Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng của TAND tỉnh Hưng Yên; HĐXX đã nghiêm túc thực hiện đúng hướng dẫn về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp, tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngày 21/8/20, TAND tỉnh Hưng Yên đã mở phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến đối với vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
HĐXX gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân, do Thẩm phán Nguyễn Duy Phượng làm chủ tọa phiên tòa.
Phiên tòa được kết nối từ điểm cầu trung tâm Phòng xét xử TAND tỉnh Hưng Yên với các điểm cầu thành phần là Trại tạm giam Công an tỉnh Hưng Yên cùng 28 điểm cầu trực tuyến là TAND các tỉnh/thành phố thuộc địa hạt thẩm quyền tư pháp của TAND cấp cao tại Hà Nội.
Theo cáo trạng, Phạm Thị L. với bà Nguyễn Thị X. (đều ở cùng khu Trung tâm thương mại Dân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) có quan hệ quen biết nhau.
Khoảng năm 2020, gia đình L. rất khó khăn về kinh tế, L. vay mượn tiền của nhiều người, đã đến hạn trả, bị đòi nợ nhiều lần nhưng không có tiền để trả.
Cùng thời điểm này, bà Nguyễn Thị X. nhờ L. mua bán hộ đất. L. đã bán giúp bà X. một suất đất ở thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu với giá hơn 4,1 tỷ đồng và mua giúp bà X. một suất đất trong khu Trung tâm thương mại Dân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu với giá 3,5 tỷ đồng.
Số tiền chênh lệch từ việc mua, bán hai suất đất đó khoảng trên 600 triệu đồng. L đã hỏi vay số tiền này để lấy vốn làm ăn và được bà X đồng ý. Đến khoảng giữa năm 2022, sau nhiều lần vay, L đã nhận được của bà X. là 2.310.000.000 đồng.
Ngày 20/7/2022, L. mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả đến nhà bà X. với mục đích bán cho bà X. thửa đất ghi trên giấy để trừ vào khoản tiền đã vay.
Hai bên thỏa thuận viết giấy mua bán với nội dung: L. và chồng là anh C. bán mảnh đất cho bà X. với giá 4,5 tỷ đồng, bà X. đồng ý, thỏa thuận đưa tiếp cho L. số tiền 300 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi làm thủ tục chuyển nhượng.
Sau khi nhận chuyển khoản thêm 300 triệu đồng, L. đã trả nợ và chi tiêu cá nhân hết, không còn khả năng trả nợ và cũng không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà X. vì L. không có thửa thửa đất như nội dung đã ghi trong giấy tờ giả.
Tại phiên tòa, bị cáo L. đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Căn cứ vào nội dung vụ án, căn cứ vào chứng cứ và tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị L. 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 03 năm tù về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hình phạt là 16 năm tù.
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, TAND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, gồm các điểm cầu tại TAND cấp cao tại Hà Nội và điểm cầu tại 28 TAND tỉnh/thành phố thuộc địa hạt thẩm quyền tư pháp của TAND cấp cao tại Hà Nội và Tòa án 10 huyện, thị xã, thành phố của Hưng Yên.
Hội nghị đã ghi nhận ý kiến đóng góp, đánh giá các điểm được, chưa được trong quá trình xét xử vụ án.
Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng, chất lượng âm thanh, hình ảnh của TAND tỉnh Hưng Yên; HĐXX và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã nghiêm túc thực hiện đúng hướng dẫn về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp, tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thay mặt lãnh đạo TAND tỉnh Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Văn Biểu, Phó Chánh án Thường trực TAND tỉnh Hưng Yên trân trọng cảm ơn sự đóng góp ý kiến chân thành, xác thực của các đơn vị để các Thẩm phán rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án trong thời gian tiếp theo.