Nhà ở xã hội là phân khúc có nhu cầu lớn trên thị trường bất động sản. Việc phát triển phân khúc này được cho là giải pháp quan trọng để bổ sung nguồn cung phù hợp cũng như điều tiết thị trường địa ốc.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng liên quan đến kết quả thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, đến nay cả nước đã hoàn thành 41 dự án với quy mô 19.516 căn và đang tiếp tục triển khai 294 dự án, quy mô 288.499 căn.
Về gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng, UBND các tỉnh đang xem xét công bố 40 dự án, tổng nhu cầu vay khoảng 18.000 tỷ đồng. Hiện nay, đã có 11 UBND tỉnh công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn khoảng 12.000 tỷ đồng.
Nhà ở xã hội là phân khúc có nhu cầu lớn trên thị trường bất động sản nhưng nguồn cung đang rất hạn chế, sự thay đổi tương đối rõ rệt của thị trường chỉ xảy ra vào cuối quý I và đầu quý II năm sau khi lượng nhà ở xã hội được bán ra thị trường nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mặc dù chúng ta cũng đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp nhưng thị trường nhà ở giá rẻ vẫn chưa có tiến triển nào về thủ tục, chính sách, tài chính. Nên tập trung vào phân khúc này vì đây là “tử huyệt” cần xử lý để thị trường bất động sản phản ứng và đi lên.
Do đó, chuyên gia kiến nghị các chủ đầu tư cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và thực hiện phát triển nhà ở xã hội đã được đăng ký và khi gặp khó khăn cần chủ động trao đổi, trình bày với cơ quan quản lý. Các nhà đầu tư nên xem xét và chuẩn bị nguồn lực khi lãi suất đã xuống thấp, trong thời điểm phù hợp thì nên tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, không nên để cho những nhà phát triển bất động sản giá rẻ bị thiệt thòi tài chính so với nhà phát triển bất động sản thương mại. Ví dụ quy định lợi nhuận chỉ %, nhà phát triển phải xác định ai là đối tượng chính sách để cho mua, nếu sai phải chịu trách nhiệm hình sự là không hợp lý. Chính vì phải gánh nhiều trách nhiệm nên chủ đầu tư mới không muốn làm.