Đời sống

Tàu không số qua ký ức người lính

Bá Mạnh _Thanh Toàn 19/07/2023 - 11:08

Đất nước thống nhất, người lính trên những con tàu không số trở về với cuộc sống đời thường. Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh về Đoàn tàu Không số, về ý chí chiến đấu, chống giặc ngoại xâm vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của họ.

Gần 70 tuổi, vui thú điền viên cùng vợ và con cháu ở quê nhà nhưng khi nhắc đến Đoàn tàu Không số nét mặt của ông Hồ Đình Thuần (Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại rạng ngời, sôi nổi.

Cầm trên tay bức ảnh Đoàn tàu Không số được Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển trao tặng, ông Hồ Đình Thuần kể cho chúng tôi nghe về chuyến đi sinh tử: Tháng 4/1971, khi cuộc chiến đang cam go, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày một lớn, ông Hồ Đình Thuần cùng 22 đồng đội do đồng chí Phan Xạ làm thuyền trưởng được lệnh ra cảng Bạch Thái Bưởi (Hải Phòng) chở hàng đưa vào Cà Mau để chi viện cho chiến trường Đông Nam Bộ. Trên đường đi, các loại tàu chiến và máy bay trinh sát của Mỹ luôn bám sát, buộc thuyền trưởng Phan Xạ phải dùng nhiều chiến thuật đánh lạc hướng đối phương.

tau_khong_so_qua_ki_uc_nguoi_linh_1.jpg
Ông Hồ Đình Thuần cùng đồng đội của mình (Ảnh tư liệu của chiến sỹ huyện Quỳnh Lưu bên Đoàn tàu Không số năm xưa).

Chiều tối ngày 13/4/1971, sau nhiều ngày cơ động trên biển, tàu C-69B nhận được lệnh chuyển hướng vào bờ. Tuy nhiên đến khoảng 22h 45’, khi tàu cách bờ 25 hải lý bỗng có tín hiệu đỏ bắn lên từ ngoài khơi, rồi pháo hạm từ một tàu khu trục dội vào, thuyền trưởng Phan Xạ phát lệnh báo động chiến đấu. Đồng thời, báo cáo cấp trên tàu C- 69B đã bị địch phát hiện và nhận lệnh cơ động vòng tránh để bảo toàn lực lượng, vũ khí và hàng hóa.

Tàu liên tục đổi hướng trên vùng biển Cà Mau – Bạc Liêu nhưng địch đã khép chặt vòng vây, 3 bên đều có tàu khu trục của Mỹ, phía trong bờ các loại xuồng cao tốc của địch như mắc cửi, trên không máy bay trực thăng gầm rú, chiếc đèn pha sáng rực cả một vùng. Tình thế nguy cấp, thuyền trưởng điện về Sở chỉ huy xin phép thực hiện phương án 2 là nổ súng trực tiếp chiến đấu đánh trả địch.

tau_khong_so_qua_ki_uc_nguoi_linh_4.jpg
Ông Hồ Đình Thuần chia sẻ về trận chiến sinh tử trên Đoàn tàu Không số.

Ngay lập tức, các chiến sỹ vào vị trí chiến đấu, lực lượng tàu chiến của địch quá đông, lại được máy bay yểm trợ nên cuộc chiến gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Tàu bị trúng một quả rốc - két làm gãy cần cẩu ở mũi, thuyền phó phụ trách hỏa lực Nguyễn Văn Tú (quê Thái Bình), pháo thủ Lâm Thanh Hồng (quê Nam Hà) lần lượt hy sinh.

Rồi một loạt rốc – két từ máy bay bắn xuống trúng ca bin, máy lái bị hỏng nặng, người bạn đồng hương Quỳnh Lưu của ông Thuần là Trần Văn Nhân trúng đạn hy sinh. Tình thế mỗi lúc một nguy hiểm, tất cả hội ý và thống nhất xin cấp trên thực hiện phương án 3 là phá hủy tàu, không để vũ khí và hàng hóa rơi vào tay địch.

