Ngày 16/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Tham dự Đoàn công tác của Thủ tướng có các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn - Hoàng Duy Chinh; lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ và tỉnh Bắc Kạn.
Bắc Kạn có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khó khăn
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung, nhờ những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn, tình hình kinh tế - xã hội đang tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2021 - 2022 đạt 5,02%; chuyển dịch cơ cấu giữa các nhóm ngành kinh tế tiếp tục theo chiều hướng và định hướng chung, trong đó khu vực dịch vụ chiếm 51,9%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 16,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 5,7%, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 6/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. Nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,35%, cao nhất cả nước. Công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 10,8%. Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 5,14%. Du lịch phục hồi nhanh, đón 571 nghìn lượt khách 6 tháng đầu năm, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 74% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 400 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân 2,07%/năm; triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn. Tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, giữ vững phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Kạn còn nhiều khó khăn, nhất là về kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông chưa hoàn thiện, giao thương thiếu thuận lợi; việc giải ngân vốn đầu công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; hàng nghìn thôn, bản người dân chưa được dùng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm ,7% hộ dân toàn tỉnh.
Để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển, Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ tỉnh một số cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh và kết nối liên vùng, quốc gia; cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện; cơ chế, chính sách quản lý, phát triển rừng; cơ chế phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư ngoài ngân sách…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thảo luận đánh giá kết quả, khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp để tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, các đại biểu cho rằng, Bắc Kạn cần phân tích, xác định tiềm năng khác biệt của mình để phát triển như thế mạnh về kinh tế rừng, dược liệu, tín chỉ carbon; văn hóa đặc sắc của 7 dân tộc anh em trên địa bàn; nguồn tài nguyên phong phú, nhất là hệ thống sông, suối hồ như hồ Ba Bể… Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn cần quan tâm công tác quy hoạch; đào tạo nguồn nhân lực để việc phát triển bền vững hơn.
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Kạn, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Sau hơn 26 năm tái lập, Bắc Kạn đã có những đổi thay toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng được duy trì. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, xây dựng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc được nâng lên.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bắc Kạn vẫn nhỏ; tốc độ tăng trưởng GRDP còn thấp; tăng trưởng ở 2 khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác xây dựng, triển khai quy hoạch chậm; sản xuất nông nghiệp manh mún, sản phẩm bán ra chưa có sức cạnh tranh; phá rừng trái pháp luật vẫn còn diễn ra; sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư còn hạn chế; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường còn hạn chế; tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh...
Thủ tướng cho rằng, Bắc Kạn có nhiều khó khăn, song có nhiều thuận lợi, vấn đề là phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết vấn đề và với tinh thần tự lực, tự cường thì thời gian tới Bắc Kạn sẽ phát triển.
Bên cạnh đổi mới tư duy, phương pháp luận, tỉnh phải phối hợp với các bộ, ngành đổi mới cơ chế để giải quyết các vấn đề đặt ra; huy động và phát huy tốt nguồn lực sẵn có. Tập trung vào phát triển kinh tế rừng và phát triển du lịch, đặc biệt là lợi thế có hồ Ba Bể- một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Phát triển kinh tế rừng có 3 mũi nhọn gồm bán chứng chỉ carbon, bán điện sinh khối và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm từ rừng (gỗ, dược liệu, sinh phẩm từ rừng…). Phát triển sản phẩm OCOP cần chú trọng xây dựng thương hiệu đặc trưng, chỉ dẫn địa lý; quy hoạch vùng trồng; ứng dụng khoa học công nghệ; quan tâm mẫu mã bao bì; chuẩn bị về vốn và chiến lược mở rộng thị trường. Chú trọng giải ngân vốn đầu tư công, vừa phục vụ tăng trưởng, vừa tạo công ăn việc làm, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, nguồn lực và thời gian có hạn, trong khi yêu cầu thì phải kịp thời, phải nhanh, chất lượng, cho nên phải triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đột phá để phát triển; phát triển phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội...
Khi hạ tầng và các điều kiện chưa đủ để phát triển khu công nghiệp, tỉnh nên quy hoạch điểm, cụm công nghiệp. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, tài nguyên môi trường. Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi một số nghị định về lĩnh vực y tế. Quan trọng nhất, tỉnh cần tiếp tục đoàn kết giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Thủ tướng lưu ý: Bắc Kạn cần phát triển dựa vào tiềm năng thế mạnh nổi trội, hóa giải được những khó khăn vướng mắc, đi lên bằng ý chí tự cường, bàn tay khối óc, miền đất vùng trời của mình; gắn phát triển văn hóa với kinh tế.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Thủ tướng cơ bản nhất trí xem xét giải quyết, căn cứ tình hình, nguồn lực chung để có lộ trình thực hiện phù hợp; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh xem xét, xử lý, những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét. Chính phủ đồng hành, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn về mặt cơ chế, chính sách, ý tưởng và tạo điều kiện để tỉnh triển khai thực hiện; đề nghị tỉnh Bắc Kạn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, huy động các nguồn lực toàn xã hội để đầu tư phát triển.
Phát biểu bế mạc, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn ghi nhận và nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành. Hứa sẽ cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Tỉnh Bắc Kạn rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới.