Sau 1 tuần triển khai thí điểm thu phí vỉa hè đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện trên địa bàn quận 1, TP.HCM, đã có gần 100 trường hợp đăng ký sử dụng. Thuận lợi lớn nhất được cơ quan chức năng ghi nhận chính là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Ngày 9/5, UBND quận 1 bắt đầu áp dụng thí điểm việc thu phí vỉa hè đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện và ra mắt phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1”. Đây là địa phương đầu tiên tại TP.HCM áp dụng việc thu phí vỉa hè để làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa.
Thông tin đến Báo Công lý, ông Nguyễn Thành Phát - Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận 1 cho biết, sau 1 tuần triển khai thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa trên địa bàn quận 1, tính đến 8h ngày 16/5, có 92 trường hợp đăng ký.
Tổng số phí dự kiến (tạm tính khi người dân đăng ký): 431.170.500 đồng. Diện tích đăng ký dự kiến: 747m².
Tổng số trường hợp đã được thông qua: 30 trường hợp. Tổng số trường hợp đã đóng phí sử dụng: 17 trường hợp, với số tiền; 84.6.000 đồng.
Cũng theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị quận 1, phường Bến Thành là địa phương có số lượng đăng ký nhiều nhất với 57 trường hợp, phường Tân Định chưa có trường hợp đăng ký.
Về số lượng đăng ký theo tuyến đường, nhiều nhất là đường Lê Thánh Tôn với 25 trường hợp, riêng tuyến Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé) và Hoàng Sa (phường Tân Định) chưa có trường hợp đăng ký.
Khung giờ phổ biến được nhiều người đăng ký sử dụng là từ 17h đến h.
Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận 1 Nguyễn Thành Phát cho biết, trong quá trình triển khai thí điểm việc thu phí vỉa hè, người dân ủng hộ việc đóng phí, mức phí theo quy định cũng như đồng thuận việc đăng ký sử dụng tạm một phần hè phố qua phần mềm.
Minh chứng rõ nét nhất là trong 7 ngày triển khai thí điểm có gần 100 trường hợp đăng ký (bình quân gần 14 trường hợp đăng ký một ngày trên địa bàn 10 phường quận 1).
Việc đăng ký qua phần mềm giúp cho việc đăng ký được khoa học, minh bạch và thuận lợi hơn, việc đăng ký có thể được thực hiện mọi lúc mọi nơi, người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể trên địa bàn quận.
Bản đồ số hè phố thể hiện tất cả các đối tượng hiện hữu trên hè phố như vật liệu hè phố, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật giúp việc tra cứu dễ dàng, thuận tiện; giảm chi phí và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dữ liệu; nâng cao sự hài lòng của người dân và hộ kinh doanh đối với sự phục vụ của cơ quan quản lý hành chính nhà nước tại quận 1.
Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng thông minh, công khai, hiện đại; ứng dụng, triển khai thu phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước theo quy định, đồng thời ưu tiên không dùng tiền mặt thông qua phần mềm nộp trực tiếp vào tài khoản ngân sách nhà nước.
Do là lần đầu ứng dụng phần mềm vào công tác đăng ký sử dụng tạm thời hè phố nên người dân chưa quen. Thời gian tới, trên cơ sở triển khai thí điểm, UBND quận 1 sẽ tổ chức đánh giá kết quả thí điểm để hoàn thiện ứng dụng, nhân rộng mô hình đối với các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức kinh doanh, dịch vụ mua bán hàng hóa và hoàn thiện các chức năng của phần mềm theo các ý kiến góp ý.
11 tuyến đường áp dụng thu phí tại quận 1, gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), Hải Triều và Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).