Thuyền trưởng Phan Xạ hô vang: “Tất cả kiểm tra quân số ai còn, ai mất, những đồng chí đã mất phải cho vào túi tử để đem vào bờ”. Công việc diễn ra mau lẹ, 5 đồng chí hy sinh được đưa vào túi tử, 18 người còn lại chuẩn bị vũ khí cá nhân và áo phao, chia thành 3 tốp, tổ chức điểm hỏa cho 4,8 tấn bộc phá rồi bơi vào bờ, người rời tàu cuối cùng là thuyền trưởng Phan Xạ.

tau_khong_so_qua_ki_uc_nguoi_linh_3.jpg
Ông Thuần kể lại những trận đánh ác liệt năm xưa bên những tấm Bằng khen Nhà nước trao tặng. 

Ông Hồ Đình Thuần rời tàu cùng áo phao, khẩu AK báng gấp, 3 băng đạn, mấy quả lựu đạn, mặt nạ chống độc, túi lương khô và thi hài một đồng đội nằm trên chiếc phao phía sau. Lúc này, thuyền cách bờ khoảng 5 hải lý, địch vẫn tiếp tục vây riết và pháo kích đồn dập. Không thấy ta đánh trả, địch biết ta đã rời tàu nên cho trực thăng bay thấp, rà khắp mặt biển bắn xối xả xuống hòng tiêu diệt quân ta.

Khoảng 4h sáng ngày 14/4/1971, tốp của ông Thuần bơi được vào bờ. Một tiếng nổ vang lên, đất trời rung chuyển, cả rừng đước ven biển Cà Mau cũng giật mình, bộc phá trên tàu đã phát nổ. Rồi tất cả im bặt, không một tiếng súng, côn trùng cũng không còn rên rỉ, để lại một sự im lặng đến rợn người.

Nhanh chóng chôn cất đồng đội, ăn lương khô lót dạ để lấy sức cho trận chiến tiếp theo, vì địch biết ta đã phá hủy tàu sẽ tìm cách bơi vào bờ, nên chúng đã đổ quân bao vây. Địch đã cho 2 tiểu đoàn chờ sẵn ở cửa sông Gành Hào (Cà Mau), lại bắt đầu một cuộc chiến sinh tử.

tau_khong_so_qua_ki_uc_nguoi_linh_2.jpg
Thế hệ trẻ Quỳnh Lưu đến thăm và tặng quà cho chiến sỹ trên Đoàn tàu Không số Hồ Đình Thuần.

Ông Hồ Đình Thuần và các đồng đội trong tốp lần vào rừng đước, theo hướng Tây thẳng tiến với ý nghĩ càng xa bờ biển càng tốt. Bỗng dưng một tiếng lựu đạn nổ vang, rồi loạt đạn AK giòn giã, tiếp đến là tiếng súng vang lên xối xả của địch. Tránh xa hướng có tiếng súng, những chiến sỹ Đoàn tàu Không số lội bì bõm giữa khu rừng ngập mặn, lương khô hết, mệt và đói đến lả người. Để chống chọi với cái đói, ông Thuần và đồng đội phải bắt cua quấn với lá đước ăn sống, món ăn nồng nặc mùi tanh, nhưng vẫn cố nuốt để giành lấy cơ hội sống sót.

Sau gần 1 tuần lạc nhau giữa rừng đước, những người lính của tàu C-69B gặp lại nhau với sự tương trợ của quân giải phóng. Đoàn tụ mới biết, tiếng lựu đạn và AK hôm nọ là của chiến sỹ Nguyễn Văn Hùng dùng để đánh lạc hướng, mở đường máu cho đồng đội ở tốp 2 thoát khỏi vòng vây của địch. Người chiến sỹ ấy hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi, là thợ máy của tàu, quê Từ Liêm (Hà Nội). Thuyền trưởng Phan Xạ - người cuối cùng rời tàu đã bị máy bay địch phát hiện và bắn chết lúc bơi trên biển. Những người còn lại ôm lấy nhau mà khóc, khóc vì thương xót những đồng đội đã ngã xuống nơi mảnh đất cực Nam xa xôi này.

Sau trận chiến ấy, ông Hồ Đình Thuần ở lại Quân khu 9 tiếp tục chiến đấu và công tác, được giao nhiệm vụ đào tạo thợ máy cho Trường Hàng hải chuẩn bị cho việc giải phóng biển đảo. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được về Quân khu 4 an dưỡng, chuyển về công tác ở Huyện ủy Nghĩa Đàn và nghỉ hưu năm 1988.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tu khng số qua ký ức người lính