Từng l người đứng trong hng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam, được tổ chức điều chuyển qua TAND, với thâm niên gần 30 năm cng tác ở TAND, ng Phạm Cng H ng, Thẩm phán TANDTC đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau, xử nhiều loại án khác nhau.
Nhân dịp ngày truyền thống TAND, Thẩm phán Phạm Công Hùng chia sẻ những kỷ niệm vui buồn và những trăn trở đối với TAND.
Mối nhân duyên với Tòa án
Năm 1972, hầu như tất cả các thầy, trò tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp vv... ở miền Bắc đều xếp bút nghiên lên đường vào Nam đánh Mỹ, ông Phạm Công Hùng đi bộ đội. Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, ông được trở về tiếp tục học tập và công tác tại một đơn vị kinh tế của tỉnh Phú Khánh (Khánh Hòa và Phú Yên ngày nay). Năm 1987, ông được tổ chức điều động sang TAND tỉnh Khánh Hòa, lần lượt trải qua các chức vụ, Chánh Văn phòng, Thẩm phán và Chánh tòa Tòa Hành chính từ những ngày đầu tiên thành lập Tòa Hành chính trong hệ thống TAND. Năm 1999, ông được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC cho đến nay.
Có thể nói, việc thuyên chuyển công tác từ một ngành kinh tế sang TAND là hoàn toàn theo yêu cầu của tổ chức, nhưng khi được làm việc tại TAND thì lòng yêu nghề của ông lại lớn dần theo năm tháng. Bởi với nghề Thẩm phán, ông được thử thách, được thể hiện và được trải nghiệm những kiến thức về pháp luật, tâm lý và xã hội đã học được trong các trường đại học, để làm một công việc rất cao quý là đưa các quy định của pháp luật vào đời sống xã hội, thông qua công tác xét xử tại phiên tòa.
Những kỷ niệm khó quên
Trong cuộc đời làm Thẩm phán, ông Hùng đã xét xử tất cả các loại án. Niềm vui đến với ông là những lúc làm rõ được sự thật khách quan của một vụ án nào đó, hoặc hòa giải thành một vụ án dân sự, hòa giải đoàn tụ một vụ án ly hôn vv... vì điều đó đã làm giảm đi những mâu thuẫn phát sinh giữa các đương sự có tranh chấp. Tuy nhiên, cũng có những lúc, ông buồn đến tột cùng khi có một bản án của mình xét xử bị cấp giám đốc tuyên hủy, trong những lần như vậy, ông thường xem xét lại toàn bộ sự việc, từ khâu thu thập chứng cứ, chứng minh, tổ chức tranh tụng, đánh giá chứng cứ và nhận thức pháp luật để giải quyết vụ án, từ đó rút ra những bài học sâu sắc đối với bản thân mình, để không còn những sai sót trong xét xử. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, ông đã “tranh luận” đến cùng đối với những quan điểm mà ông cho rằng, việc đánh giá về chứng cứ hoặc áp dụng đường lối xét xử không đúng pháp luật. Trên thực tế, có những lúc qua tranh luận, quan điểm của ông đã được cấp có thẩm quyền chấp nhận, trong những lần như thế, ông cảm thấy mình trưởng thành hơn và yêu nghề hơn rất nhiều.
