Liên quan đến sự cố sạt lở đất làm ít nhất 8 người chết, 4 người bị thương tại Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị chức năng chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả sự cố, xác định các trường hợp còn mất tích để khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, tổ chức cứu chữa người bị thương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 67/CĐ-TTg ngày 13/7/20 yêu cầu tập trung khắc phục sự cố sạt lở đất tại tỉnh Hà Giang và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, sáng ngày 13 tháng 7 năm 20 đã xảy ra sự cố sạt lở đất vào xe khách lưu thông trên tuyến Quốc lộ 34 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Ngay sau khi được tin báo, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các cơ quan chức năng đã khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Đến nay, sự cố sạt lở đã làm ít nhất 8 người chết, 4 người bị thương.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các địa phương tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố sạt lở nêu trên, đồng thời chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lũ, sạt lở có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, trong đó:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu và các địa phương, đơn vị có liên quan tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả sự cố sạt lở nêu trên, xác định các trường hợp còn mất tích (nếu có) để khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, tổ chức cứu chữa người bị thương; xác định danh tính người bị nạn, phối hợp với các địa phương lo hậu sự theo quy định, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các sự cố sạt lở tương tự, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn giao thông.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
3. Giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương tập trung triển khai công tác tìm kiếm những người còn mất tích, hỗ trợ xác định danh tính các nạn nhân và khắc phục hậu quả sự cố sạt lở theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
4. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc trách nhiệm quản lý và theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
5. Các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó mưa lũ, sạt lở theo quy định.
6. Giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, phối hợp với địa phương chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở, đồng thời tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 20 của Chính phủ; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.