Ngày 4/3, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử trực tuyến vụ án hành chính về khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hành chính với hai điểm cầu tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Bình (điểm cầu trung tâm) và điểm cầu thành phần tại trụ sở UBND huyện Quảng Trạch.
Phiên tòa diễn ra bảo đảm các trình tự, thủ tục tố tụng công khai, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Theo nội dung vụ án, ngày 12/12/2022, ông Hồ Bồng có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, khiếu nại việc UBND xã Quảng Phương lập hồ sơ và UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) của gia đình ông không đúng thực địa, không đúng ý chí của người sử dụng đất và phong tục, tập quán của địa phương.
Đến ngày 19/5/2023, cán bộ xã tổ chức hòa giải nhưng gia đình ông Bồng không đồng ý. Đến nay thời hạn giải quyết khiếu nại đã hết.
Về nguồn gốc và quá trình sử dụng, ngày 23/9/1993, ông Hồ Bồng được UBND huyện Quảng Trạch cấp GCN tại thửa đất số 340, tờ bản đồ 05, diện tích 1.050m2, trong đó 250m2 đất ở.
Theo trình bày của ông Hồ Bồng tại “Giấy xin chứng nhận” ngày /4/20, nguồn gốc thửa đất trên do ông bà để lại, đã có nhà thờ trên đất và gia phả ghi rõ nhà thờ ông bà xây dựng từ năm 1928.
Năm 2006, xã Quảng Phương thực hiện đa dạng hóa nông nghiệp nên cấp đổi lại GCN cho toàn xã. Theo đó, ông Hồ Bồng đã gặp đoàn đo đạc yêu cầu tách riêng biệt diện tích nhà thờ họ Hồ ngoài diện tích đất đã được cấp trong GCN năm 1993.
Ngày 20/12/2006, UBND Quảng Trạch cấp đổi giấy GCN cho ông Hồ Bồng và bà Phạm Thị Cẩn. Theo đó, thửa 340, tờ bản đồ số 05 tách thành 2 thửa 7 và 714, tờ bản đồ số 4, trong đó thửa đất 7 có diện tích 239m2, mục đích sử dụng đất là “TIN” nhưng không mang tên ông Hồ Bồng. Còn thửa 714 ông Bồng đang sử dụng diện tích 825m2 (gồm 205m2 đất ở và 575 m2 đất trồng cây hằng năm).
Như vậy, việc phân chia các phần diện tích nhà thờ Họ ra khỏi diện tích được cấp trong GCN năm 1993 và đo đạc cấp đổi lại GCN là do ông Hồ Bồng tự nguyện yêu cầu, phần diện tính thửa đất đề nghị đổi lại (sau khi đã phân tách phần diện tích đất có nhà thờ dòng họ) thể hiện rõ trong đơn xin cấp đổi và UBND huyện Quảng Trạch đã cấp đổi GCN cho ông Hồ Bồng và bà Phạm Thị Cẩn được xác định đúng quy định.
Tranh tụng tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng, trên thửa đất 7 có nhà thờ họ Hồ và một số tài sản của ông Hồ Bồng, nhưng hai bên không thống nhất được ranh giới sử dụng nên không đủ điều kiện để công nhận QSD đất. Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác yêu cầu công nhận QSD đất cho ông Hồ Bồng tại thửa đất số 7.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định: Tại phiên tòa, người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu hủy GCN thửa đất số AH 710011 do UBND huyện Quảng Trạch cấp ngày 20/12/2006 tại thửa đất số 714 tờ bản đồ số 04, diện tích 825m2 là hoàn toàn tự nguyện, đúng quy định của pháp luật, nên HĐXX đã áp dụng điều 143, điều 173, Luật tố tụng hành chính đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện này.
Đối với yêu cầu công nhận QSD diện tích 239m2 có nhà thờ họ Hồ tại thửa đất 7, tờ bản đồ số 4 cho ông Hồ Bồng. HĐXX nhận thấy, thửa đất 7 trên đất có nhà thờ họ Hồ, các công trình, cây cối do ông Hồ Bồng xây dựng, giữa các bên đang có tranh chấp, chưa xác định được ranh giới nên không đủ điều kiện để công nhận.
Do đó, HĐXX áp dụng điểm a, khoản 2, điều 193, Luật tố tụng hành chính bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình Võ Bá Lưu cho biết: Thực hiện Chỉ thị của Chánh án TANDTC về tiếp tục tăng cường xét xử trực tuyến, đặc biệt là xét xử trực tuyến các vụ án hành chính. Theo đó, việc xét xử trực tuyến án hành chính sẽ kết nối từ Tòa đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị kiện trong vụ án hành chính, giúp cho các đương sự được có mặt đầy đủ tại phiên tòa, việc tranh tụng được đảm bảo, giảm tải được vấn đề mâu thuẫn trong nội dung giải quyết vụ án. Cùng với đó là khắc phục được trường hợp các đương sự vắng mặt phải hoãn phiên tòa, đảm bảo hơn cho nguyên tắc tranh tụng.
Đặc biệt, phiên tòa trực tuyến án hành chính còn tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền bị kiện sắp xếp công việc tham gia phiên tòa một cách tốt hơn và giảm được bức xúc cho người khởi kiện. Từ đó có thể giảm tải được các nội dung tranh chấp, đương sự khỏi đi lại gây tốn kém.