bảo đảm hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, theo Thẩm phán Tạ Duy Ước, bên cạnh những mặt tích cực trong công tác thụ lý, giải quyết xét xử các tranh chấp về quyền sử dụng đất tại TAND tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, dẫn đến Toà án cấp trên phải huỷ hoặc sửa án, như: Vi phạm về xác định tư cách tham gia tố tụng, vi phạm trong thực hiện xem xét thẩm định tại chỗ, thu thập tài liệu chứng cứ, vi phạm về giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện, vi phạm chia thừa kế bằng giá trị, vi phạm về áp dụng điều luật, áp dụng án lệ không đúng, quyết định án phí không đúng.
Giải pháp nâng cao chất lượng xét xử
Theo Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Quảng Ninh, để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án dân sự về tranh chấp liên quan đến đất đai, cần thực hiện 5 giải pháp:
Thứ nhất: thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu và tự đào tạo tại chỗ nâng cao kỹ năng giải quyết các vụ án dân sự tranh chấp đất đai. Khuyến khích tổ chức xây dựng các đề tài khoa học về công tác xét xử liên quan đến tranh chấp đất đai qua đó nâng cao nhận thức, kỹ năng cũng như trao đổi kinh nghiệm giữa các thẩm phán, các toà án địa phương với nhau.
Thứ hai: sử dụng, khai thác thường xuyên công cụ phần mềm Trợ lý ảo ngành Toà án, là một công cụ đắc lực đối với thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký Toà án trong giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai; là nguồn để khai thác dữ liệu pháp luật chính thống và tham khảo các tình huống pháp lý về tranh chấp đất đai cũng như dưa lên những tình huống pháp lý phức tạp, mới phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án để có được sự áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống Toà án.
Thứ ba: tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo toà án cấp trên với cấp dưới bằng hình thức thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề đối với các vụ án tranh chấp đất đai qua đó kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm đồng thời hỗ trợ các Toà án địa phương tháo gỡ các vụ án có vướng mắc, khó khăn, tổ chức rút kinh nghiệm đối với loại án tranh chấp liên quan đến đất đai.
Thứ tư: tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn về đất đai tại địa phương trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu trong các vụ án về đất đai và trao đối phối hợp với toà án cấp trên để được giải đáp các tình huống pháp lý.
Thứ năm: tăng cường, phát huy sự lãnh đạo của Đảng tại các cơ sở Đảng của Toà án địa phương trong công tác lãnh đạo giải quyết các vụ án dân sự về đất đai, thực hiện nghiêm chỉ thị số 26-CT-TW ngày 09/11/2018 của Bộ chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.