Thẩm phán Phạm Công Hùng
Trong thời gian xét xử, ông nhận thấy khó khăn nhất vẫn là khi xét xử các vụ án hành chính. Cái khó khăn khi xét xử loại án này so với các loại án khác là tại phiên tòa, Thẩm phán phải giao tiếp với một đối tượng đương sự đặc biệt, đó là người bị kiện. Họ là người có chức vụ trong cơ quan Nhà nước, thậm chí họ còn có quyền tham gia và quyết định việc tái nhiệm Thẩm phán khi hết nhiệm kỳ theo luật định. Thực tế, trong một lần ông làm chủ tọa phiên tòa, ông đã cùng HĐXX tuyên hủy quyết định của UBND tỉnh, bản án trên không bị sửa và bị hủy bởi cấp giám đốc thẩm. Nhưng ngay trong năm đó, Ban Thi đua khen thưởng của tỉnh đã đề nghị Hội đồng thi đua Tòa án tỉnh đưa tên ông ra khỏi danh sách được cấp bằng khen. Song, trong trường hợp trên, ông đã rất kiên quyết, ông yêu cầu Hội đồng Thi đua Tòa án tỉnh xét lại, nếu ông không xứng đáng được cấp bằng khen thì không đề nghị nữa, còn nếu ông đủ điều kiện thì vẫn để tên ông trong danh sách khen thưởng. Kết quả, cuối cùng Hội đồng Thi đua Tòa án tỉnh kết luận: Ông xứng đáng được khen và năm đó, ông vẫn được cấp bằng khen.
Ông kể thêm một sự kiện khôi hài nữa, đó là một lần ông làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm để xem xét tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện là quyết định buộc tháo dỡ một phần bức tường của một đương sự đã xây lấn sang phần đất tranh chấp với một đương sự khác khoảng 6cm. Khi nghiên cứu vụ án này, ông nhận thấy bản án sơ thẩm tuyên bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là đúng, vì Tòa án chỉ có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khởi kiện mà thôi. Trong sự việc này thì đương sự xây lấn sang phần đất không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, dù chỉ một chút thôi cũng là vi phạm và người có thẩm quyền ban hành quyết định buộc tháo dỡ phần vi phạm đó là hoàn toàn đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án, ông đã phân tích cho người bị kiện rằng: Quyết định hành chính bị khởi kiện hoàn toàn hợp pháp, nhưng sẽ không bao giờ thi hành được, bởi vì phạm vi vi phạm trong vụ án này chỉ có chiều ngang 6cm (nhỏ hơn độ dày của một viên gạch 10cm dùng để xây bức tường vi phạm trên) thì không ai có thể cắt được phần vi phạm 6cm để giữ lại phần không vi phạm là 4cm trong một bức tường đang tồn tại. Nhận thấy sự phân tích của ông là hợp lý nên người bị kiện đã ban hành quyết định khác hủy quyết định hành chính bị khởi kiện; phía người khởi kiện cũng đồng ý rút đơn kháng cáo và đơn khởi kiện nên ông đã ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là sự việc trên lặng lẽ trôi theo năm tháng, tưởng là không còn ai nhớ tới nữa. Nhưng hai năm sau, khi ông đến kỳ tái nhiệm Thẩm phán thì một vị có thẩm quyền trong tỉnh đã điện thoại cho ông trước khi xử vụ án đó lại cử người xuống kiểm tra xem vụ án trên ông xử có đúng hay không để giải quyết vấn đề tái nhiệm Thẩm phán của ông. Tất nhiên là cơ quan ông khẳng định, ông đã xử đúng, và như vậy thì việc tái nhiệm Thẩm phán của ông hoàn toàn không có gì trở ngại.
Thẩm phán Hùng trầm ngâm: “Trong cái “xui” của vụ việc này lại phát sinh một cái rất “hên”, đó là một người bạn của tôi kế nhiệm người tiền nhiệm đã ban hành quyết định hành chính có tình có lý, khi tiếp nhận và xử lý hậu quả pháp lý tiếp theo của việc thi hành quyết định hành chính này, anh ấy cũng đã bị những sức ép nhất định, nhưng anh ấy xử lý tình huống rất tuyệt vời. Vì thế cho nên, mỗi lần gặp nhau, chúng tôi đều nhắc đến tình tiết và kết quả giải quyết vụ án trên như một sự khôi hài trong công vụ. Tôi tin tưởng rằng, anh ấy đã hiểu công việc xét xử án hành chính của TAND một cách rất sâu sắc trước khi lên vị trí lãnh đạo cao nhất của một tỉnh, nên anh ấy sẽ giúp đỡ và tháo gỡ những khó khăn cho Tòa án trong cương vị công tác của mình”.
