Nhiều trẻ em hơn 1 tuổi đã bắt đầu sử dụng thnh thạo smartphone để xem hoạt hình trên YouTube. Hình như chúng ta đang bỏ trống "trận địa" giáo dục thiếu nhi trên khng gian mạng.
Đây là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn "Xây dựng Đội vững mạnh - Vì đàn em thân yêu" trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII.
Trước sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng khiến trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin độc, hại, không phù hợp với lứa tuổi ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe tâm thần của các em, các đại biểu đưa ra các phương hướng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội từ rất sớm, đại biểu Phạm Tiến Thịnh - Đoàn Thanh niên Công an chia sẻ: "Nhiều trẻ em hơn 1 tuổi đã bắt đầu sử dụng thành thạo smartphone để xem hoạt hình trên YouTube. Hình như chúng ta đang bỏ trống "trận địa" giáo dục thiếu nhi trên không gian mạng. Chúng ta có thể xây dựng các chương trình, hướng dẫn những hành vi việc làm tốt, định hướng cho các em trên nền tảng YouTube. Tổ chức Đoàn - Hội có thể làm được vấn đề này".
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Bí thư Chi Đoàn cơ sở Viễn thông Đồng Nai cho rằng, để trẻ em tiếp cận những điều hay qua không gian mạng là tốt nhưng cần xây dựng cách tiếp cận phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe. Đơn cử như việc phát triển Youtube nhưng trên nền tảng này chưa có lá chắn đề ngăn chặn độc hại.
Các bậc phụ huynh vẫn thoải mái cho trẻ xem các clip, video trên TikTok, YouTube… Việc tiếp xúc với smartphone mang lại nhiều điều hay, nhưng với trẻ em nhỏ tuổi thì rất có hại cho sức khỏe.
"Từ 3-5 tuổi là lứa tuổi "vàng" để hướng dẫn các em đọc sách, lồng ghép câu chuyện lịch sử; từ đó, hình thành được thói quen, hình thành lòng yêu nước tự tôn dân tộc. Chúng ta có thể tận dụng không gian mạng để xây dựng các bài học về 5 điều Bác Hồ dạy, bài học lịch sử phù hợp với lứa tuổi", đại biểu Nga kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Phan Nguyễn Thùy Trang - Bí thư Đoàn thanh niên Công ty CP may Bình Minh (TP.HCM) cho rằng, trước thực trạng sử dụng công nghệ, smartphone, Youtube… cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí các sản phẩm sử dụng cho thiếu nhi Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ đánh giá đúng, phù hợp với hành vi sử dụng của các em.
Bên cạnh vấn đề bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội, vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cũng được nhiều đại biểu nêu ý kiến.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình Đinh Thị Hoàn cho hay, việc dạy bơi cho thiếu niên, trẻ em trên địa bàn dân cư rất khó khăn. Theo quy định, để dạy bơi cho các em, người dạy cần phải được cấp chứng chỉ trong khi đa số cán bộ đoàn, hội chưa có chứng chỉ này. Bên cạnh đó là vấn đề thiếu kinh phí cho việc tổ chức dạy bơi.
Đây cũng là vấn đề được anh Thái Minh Sỹ - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Nghệ An quan tâm. Theo đó, anh Sỹ đề xuất Trung ương Đoàn cần kiến nghị các cấp, các cơ quan có thẩm quyền để có thể xin cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phổ biến việc dạy bơi, học bơi, bố trí trang thiết bị như bể bơi trong các nhà trường.
"Hiện số trường được hỗ trợ xây dựng bể bơi rất ít, mỗi địa phương chỉ một vài trường. Bên cạnh đó, ngân sách cấp xây bể bơi lại giao cho ngành văn hóa quản lý trong khi ngành không hiểu, không nắm sát được tình hình của trẻ em trên địa bàn về vấn đề này nên chưa phát huy hiệu quả", anh Sỹ cho hay.