Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang cần tăng cường nguồn lực, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa,…
Số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể, trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45-50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt -20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 -20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này nội địa hóa này cao hơn.
Mặc dù vậy, ngành CNHT nước ta còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành. Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá là chưa cao.
Mặc dù nhà nước đã ban hành cơ chế chính sách, thành phố và Sở Công Thương cũng đã thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm, nhưng chủ thể doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội còn chưa nắm bắt những ưu đãi mà đương nhiên doanh nghiệp được hưởng.
Hiện nay, các doanh nghiệp CNHT đang kỳ vọng nhiều vào trợ lực từ các cơ chế chính sách hỗ trợ, đặc biệt là dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/20/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất liên quan đến hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào CNHT… Các doanh nghiệp CNHT cần được hỗ trợ sớm nhất về nguồn vốn ưu đãi cùng các thủ tục đơn giản cho doanh nghiệp dễ tiếp cận. Thứ nữa là các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại để doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các cơ chế hợp tác đầu tư. Và tất nhiên, đào tạo nguồn lao động cho các doanh nghiệp CNHT cũng sẽ là đòi hỏi tất yếu.
Do đó, Bộ Công Thương đã ban hành danh mục sản phẩm CNHT trong đó bổ sung thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện nay. Đặc biệt, khi doanh mục được mở rộng, đơn vị nào sản xuất được sản phẩm, chính sách của nhà nước phải hướng đến, phải hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Samsung, Toyota để hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam nâng cao được năng lực cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với nhau. Trong thời gian tới, ngoài việc sửa đổi các chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có những giải pháp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp CNHT thông qua đào tạo và mở rộng thị trường.
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP. Hà Nội (HANSIBA) cũng đang tiếp tục nỗ lực đồng hành cùng với Sở Công Thương Hà Nội để tổ chức những hội nghị, hội thảo về vấn đề này. Cùng với đó thực hiện việc thẩm định các dự án, sản phẩm ưu đãi phát triển theo Nghị định của Chính phủ và Bộ Công Thương. Hiệp hội thường xuyên nhận hồ sơ nộp của các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ưu đãi sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để họ được thừa hưởng ưu đãi theo quy định của Nhà nước về thuế, phí…