Đời sống

Tháng hành động vì trẻ em: Bảo vệ trẻ trước nguy cơ đuối nước 

Nguyên Thảo 01/06/2023 06:19

Nhiều vụ đuối nước thương tâm mà phần lớn nạn nhân là trẻ em liên tiếp xảy ra trên cả nước đã để lại nỗi đau không gì bù đắp cho gia đình, người thân và cộng đồng xã hội. Câu chuyện không còn mới, song dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh một số người trước nỗi đau có thể phòng tránh này.

Gần 2.000 trẻ em Việt Nam tử vong mỗi năm vì đuối nước

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới. 

Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Đó là sự tổn thất vô cùng lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và gia đình, hơn nữa còn để lại sự xót thương, những nỗi đau không thể bù đắp cho cha mẹ, người thân của nạn nhân.

tre-em-1.jpeg
Trẻ em vùng nông thôn thường rủ nhau bơi lội, tắm sông, tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước.

Tại Việt Nam, đuối nước là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5-14 tuổi. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước.

Tuy nhiên mỗi năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước, với nhiều nguyên nhân, như: Trẻ không biết bơi hoặc bơi yếu, trẻ chưa được trang bị kỹ năng bơi, kỹ năng cứu người; trẻ không được dạy những kỹ năng đánh giá môi trường nguy hiểm để tránh… Thậm chí, việc sơ, cấp cứu khi trẻ bị đuối nước chưa phổ biến rộng rãi. Đáng chú ý, do bận rộn công việc, nhiều bậc cha mẹ cũng có phần lơi lỏng quản lý, còn trẻ nhỏ lại ham vui. Đó là hai trong nhiều yếu tố khiến nguy cơ đuối nước gia tăng.

Bên cạnh đó, nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn thiếu, tại nhiều địa phương hoạt động này được thực hiện chủ yếu lồng ghép trong các chương trình xã hội hoặc công tác Đoàn, Đội mà không có các hoạt động chuyên biệt, hướng tới việc bảo vệ trẻ em. Do đó, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030 của Chính phủ.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm

Chỉ mới đầu hè, nhưng đã xuất hiện nhiều dòng tin về trẻ em bị tai nạn đuối nước trên khắp cả nước. Có những nạn nhân chỉ mới học lớp 3, có em đã trưởng thành. Sự việc xảy ra khi các em đi câu cá ở ao làng, rủ nhau đi tắm sông vào buổi chiều… 

Những giọt nước mắt khóc thương, sự hối hận muộn màng, cả những dự định còn dang dở đã bị cuốn trôi theo dòng nước chảy xiết. Phải làm gì để bảo vệ quyền và mạng sống cho trẻ em mỗi khi mùa hè đến? Đây là câu hỏi đau đáu của cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương, cũng như các bậc phụ huynh.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm đảm bảo quyền sống còn, an toàn sinh mạng của trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước, dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi cho trẻ em.

Ngày 25/7/2022, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp cùng 9 bộ và tổ chức ký kết Kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 giữa các cơ quan, đơn vị nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp cụ thể trong triển khai các giải pháp, mô hình phòng chống đuối nước trẻ em.

Bộ LĐTB&XH cũng đề nghị các địa phương rà soát các hộ gia đình, các vị trí mặt nước, hồ, ao, sông, suối, công trình công cộng, công trình xây dựng để phát hiện kịp thời các nguy cơ đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác. Các địa phương có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở, bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em.

Các địa phương cũng cần chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên và hướng dẫn viên dạy bơi; vận động các gia đình chủ động đưa trẻ em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 

boi-4.jpeg
Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức lớp dạy bơi miễn phí, phòng chống đuối nước cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
boi-day.jpeg
Các buổi trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Hằng

Theo BS Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), mùa hè đến trẻ được nghỉ học ở nhà, nếu thiếu sự giám sát của cha mẹ, người lớn thì nguy cơ bị tai nạn thương tích rất cao. Bởi môi trường sống ở nước ta, từ trong gia đình đến ngoài cộng đồng đều chưa đảm bảo an toàn cho trẻ. Việc các bậc cha mẹ để trẻ ở nhà tự trông nhau hoặc gửi con về quê cho ông bà trông nom trong mùa hè đều tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm.

Theo phân tích từ các chuyên gia, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 

Ông Nguyễn Trọng An cho rằng, để phòng, chống đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên vẫn là tuyên truyền giáo dục để các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ nhận biết được các nguy cơ tiềm ẩn, gây nguy hại cho tính mạng của trẻ em. 

Ngoài ra, cần quan tâm, tạo điều kiện để con em được tập bơi dưới sự hướng dẫn của người lớn, có đầy đủ phương tiện cứu hộ theo quy định. Trẻ em cần được trang bị kỹ năng nhận biết nguy cơ, cách phòng tránh và xử lý tình huống khi gặp sự cố tai nạn về đuối nước. Đặc biệt là một số quy tắc an toàn cơ bản, cần thuộc nằm lòng, như: Khởi động kỹ trước khi xuống nước, chỉ bơi ở khu vực gần bờ, kỹ năng xử lý khi bị chuột rút hoặc gặp vùng nước xoáy khi đang bơi, cách sơ cứu người bị đuối nước, mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy... 

Có thể khẳng định, đối với với phòng, chống đuối nước, không chỉ gia đình, không một ngành đơn lẻ nào có thể triển khai toàn bộ các hoạt động. Để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng. Có như vậy thì những nỗi đau mang tên đuối nước mới có thể giảm.

Diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 30/6, Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 có chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em".

Theo đó, Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 có các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông như sau:

- Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em.

- Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em.

- Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

- Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em.

- Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

- Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng.

- Không gian mạng an toàn, công dân số tương lai.

- Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng hnh động vì trẻ em: Bảo vệ trẻ trước nguy cơ đuối nước