Lợi dụng chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, nhiều đối tượng xấu đã dựng lên kịch bản với những chiêu trò lừa đảo tinh vi, đánh vào tâm lý lo sợ mất quyền lợi của người dân để chiếm đoạt tài sản.
Các chiêu trò giả danh Công an, cán bộ UBND các xã, phường mới để gọi điện thoại yêu cầu người dân “Cập nhật thông tin quê quán, nơi ở”, “chuyển đổi dữ liệu”, “đồng bộ hóa giấy tờ”... nhằm chiếm đoạt tiền, thông tin của người dân đã và đang được các đối tượng lừa đảo sử dụng.
Ngày 3/7, chị V.T.T, một công dân sinh sống ở xã Thành Long, tỉnh Thanh Hóa bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người lạ tự xưng là cán bộ Công an xã. Người này thông báo rằng xã Thành Long được sáp nhập theo chủ trương của Nhà nước và cho biết thông tin của chị T. trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “không trùng khớp”, cần được điều chỉnh ngay.
Để tạo sự tin tưởng và đẩy nhanh tiến trình “hỗ trợ”, đối tượng yêu cầu chị T. kết bạn Zalo và quét mã QR để đăng ký số thứ tự đến làm việc trước. Do đã được tuyên truyền, cảnh báo từ trước nên chị V.T.T. đã cảnh giác gọi điện trực tiếp cho đồng chí cán bộ Công an phụ trách thôn để xác minh thông tin.
Qua kiểm tra, cán bộ Công an xã Thành Long khẳng định đây là hành vi lừa đảo có chủ đích, các đối tượng lợi dụng tâm lý của người dân trong thời điểm chuyển đổi địa giới hành chính để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã tuyên truyền và đề nghị chị T. không truy cập, không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho người lạ.
Đây là hình thức lừa đảo mới, xuất hiện song song với quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường trên toàn quốc. Đối tượng thường mạo danh cơ quan chức năng, dùng thông tin nửa thật nửa giả để khiến người dân hoang mang, sau đó dụ dỗ cung cấp thông tin cá nhân, thậm chí truy cập vào đường link, mã QR độc hại có cài mã độc nhằm chiếm đoạt dữ liệu, tài sản.
Chị Nguyễn Thị H. trú tại phường Hạc Thành (trước đây là phường Đông Hải), được một số điện thoại là gọi tới thông báo do sáp nhập đơn vị hành chính, thông tin nộp tiền nước của gia đình chị thay đổi. Đề nghị chị tải đường link để thực hiện theo hướng dẫn.
Khi chị H. gọi điện cho người quen ở bên đơn vị cung cấp dịch vụ nước sạch thì mới biết là phía công ty không hề có chủ trương yêu cầu khách hàng tải đường link, thay đổi mã thanh toán tiền nước. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị H. báo cho cơ quan chức năng và đăng tin cảnh báo trên mạng xã hội.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong thời đại công nghệ số. Kẻ lừa đảo gửi email giả mạo từ một tổ chức uy tín, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng.
Thủ đoạn của chúng ngày một tinh vi, nhắm vào nhiều đối tượng khác nhau. Kẻ gian tạo ra các trang web hoặc tài khoản mạng xã hội giả mạo để bán hàng, sau đó nhận tiền nhưng không giao hàng.
Các chương trình đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, thường là các hình thức Ponzi hoặc đa cấp. Kẻ lừa đảo gọi điện hoặc nhắn tin giả danh nhân viên ngân hàng để yêu cầu thông tin tài khoản hoặc mật khẩu. Kẻ gian còn tạo ra hồ sơ giả trên các trang mạng xã hội hoặc ứng dụng hẹn hò, xây dựng mối quan hệ tình cảm để xin tiền từ nạn nhân.
Gần đây, chúng còn giả danh nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của các công ty công nghệ, yêu cầu nạn nhân cài đặt phần mềm độc hại hoặc cung cấp thông tin tài khoản. Hoặc sử dụng các trang mạng xã hội để phát tán thông tin giả, kêu gọi quyên góp, hoặc lừa đảo thông qua các trò chơi, ứng dụng.
Nguy hiểm hơn, kẻ lừa đảo gửi các tệp đính kèm hoặc liên kết chứa mã độc để đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng. Chúng tổ chức các cuộc thi giả mạo, yêu cầu người tham gia cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán phí tham gia…
Để bảo vệ bản thân, người dùng cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân cho những nguồn không đáng tin cậy, và luôn xác minh thông tin trước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng Công an khuyến cáo, việc sáp nhập xã, phường và điều chỉnh địa giới hành chính không yêu cầu người dân phải cung cấp lại thông tin.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cơ quan chức năng tự động cập nhật, đảm bảo đầy đủ, chính xác. Người dân không cần đến xã hay khai báo bổ sung dưới bất kỳ hình thức nào, nếu không có thông báo chính thức.
Tất cả các số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu người dân cập nhật, gửi đường link lạ đều là do các đối tượng lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập để nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân.
Vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số Căn cước, mã định danh, tài khoản ngân hàng, mã OTP, ảnh chụp giấy tờ cá nhân… qua điện thoại, mạng xã hội cho bất kỳ ai chưa được xác minh danh tính rõ ràng. Tuyệt đối không truy cập đường link lạ, không quét mã QR từ người không quen biết.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, người dân cần báo ngay cho Công an xã, phường nơi cư trú hoặc liên hệ theo các số điện thoại trực ban để được hỗ trợ, hướng dẫn xử lý kịp thời.