Tòa án là nơi rèn luyện bản lĩnh và kinh nghiệm sống
Gần 30 năm hoạt động trong môi trường TAND đã để lại cho ông đầy ắp những kỷ niệm. Thẩm phán Hùng bộc bạch: “Tôi cảm ơn môi trường làm việc này, vì nơi đây đã đón nhận tôi từ khi còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, đã chấp nhận phong cách của tôi nguyên là một chiến sỹ trong quân đội nhân dân Việt Nam, luôn trung thực và thẳng thắn, đôi khi đến gay gắt, dễ làm mất lòng đồng đội nhưng cũng lại được đồng đội rất yêu thương khi nhận thấy sự chân thành của tôi. Có nhiều người bạn thân đã khuyên tôi hãy ráng học hai chữ “im lặng” như nhiều người khác… thì cuộc sống của tôi sẽ thành công hơn. Tôi đã rất vui và đáp lại với bạn rằng: Khi còn sống, mẹ tôi kể lại là tôi học nói rất nhanh, sinh ra mới hơn một tuổi tôi đã nói được hai chữ “bố ơi” và “mẹ ơi”, đến khi ba tuổi, tôi nói được nhiều câu lắm. Nhưng quả thực học hai chữ “im lặng” thì tôi thấy khó khăn quá, chỉ vài tháng nữa là tròn 60 tuổi rồi mà tôi vẫn không học được hai chữ “im lặng”. Còn sự thành công ư? Tôi luôn tâm niệm rằng, cuộc đời rất công bằng, không bao giờ đời cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Sự may mắn xuất phát từ tính cách không thích “im lặng” đã cho tôi một thói quen hay thể hiện chính kiến của mình trước đám đông, kết hợp với chịu khó học tập và nghiên cứu đã làm cho kỹ năng giao tiếp và khả năng hùng biện của tôi được hình thành một cách rất tự nhiên. Vì thế cho nên, mặc dù sắp về hưu rồi nhưng tôi vẫn được nhiều trường, học viện, cơ quan và đoàn luật sư mời giảng cho họ về kỹ năng tiến hành tố tụng, kỹ năng tham gia tố tụng và kỹ năng giao tiếp tại phiên tòa của các Thẩm phán, luật sư và cán bộ công chức các cơ quan Nhà nước. Trong những lần giảng bài như thế, tôi đã rất vui khi thấy các học viên tâm đắc với bài giảng của mình và tôi nhận thấy, sự thành công đích thực của mỗi một con người là ở chỗ, con người đó được cộng đồng xã hội thừa nhận và tin yêu. Gần 30 năm công tác trong TAND, bây giờ sắp nghỉ hưu rồi mà tôi vẫn trăn trở một điều là: Làm sao cho các Thẩm phán của chúng ta có đủ trình độ và bản lĩnh để “khi xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Mặc dù nguyên tắc xét xử độc lập của Thẩm phán đã được hiến định và luật định, quan trọng hơn là Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã có nhiều nghị quyết về nội dung trên, còn cộng đồng xã hội thì luôn kỳ vọng vào vào sự minh bạch trong hoạt động tư pháp để duy trì trật tự, kỷ cương pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhưng, để sớm đạt được điều này, trong phạm vi hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn của mình, Thẩm phán Phạm Công Hùng đã mạnh dạn đề xuất một số ý kiến để giải quyết vấn đề trên như sau:
Thứ nhất, về chất lượng Thẩm phán: Cần giải quyết đầu vào của khâu tuyển chọn Thẩm phán thật chặt chẽ, với một quy trình tuyển chọn khoa học, bao gồm các giai đoạn; lựa chọn các cán bộ đang công tác tại TAND các cấp, các luật sư và các cán bộ tư pháp có đủ trình độ, đạo đức, năng khiếu, hiểu và đam mê nghề Thẩm phán để tuyển chọn nguồn cho đi học nghề Thẩm phán. Sau khi tốt nghiệp và có chứng chỉ học nghề thì tổ chức thi tuyển thật chặt chẽ, nhằm chọn đúng người tốt, người giỏi và có năng khiếu để bổ nhiệm làm Thẩm phán.
