Dù đã tự nguyện bàn giao mặt bằng tại Dự án Đường nối từ đường Võ Chí Công đến Quốc lộ 1A đi qua ngã ba Cây Cốc (TT Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) nhưng người dân vẫn kiến nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý dứt điểm những bất cập trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) để bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp cho họ...
Trong đơn gửi Báo Công lý, bà Bùi Thị Nuôi cho biết ngày 16/4/20 gia đình bà đã đồng ý bàn giao mặt bằng, chấp thuận việc bàn giao nhà đất của cha mẹ để lại để hoàn thiện dự án Đường nối từ đường Võ Chí Công đến Quốc lộ 1A (tại ngã ba Cây Cốc) đoạn qua thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam).
Trao đổi với báo Công lý, ông Huỳnh Hữu Thăng (con trai bà Nuôi) cho biết, đây là việc chấp hành pháp luật của gia đình, không muốn xảy ra tình trạng cưỡng chế, làm ảnh hưởng dự án trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, việc bàn giao mặt bằng để hoàn thiện dự án không đồng nghĩa với việc gia đình ông chấp nhận với những phương án đền bù mà chính quyền địa phương áp dụng với gia đình ông.
Theo đơn, thửa đất số 661, tờ bản đồ 05 của gia đình bà Bùi Thị Nuôi được công nhận theo NĐ60/CP với diện tích là 2.009m2 đất ở đô thị. Năm 2014, UBND huyện Thăng Bình đã đo đạc xác nhận hiện trạng thực tế đất ở của gia đình bà là 1.976m2, sau đó ban hành QĐ số 927/QĐ-UBND ngày 23/05/2014 thu hồi diện tích đất là 274,8m2 để thực hiện chủ trương của nhà nước mở rộng QL 1A. Gia đình bà Nuôi đồng ý việc thu hồi này nên tại Tờ trích lục bản đồ địa chính số 2254/VPĐK ngày 23/5/2014 của UBND huyện Thăng Bình công nhận diện tích của gia đình bà sau khi thu hồi là 1.701,2m2.
Tuy nhiên, năm 2017 khi thực hiện Dự án Đường nối từ đường Võ Chí Công đến Quốc lộ 1A đi qua ngã ba Cây Cốc (TT Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) UBND huyện Thăng Bình lại không công nhận diện tích 1.701,2m2 như tại Tờ trích lục bản đồ địa chính số 2254/VPĐK ngày 23/5/2014 mà tự đo đạc vẽ lại sơ đồ thửa đất.
Đến năm 2022, UBND huyện Thăng Bình ra Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 20/10/2022, Tờ trích đo địa chính số 236/CNVPĐK-TH ngày 04/10/2022 thu hồi 997,65m2 đất ở đô thị để xây dựng dự án đường cứu hộ, cứu nạn qua ngã ba Cây Cốc. Tiếp đến ngày 14/06/2023, UBND huyện ra QĐ 460/QĐ-UBND tiếp tục thu hồi thêm 68,9m2. Tổng cộng sau hai lần thu hồi đất để thực hiện dự án lần này là 1.066,55m2. Kèm theo thông báo của UBND huyện Thăng Bình, diện tích đất của gia đình bà Nuôi còn lại: 4,45m2 (bao gồm diện tích đất được phép xây dựng lâu dài là 76,2m còn lại 348,25m2 không được xây dựng lâu dài).
Như vậy, từ 1.701,2m2 ban đầu như tại Tờ trích lục bản đồ địa chính số 2254/VPĐK ngày 23/5/2014 của UBND huyện Thăng Bình công nhận năm 2014, sau hai lần thu hồi vào năm 2022 diện tích đất của gia đình bà Bùi Thị Nuôi thiếu mất hơn 210m2.
Ông Thăng cho biết thêm, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng trước đó đã ban hành bản án phúc thẩm số 121 ngày 2/7/2020 chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của gia đình bà Nuôi, tuyên hủy các quyết định mà UBND huyện Thăng Bình ban hành xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bà.
Ngoài ra, gia đình ông Thăng cũng không đồng ý với đơn giá đất mà UBND huyện Thăng Bình đã phê duyệt là 7.628.000đ/m2. Bởi lẽ, theo Quyết định số /2019/QĐ-UBND ngày 20/02/2019 và Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND ngày 21/02/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về sửa đổi bổ sung giá đất, bảng giá đất thời kỳ 2022 – 20 thì giá đất tại vị trí của gia đình ông là 8.233.000đ/m2 chứ không phải giá 7.628.000đ/m2.
Bên cạnh đó gia đình bà Nuôi cũng không đồng ý với việc bố trí đất tái định cư với số lượng quá ít, trong khi tại thời điểm thu hồi đất gia đình có 3 hộ, 8 nhân khẩu (có hộ khẩu riêng từng hộ).
Theo ông Thăng, gia đình ông đã rất cầu thị để huyện Thăng Bình có thể sớm hoàn thành tuyến đường sau nhiều năm chậm tiến độ. Sau khi bàn giao mặt bằng thì tuyến đường đã thông. Tuy nhiên, huyện cũng cần quan tâm tới nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của gia đình.
Được biết, TAND tỉnh Quảng Nam đã thụ lý đơn khởi kiện của gia đình ông Huỳnh Hữu Thăng.