Sáng 1/11, tại thành phố Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hoá), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Dự hội thảo có Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; đại diện Sở Tư pháp các tỉnh: Lai Châu, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá; đại diện Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật một số huyện, thị xã, thành phố, công chức tư pháp các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu của Quyết định số 25 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được được giao, nhất là những lĩnh vực trực tiếp gắn với quyền, lợi ích của người dân.
Qua đó bảo đảm tính nghiêm minh, tính gương mẫu, thượng tôn pháp luật trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền cấp xã, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp hành chính gần dân nhất, hiểu dân nhất để phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận liên quan đến các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những vướng mắc, khó khăn, áp lực trong quá trình thực hiện công tác chuẩn tiếp cập pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Cụ thể các tham luận trong hội thảo, đã tập trung vào các điểm mới của Quyết định số 1143/QĐ-BTP ngày 20/6/20 của Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong đánh giá NTM, đô thị văn minh; những lưu ý trong triển khai công tác đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật; kết quả triển khai công tác đánh giá, công nhận tiếp cận pháp luật, triển khai Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn một số tỉnh, thành.
Qua đó nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật tại cơ sở.
Đồng thời các đại biểu dự hội thảo cũng đã thẳng thắn trao đổi, chỉ ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật. Như việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các xã sáp nhập đơn vị hành chính, việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao, hồ sơ đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật...
Cũng trong chương trình hội thảo, đại diện lãnh đạo Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cũng giải đáp thêm một số nội dung mà các đại biểu quan tâm, bảo đảm việc tổ chức triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân được đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, đúng mục đích.