Thứ hai, lãnh đạo TAND các cấp cần có sự phân định rõ ràng giữa việc tổ chức, quản lý công tác xét xử theo thẩm quyền luật định với việc bảo đảm các nguyên tắc độc lập của Thẩm phán trong xét xử. Theo đó, không đặt ra các quy chế báo cáo án trái pháp luật, gây sức ép về tâm lý cho Thẩm phán trước khi xét xử, nhưng lại phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác giám đốc, kiểm tra để phát hiện những bản án của Thẩm phán có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật để kháng nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo các trình tự mà pháp luật quy định, nhằm bảo đảm sự minh bạch trong công tác xét xử.
Thứ ba, nâng cao chất lượng quản lý Thẩm phán theo hướng: Không coi tỷ lệ án bị hủy là một tiêu chí duy nhất để đánh giá Thẩm phán. Bởi theo ông Hùng, điều đó đã tạo áp lực rất lớn cho các Thẩm phán khi xét xử, đồng thời còn phản ánh nội dung đánh giá cán bộ không khách quan, khi mà có rất nhiều trường hợp, kết quả xét xử các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại và hành chính phụ thuộc rất lớn vào nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của các đương sự, không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ của Thẩm phán. Luật tố tụng cũng đã quy định về hậu quả mà các đương sự phải gánh chịu khi không cung cấp đủ chứng cứ cho Tòa án. Theo ông Hùng, đã đến lúc, cơ quan có thẩm quyền quản lý Thẩm phán cần quy định những tiêu chí cụ thể để đánh giá Thẩm phán một cách khoa học trong tất cả các lĩnh vực: Đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và uy tín của Thẩm phán đối với xã hội vv... Trên cơ sở đó, tạo ra quan điểm đánh giá Thẩm phán một cách toàn diện, bảo đảm cho việc bổ nhiệm, khen thưởng và xử lý kỷ luật Thẩm phán thật nghiêm minh và có tác dụng giáo dục cao trong xã hội.
Đôi điều nhắn nhủ với thế hệ Thẩm phán trẻ
Xuất phát từ công việc được giao là xét xử các vụ án, nên Thẩm phán có rất nhiều cơ hội để thể hiện tài năng, đức độ, làm những điều tốt cho cuộc sống và để lại những tiếng tốt cho cuộc đời. Tuy nhiên, nghề nghiệp của Thẩm phán rất khác biệt so với các nghề khác, đó là những phán quyết của Thẩm phán có tác động rất lớn đến tính mạng, tài sản, danh dự và uy tín của con người. Do vậy, ngoài việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và trau dồi kiến thức chuyên môn thì Thẩm phán còn phải hết sức quan tâm đến sự rèn luyện tính cẩn trọng trong công việc.
Trong cuộc đời làm Thẩm phán, đã có những lần, nhờ sự cẩn trọng trong khâu thẩm tra chứng cứ và tổ chức tranh tụng tại phiên tòa mà ông Hùng đã cùng Hội đồng xét xử phúc thẩm tìm ra sự thật khách quan của vụ án, hoàn toàn ngược lại với kết quả điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Nguyên nhân dẫn tới sự sai sót của vụ án trên trước khi xét xử phúc thẩm là do một bị cáo nhận tội thay cho cho bốn bị cáo khác trong cùng một vụ án, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật, kết quả cuối cùng đã làm rõ được toàn bộ sự thật khách quan của vụ án trên. Do vậy, Thẩm phán Hùng có một lời khuyên với các Thẩm phán của thế hệ sau: Sự cẩn trọng trong công tác xét xử là rất cần thiết và không bao giờ thừa đối với các Thẩm phán.